Ba phiên toà, ba nụ cười đểu cáng

Posted: March 30, 2014 in Uncategorized
Tags:

Lê Diễn Đức (RFA-Blog) – Nụ cười là phản ánh tâm trạng của con người, mang lại niềm vui và là sự ban tặng cho đời, nhưng cũng có những nụ cười không thể nào lý giải được, vì nó được thể hiện trong những hoàn cảnh bi kịch, tương phản.

Xem thêm: Ngôn ngữ kì thị + Công an đánh chết người chỉ bị coi là dùng nhục hình?

Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines trong phong xét xử hôm tháng 12 năm 2013, đã cười nói với công an và vui vẻ trình diễn thơ tự sang tác trước Hội đồng xét xử.

Động lực nào, lý do nào làm cho ông ta bình thản, tự tin như thế, dù sau đó nhận bản án tử hình? Chắc là ông ta nghĩ mình không có tội và cái tội mà ông vướng phải nó không đáng, bởi vì nó rất nhẹ và phổ cập trong toàn bộ hệ thống. Ai mà chẳng ăn! Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Bất kỳ cái gì dính đến nhà nước đều có văn hoá phong bì. Nơi nào có dự án đương nhiên phải rút ruột. Ăn chênh lệch 10 tỷ đồng từ cái ụ nổi chẳng là bao so với những món khủng khác!

Cũng rất có thể ông Dương Chí Dũng đã được Trưởng Ban Nội Chính Nguyễn Bá Thanh bảo đảm bản án tử hình sẽ không thục hiện nếu Dương Chí Dũng khai hết. Đầu mối để đưa tới thượng tầng là thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ đã bị hé mở. Nhưng Ngọ chết, ván bài được khép lại, cuộc chơi đột ngột bị dừng. Nụ cười Dương Chí Dũng sẽ còn tươi mãi được không?

Trong một phiên toà khác, ngày 14 tháng Hai năm 2014, xét xử Huỳnh Thị Huyền Như, kẻ lừa đảo thế kỷ của Việt Nam, nhân danh can bộ của ngân hàng Vietinbank, cuỗm một lúc gần 200 triệu đôla (hơn 4 ngàn tỷ đồng) của khách hàng, cười mãn nguyện trong xe áp tải tù nhân. Nụ cười này phải là sự thoả mãn cho mưu mô lừa gạt có ý thức cùng với sự đồng loã của Ngân hàng Công Thương (VietinBank). Thiên hạ bá tánh phẫn uất, chế nhạo không phải là bản án chung thân dành cho Huyền Như mà chính là toà đã phủi bỏ trách nhiệm của Vietinbank một cách trắng trợn. Tất cả các nguyên đơn dân sự đều kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc VietinBank phải bồi thường thiệt hại chứ không phải Huyền Như. Bản án cho thấy cách quản lý bê bối, tắc trách của hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam và sự bao che dung túng lộ liễu. Độ tin cậy của Vietinbank xuống bằng không và dư luận xã hội sôi sục kêu gọi tẩy chay ngân hàng này.

Tiếp theo, tại phiên của toà thành phố Tuy Hoà ngày 28 tháng 3 năm 2014 xét xử 5 cựu công an trong khi lấy lới khai đã dã man đánh chết anh Ngô Thanh Kiều ngay tại trụ sở.

‘Nội chính tỉnh chỉ đạo xử nhẹ bản án?’ (BBC). – Vụ 5 công an làm chết nghi can: Để sẩy “con cá lớn”? (NLĐ). – Xử năm công an đánh chết người: Mâu thuẫn trong đề nghị của VKS (PLTP).

Bản án đã cũng nói lên sự bao che tội phạm và nhạo báng công lý, khi 4 trong năm công an được đề nghị hưởng án treo. Còn thượng tá Lê Đức Hoàn (phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án 312T) đuợc miễn tố, dù Viện kiệm sát thừa nhận ông ta phạm hai tội: “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”“bắt người trái quy định pháp luật”.

Trong phiên toà này chúng ta nhìn thấy một nụ cười khác trong phòng xử. Đó là nụ cười tươi khác của một trong 5 tên công an phạm tội, trên ghế của phòng xử.

Nhìn tấm hình khác khi đứa bé hai tuổi hôn lên di ảnh của người cha bạc mệnh và nụ cười của tay cựu công an này, chúng ta không khỏi tuởng tượng hắn như là kẻ không tim, không óc, tệ hơn cả ác vật.

Chỉ có chế độ thối nát, vô nhân đạo, bất nhân vô độ, xem mạng của dân chúng như cỏ rác, thì mới có thể đẻ ra nụ cười khốn nạn ấy. Nụ cười này là hậu quả tất yếu của một hệ thống bạo lực, công an trị, của bộ máy đàn áp nhân dân bị côn đồ hoá.

Mới trước đó một tháng, ngày 7/11/2013, Việt Nam đã ký kết Công ước chống tra tấn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố rằng việc ký Công ước này thể hiện “cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người”.

“Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn nhũng gì cộng sản làm” là câu nói bất hủ và đi vào lịch sử của cố Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu. Vận dụng trường hợp nào cũng đúng và với Công ước chống tra tấn càng thấm thía.

Công an đánh chết người trở nên thường xuyên tại Việt Nam. Em Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi bị công an đánh chết tại trụ sở huyện Tân Yên, Bắc Giang hồi tháng 7 năm 2010. Ông Trịnh Xuân Tùng bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh bị đánh gãy cổ dẫn đến tử vong hồi tháng 3/ 2011 tại Hà Nội. Anh Cao Văn Tuyên ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà, bị công an xã dùng dùi cui đánh chết khi bị bắt về đồn để thẩm vấn vào đầu tháng 7/2013. Trên mặt báo chính thức, thỉnh thoảng lại có tin một người bị chết trong đồn công an, mà một số bị cho là đã “tự tử”, tuy ai cũng biết rõ đó là do công an đánh đập.

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã đã phải hứng đòn thô bạo từ các điều tra viên hoặc những tù nhân khác do các điều tra viên sai khiến, ép cung, buộc ông phải nhận tội giết người và phải chịu ngồi tù oan ức 10 năm trời.

Sẽ còn nữa những nụ cười của những tên tội phạm trong cái xã hội nhiễu nhương, lưu manh và đểu cáng này. Những tay bảo vệ chế độ nếu có phạm tội vẫn luôn được hưởng bao dung, che chở, còn người dân thì ngồi tù chỉ vì ăn trộm vài con vịt.

Đây là công lý của kẻ cướp!

Google search: “Công an đánh dân” – “Công an đánh người” và “Công an đánh chết người” (FB Mạnh Kim).

Ngôn ngữ kì thị

Nguyễn Văn Tuấn (Quechoa) theo FB drtuannguyen – Năm người công an dùng nhục hình đánh chết người. Họ chỉ bị phạt án treo (1)! Không biết các bạn có để ý cách dùng chữ trong vụ án này, riêng tôi thì thấy hình như có một sự kì thị trong cách dùng chữ ở đây. Báo chí đề cập đến 5 người này như “Năm vị công an”, “Năm cán bộ công an”. Tôi thấy lấn cấn trong cách dùng chữ “vị” ở đây.

Các “vị công an” đã giết bố các cháu nhỏ này!

“Vị” trong tiếng Việt là chữ dùng một cách kính trọng và nể nang. Người ta nói “Vị chủ tịch”, “Vị tiến sĩ”, “Vị giám đốc”, v.v. chứ đâu có ai nói “Vị giết người”. Đánh và tra tấn người ta đến chết là hành vi giết người – sát nhân. Giết người là tội phạm nặng. Kẻ có hành vi giết người là kẻ xấu. Tôi không hiểu tại sao báo chí đề cập đến kẻ xấu là “vị”.

Tìm hiểu một chút thì thấy “kẻ giết người” cũng nằm trong kho tàng ngữ vựng của báo chí đó chứ. Chẳng hạn như cái tít “Tử hình kẻ giết người, đốt xác phi tang”. Đọc kĩ thì thấy người mang danh “kẻ giết người” này là thường dân.

Bây giờ thì chúng ta đã khá rõ: là công an giết người thì được gọi là “vị”, còn thường dân mà phạm cùng tội được gọi là “kẻ”. Như thế là có sự kì thị trong cách viết rồi.

Chuyện nọ xọ chuyện kia: nói về kì thị trong ngôn ngữ thì chắc nói hoài không hết, nhất là cách người ta áp đặt tiếng Việt sau này. Người trong cùng bộ lạc thì được ưu ái gọi là “đồng chí”. Hình như chữ này là bắt chước Tàu (?) Tôi thấy lạ một điều là người ta còn gọi người yêu là … đồng chí, như thơ của Vũ Cao:

“Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí”

và Nguyễn Đình Thi:

“Chiều mờ gió hút / Bắt tay / Đồng chí / Em / Bóng nhỏ / Đường lầy.”

Kinh thật!

Còn kì thị và miệt thị thì ngôn ngữ sau 1975 hay miền Bắc trước đó có lẽ thuộc vào hàng quán quân. Người “phe ta” thì được gọi một cách kính trọng như “Chủ tịch”, “Đồng chí”, “Bác” (Bác Tôn), “Người” (viết hoa). Còn phe địch thì bị gọi một cách xách mé và có phần … vô lễ. Nào là “thằng” (“thằng Diệm”), “con” (“con Trần Lệ Xuân”), mụ (“mụ Thụy An”).

Thế kỉ 21 rồi, nên tử tế với nhau. Kẻ giết người thì nên gọi là “kẻ giết người”.

cogaitatcagt9

(1) Riết rồi không biết công lí ở đâu khi giết người bằng nhục hình mà được hưởng án treo, còn một cô thiếu nữ 19 tuổi tát cảnh sát giao thông bị phạt cái án 9 tháng tù. Hình như có một sự phân biệt giai cấp xã hội ghê gớm ở đây. Thê thảm hơn nữa, ba nông dân bị 13 năm tù vì ăn trộm hai con vịt. Tôi nghĩ đề tài về mức độ và hình phạt ở VN nếu có ai nghiên cứu thì chắc chắn hay lắm, và biết đâu sẽ giúp ích cho mấy vị chánh án.

Công an đánh chết người
chỉ bị coi là dùng nhục hình?

Tấn Lộc (PLO) – Theo lời chị Tuyết, sau khi anh Kiều bị đánh chết, cơ quan công an ra sức bưng bít, che giấu, ngăn cản người nhà làm lễ mai táng… Đặc biệt là thái độ dửng dưng của ông Lê Đức Hoàn, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Trong phần tranh luận sáng nay (29/3) tại phiên tòa, chị gái nạn nhân Ngô Thanh Kiều tỏ ra vô cùng bức xúc với kết luận các vết thương đánh vào người anh Kiều (trừ phần đầu) chỉ gây xây xát ngoài da. Chị nói: “Nếu chỉ xây xát ngoài da, tại sao nội tạng bị nát hết?”. Vợ của nạn nhân, chị Trần Thị Tâm, nhấn mạnh rằng vì sao khi người dân đánh người thì sẽ bị truy tố tội cố ý gây thương tích, giết người thì bị truy tố tội giết người, trong khi công an đánh người đến chết lại gọi là dùng nhục hình. Luật pháp Việt Nam không cho phép bất cứ ai đánh đập người khác, kể cả lực lượng công an khi xét hỏi phạm nhân.


Chị Tuyết khóc ngất ngoài phòng xử án

Chị Tuyết tiếp tục phản ứng gay gắt trước cách hành xử của công an TP. Tuy Hòa: một con người bị còng hai tay dính vào ghế, hai chân cũng bị còng lại, bị năm công an có vũ khí đánh đập dã man, bị bỏ đói từ sáng đến chiều trong khi hàng loạt cán bộ công an thản nhiên ngồi ăn cơm trong tiếng la hét đau đớn của nạn nhân. Chị nói: “Các người có còn là con người không, có lương tâm không? Các bị cáo chối tội đánh vào đầu em tôi gây chấn thương sọ não. Vậy ai là người đánh chết em tôi?”.


Vợ và hai con nhỏ của nạn nhân Kiều

Chị Tuyết là người phát hiện những bất thường về cái chết của em trai mình. Suốt nhiều tháng liền, chị là người đại diện gia đình gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng, yêu cầu điều tra, xử lý hành vi đánh người của các cán bộ công an. “Nếu em tội phạm tội thì có luật pháp xử lý. Tại sao giữa đêm khuya, dù không có lệnh bắt, họ lại ngang nhiên đến nhà còng tay bắt em tôi đi, rồi họ tự cho mình cái quyền được đánh đập người khác”– chị Tuyết uất ức.

Comments
  1. Tin tức tổng hợp hay lắm suy gẫm nếu là một con người ..

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.