Hong Kong và Hoa lục ‘không thể hòa hợp’

Posted: November 10, 2014 in Uncategorized
Tags:

Vincent Ni (BBC Hoa ngữ) – Các cuộc biểu tình và xô xát tiếp diễn kéo dài ở Hong Kong có thể xem là chưa từng có nhất là kể từ khi thuộc địa của Anh này được trả về cho Trung Quốc hồi năm 1997 và thậm chí còn có thể sánh ngang với cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của thực dân Anh hồi năm 1967.

� Xem thêm: Biểu tình Hong Kong tiếp tục diễu hành + Hồng Kông : Tiếp tục biểu tình đòi đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh + Người biểu tình Hồng Kông yêu cầu đàm phán với Bắc Kinh.

Người dân Hong Kong không tách biệt ra khỏi phần còn lại của Trung Quốc?

Mặc dù những người biểu tình trẻ tuổi Hong Kong tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết đã giành được nhiều sự cảm thông và ủng hộ của cộng đồng và truyền thông quốc tế, dư luận ở Trung Quốc vẫn rất chia rẽ.

Dân đại lục bực bội

Trong khi có một số người thông thạo và tinh vi trên mạng đã bày tỏ tình đoàn kết bằng cách đưa ảnh người biểu tình Hong Kong lên mạng Internet, vượt qua hàng rào kiểm duyệt của Bắc Kinh thì vẫn có những người nhún vai và thậm chí bực bội với cách mà người dân Hong Kong đòi dân chủ.

“Vấn đề thật sự của Hong Kong là đa số người dân không biết gì về mô hình phát triển đã thay đổi và do đó không có sự chuẩn bị tâm lý cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Thái độ của nhiều người ở Hong Kong thậm chí còn có thể được xem là liều mạng,” một blogger ẩn danh của Trung Quốc viết và lời bình luận này đã lan truyền chóng mặt trên mạng.

BBCquote
Vấn đề thật sự của Hong Kong là đa số người dân không biết gì về mô hình phát triển đã thay đổi và do đó không có sự chuẩn bị tâm lý cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Thái độ của nhiều người ở Hong Kong thậm chí còn có thể được xem là liều mạng.Một blogger ẩn danh
của Trung Quốc

Quan điểm kiểu này đã không được các cơ quan truyền thông quốc tế nhắc đến một cách rộng rãi. Các nhà báo nước ngoài có sự nghi ngờ với những phản ứng kiểu này giống như là đây là quan điểm này của người thuộc chính quyền Trung Quốc hay là của một nhóm những người theo chủ nghĩa dân tộc ngoan cố đã bị tẩy não.

Tuy nhiên, những quan điểm này không thể bỏ qua. Thật ra, đối với chính quyền ở Bắc Kinh, những ý kiến như thế này giúp họ tin là cách xử lý của họ đối với cuộc biểu tình ở Hong Kong là đúng đắn.

Người dân Hong Kong ngày càng bất mãn với việc Bắc Kinh có khuynh hướng kiểm soát nhiều khía cạnh của xã hội tự do của họ trong vòng một thập niên qua. Tuy nhiên điều này xảy ra cùng lúc với sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa dân Hong Kong và dân đại lục.

Thay đổi vị thế

Biểu tình Hong Kong đã kéo dài hơn một tháng

Nhờ vào sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc mà những người dân ‘Hai Lúa’ nghèo khổ ở đại lục đã thay đổi vị thế trước những người dân Hong Kong một thời giàu có và cạnh tranh với cuộc sống mà họ hãnh diện vốn được đặt dưới nền pháp trị – điều mà người dân đại lục không có.

Sau khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc hồi năm 1997, hàng triệu du khách từ đại lục đã băng qua biên giới để đổ về đặc khu tư bản này của Trung Quốc mà đối với họ còn mới mẻ. Tiền của họ đã dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Vì người dân đại lục chưa từng trải nghiệm qua một xã hội pháp trị quy củ và vì cảm giác ta đây với túi tiền dường như vô hạn mà họ kiếm được trong giai đoạn Trung Quốc chuyển đổi, cách xử sự của họ đã khiến cho người dân Hong Kong cảm thấy khó chịu.

Ông Tập đang đối mặt với bài toán khó Hong Kong

Hồi năm ngoái, tranh cãi xung quanh việc một bé gái từ đại lục đại tiện trên đường phố Hong Kong càng làm chia rẽ hai phần của Trung Quốc. Người dân đại lục thì than phiền rằng ở Hong Kong quá thiếu nhà vệ sinh công cộng trong khi người Hong Kong thì cho rằng dân đại lục quá kém văn minh.

“Cảm giác của nhiều người dân Hong Kong rằng họ ở một đẳng cấp cao hơn và có đặc quyền hơn đang bị thách thức nghiêm trọng,” Tiến sỹ Enze Han, một giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu châu Á và phương Đông ở London, nhận định.

Bản sắc Hong Kong

Còn ở đại lục, người dân ở đây cho là người Hong Kong ‘ghen tỵ’ với họ.

Mùa hè năm ngoái, bà Trương Tú Lan, 48 tuổi, người trở thành đại gia nhờ đầu tư ở Thượng Hải hồi những năm 2000, đến Hong Kong. Bà nhận xét: “Dân Hong Kong không thích người đại lục chúng tôi bởi vì họ không có khả năng kiếm tiền và tiêu tiền như chúng tôi.”

BBCquote
Dân Hong Kong không thích người đại lục chúng tôi bởi vì họ không có khả năng kiếm tiền và tiêu tiền như chúng tôi.Trương Tú Lan, đại gia
đầu tư ở Thượng Hải

“Quan trọng hơn, họ kiêu ngạo quá. Nếu tôi nói tiếng Quan thoại với họ thì họ sẽ nhìn tôi bằng con mắt khác,” bà Vương nói với tôi hồi tháng trước, “Họ gọi tôi là Đại lục khách (một cách gọi có hàm ý khinh miệt là dân đại lục thô kệch).”

Tiến sỹ Han cho rằng tất cả những điều này thể hiện một bản sắc khác của người Hong Kong. Đó là bản sắc phân biệt giữa người Hong Kong với dân đại lục. Cũng chính bản sắc này là điều đã thúc đẩy thanh niên Hong Kong xuống đường bảo vệ lối sống của họ, xã hội họ và đất nước của họ.

“Tất cả những yếu tố này cộng lại đã dẫn đến sự hình thành của bản sắc bản địa rất đặc trưng của Hong Kong – một bản sắc đi gần đến chỗ phủ nhận họ không phải là người Trung Quốc,” ông Han nói thêm.

Mặc dù về công khai thì giới lãnh đạo Trung Quốc thì nói ‘quyền tự trị Hong Kong’ trong khi ở hậu trường, Chủ tịch Tập Cận Bình và các cố vấn của ông đang theo dõi tình hình Hong Kong rất sát sao.

‘Hong Kong là của Trung Quốc’

Người Hong Kong chê dân đại lục ‘kém văn minh’

Ông Triệu Lôi, một trong những cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, viện trưởng Viện Các vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Macau thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Đảng Cộng sản, nói:

“Khi chúng ta nhìn vào Hong Kong, chúng ta nên tự hỏi rằng Hong Kong đang đứng ở đâu trong bối cảnh Trung Quốc.

Hong Kong là một bộ phận của Trung Quốc. Hong Kong đi cùng Trung Quốc. Điều đó không thể khác được. Hong Kong phải là Hong Kong của Trung Quốc.”

Khi mà phong trào ‘Chiếm Trung Hoàn’ bắt đầu âm ỉ, truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã đăng nhiều bài xã luận và phỏng vấn lặp đi lặp lại rằng mặc dù theo hệ thống ‘một đất nước, hai chế độ’, Bắc Kinh vẫn có tiếng nói cuối cùng trên hầu hết tất cả các vấn đề của Hong Kong.

Ông Triệu cho rằng mặc dù phong trào dân chủ ở Hong Kong đã giành được nhiều cảm tình và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh nhìn nó với ánh mắt đầy lo lắng.

Đặng Tiểu Bình là người xúc tiến việc thu hồi Hong Kong

“Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc thế này: chuyện nhà đừng đem ra nói bên ngoài. Các nhà dân chủ như các ông Anson Chan và Martin Lee đương nhiên có quyền làm gì các ông ấy muốn nhưng việc các ông ấy kêu gọi các nước khác tham gia chuyện trong nhà đã làm vấn đề thêm phức tạp,” ông Triệu nói.

Điều này cũng có thể thấy rõ trong cách truyền thông Trung Quốc đưa tin về sự kiện ở Hong Kong.

‘Bàn tay đen’

Một bài báo dường như là phóng sự điều tra đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mô tả chi tiết Mỹ đã hậu thuẫn người biểu tình Hong Kong như thế nào và Mỹ đã lợi dụng toàn bộ cuộc biểu tình này ra sao.

Nhân dân Nhật báo gọi sự can thiệp của Mỹ là ‘bàn tay đen’.

BBCquote
Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc thế này: chuyện nhà đừng đem ra nói bên ngoài. Các nhà dân chủ như các ông Anson Chan và Martin Lee đương nhiên có quyền làm gì các ông ấy muốn nhưng việc các ông ấy kêu gọi các nước khác tham gia chuyện trong nhà đã làm vấn đề thêm phức tạp.Triệu Lôi, cố vấn Chính phủ Trung Quốc
các vấn đề về Hong Kong,
Đài Loan và Macau

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình đưa ra mô hình ‘một nhà nước, hai chế độ’ hồi năm 1984, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xem đây là cách để giải quyết các vấn đề lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc.

Các vùng lãnh thổ này bao gồm Hong Kong, Macao, Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Hong Kong bùng nổ, đâu đâu cũng nghe đồn đoán rằng mô hình này sẽ chấm dứt. Nhưng vào ngày 27/9, Chủ tịch Tập Cận Bình lặp lại rằng Trung Quốc sẵn sàng cho Đài Loan quy chế tương tự.

Điều này cho thấy ông Tập không có ý định thay đổi mô hình ‘một đất nước, hai chế độ’.

“Cuộc khủng hoảng ở Hong Kong sẽ khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại chính sách của họ,” ông Triệu nói. Nhưng thay vì ca ngợi sự dấn thân vì xã hội của giới trẻ Hong Kong, ông Triệu nói rằng Bắc Kinh nên có lập trường cứng rắn khi đối diện với yêu cầu đòi phổ thông đầu phiếu theo kiểu phương Tây của người biểu tình.

“Không nên có lộ trình cho con đường đi đến dân chủ ở Hong Kong,” ông nói, “Nền dân chủ ở Hong Kong không thể so sánh với Anh hay Mỹ. Thật ra thì người dân Hong Kong đã có dân chủ nhiều hơn người dân đại lục.”

Biểu tình Hong Kong tiếp tục diễu hành

(BBC) – Hàng trăm người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã diễu hành tới cơ quan hành chính cao nhất đại diện cho Trung Quốc trong thành phố hôm 09/11/2014.

Các nhà hoạt động giận dữ trước quyết định đưa ra danh sách ứng viên do Trung Quốc lựa sẵn cho cuộc bầu cử vào ghế lãnh đạo Hong Kong vào năm 2017.

Họ cũng muốn được đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh.

Những người ủng hộ chính quyền cũng đổ xuống đường và hai phe biểu tình chạm trán nhau ngay bên ngoài Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Trung ương Trung Quốc ở Hong Kong. Các nhà hoạt động cài ruy băng vàng, biểu tượng của yêu cầu dân chủ, trên cổng cơ quan hành chính của Trung Quốc. Buổi diễu hành hôm Chủ Nhật tiếp theo gần sáu tuần biểu tình hòa bình và chặn các chốt giao thông chính trong trung tâm thành phố.

Chủ tịch đặc khu Hong Kong, ông Lương Chấn Anh, hiện đang ở Bắc Kinh, được Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ trong chính sách đối xử với người biểu tình. Ông Tập nói ông ủng hộ mạnh mẽ Hong Kong trong việc “đưa sự phát triển dân chủ hướng về phía trước tuân theo pháp luật, và trong khuôn khổ ổn định và thịnh vượng của Hong Kong”.

Phóng viên John Sudworth của BBC ở Hong Kong cho biết không thấy có dấu hiệu chính quyền Hong Kong sẽ nhượng bộ.

Hồng Kông : Tiếp tục biểu tình đòi đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh

Thụy My RFI (Françoi Bougon, Le Monde 09/11/2014) Nhiều ngàn người đã xuống đường Chủ nhật 9/11 ở Hồng Kông để đòi đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh, nhằm có được phổ thông đầu phiếu thực sự tại cựu thuộc địa trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Sau hơn 40 ngày chiếm đóng ba địa điểm trong thành phố, những người biểu tình trong đó có các lãnh tụ sinh viên học sinh của « Cách mạng những chiếc dù » đã đến trước Văn phòng liên lạc, đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông, gắn lên đó những chiếc nơ vàng.


Sinh viên Hồng Kông tiếp tục biểu tình ngày 09/11/2014.

Nếu số người tham gia ít hơn những tuần trước – có khi cả trăm ngàn người xuống đường, các lãnh tụ Liên đoàn sinh viên khẳng định muốn đối thoại trực tiếp với Trung Quốc : do không thể thỏa thuận được với chính quyền Hồng Kông, họ muốn đến tận Bắc Kinh.

Hôm thứ Sáu, họ đã kêu gọi cựu Trưởng đặc khu, ông Đổng Kiến Hoa đứng ra làm trung gian, nhưng ông này từ chối. Chu Vĩnh Khang (Alex Chow), Tổng thư ký Liên đoàn sinh viên Hồng Kông nói với Le Monde : « Nhưng giải pháp duy nhất cho người Hồng Kông là tiếp tục đấu tranh ». Anh bác bỏ ý tưởng giải tán khỏi những địa điểm chiếm đóng.

Khoảng hai chục người thân Bắc Kinh đội nón kết màu xanh đã la hét phản đối những người biểu tình, rằng « Phải tôn trọng trật tự và luật lệ ở Hồng Kông », nhưng họ bị cảnh sát thẳng thừng tách rời ra.


Tập Cận Bình tiếp đón Lương Chấn Anh ở Bắc Kinh, 09/11/2014.

Trong lúc đó, Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh được người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón ở Bắc Kinh, bên lề thượng đỉnh APEC. Ông Tập tuyên bố ủng hộ ông Lương, vốn bị phong trào dân chủ đòi hỏi phải ra đi. Tổng bí thư Đảng Cộng sản tuyên bố : « Điều hành bằng luật lệ là cột trụ cơ bản cho ổn định và thịnh vượng lâu dài ở Hồng Kông. Chính quyền trung ương hoàn toàn ủng hộ Trưởng đặc khu và chính quyền Hồng Kông trong việc lãnh đạo, đặc biệt nhằm đảm bảo pháp quyền và trật tự ».

Về phía Lương Chấn Anh – theo các hình ảnh trên truyền hình Hồng Kông, đã cho rằng đây là « phong trào quần chúng mạnh mẽ nhất từ khi được trao trả, phản ánh các quan điểm khác nhau trong xã hội Hồng Kông liên quan đến việc cải cách chính trị ».

Chia rẽ về sự tiếp diễn của phong trào

Hàng trăm người tiếp tục cắm trại tại địa điểm chính của phong trào « Cách mạng những chiếc dù », tại khu phố Admiralty ở Hồng Kông, nơi có Văn phòng Chính phủ và Hội đồng Lập pháp. Đã có những chia rẽ về đường hướng sắp tới của phong trào. Những người cực đoan nhất bác bỏ ý định đi đến Bắc Kinh của các sinh viên.

Theo thăm dò mới nhất của đại học Bách Khoa Hồng Kông, có 73,2% người được hỏi muốn chấm dứt việc chiếm đóng ; nhưng trên 40% quy trách nhiệm cho Lương Chấn Anh và chính quyền đã gây ra bế tắc hiện nay.

Người biểu tình Hồng Kông yêu cầu đàm phán với Bắc Kinh

(NLĐ) – Ngày 7-11, người biểu tình chống luật bầu cử ở Hồng Kông chính thức yêu cầu một buổi đàm phán với chính quyền Trung Quốc về vấn đề cải cách chính trị ở đặc khu này.


Người biểu tình Hồng Kông yêu cầu đàm phán với Bắc Kinh

Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) vừa trao một bức thư ngỏ đến cựu Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Đổng Kiến Hoa, đề nghị ông sắp xếp cuộc gặp với chính quyền Bắc Kinh. Liên đoàn cho biết họ nhờ ông Đổng vì chính quyền Hông Kông “không có khả năng đáp ứng” nhu cầu của học sinh. Các sinh viên bày tỏ hy vọng ông Đổng Kiến Hoa sẽ có văn bản trả lời các lãnh đạo sinh viên chậm nhất vào ngày 9-11.

Trong thư, HKFS bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng ông Đổng Kiến Hoa có thể thể hiện độ khoan hồng chính trị và giúp sắp đặt cuộc gặp giữa các sinh viên với quan chức Trung Quốc ở Hồng Kông hoặc ở Bắc Kinh để chúng tôi có thể trực tiếp bày tỏ tình hình tại thành phố này”.

Trong khi đó, nguồn tin của Báo bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 7-11 cho biết Bắc Kinh sẽ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố hai chế độ ở Hồng Kông .

Tờ báo dẫn lời quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết vì đa số người biểu tình là thanh niên nên Bắc Kinh muốn nâng cao ý thức của giới trẻ về việc tìm hiểu lịch sử và chung tay xây dựng “một đất nước” Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết: “Chính quyền Trung ương đang coi trọng vấn đề Hồng Kông hơn và sẽ thực hiện những điều chỉnh hợp lý trong chính sách của họ đối với thành phố này”.

Mặc dù quan chức này cho biết Bắc Kinh sẽ không từ bỏ quy định bầu cử nghiêm ngặt mà họ sẽ áp dụng ở Hồng Kông năm 2017 nhưng tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định những phát biểu của quan chức này là biểu hiện của sự đổi mới cách ứng xử của chính quyền Trung Quốc đối với đặc khu Hồng Kông.

L. Thoa (Theo Press TV, SCMP)

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.