Cải cách khi quốc doanh chủ đạo nền kinh tế

Posted: July 17, 2015 in Uncategorized
Tags:

Nam Nguyên (RFA) – Chỉ là một cán bộ cấp trưởng phòng Công ty con của Vinashin mà đã thủ đắc 40 biệt thự và nhà bằng tiền tham ô. Câu chuyện tài sản của ông cán bộ trẻ Giang Kim Đạt, cũng như sự sụp đổ của Vinashin cách đây 5 năm cho thấy hệ thống doanh nghiệp nhà nước thối nát như thế nào. Tuy vậy kinh tế quốc doanh vẫn được mô tả là giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế. Việt Nam sẽ cải cách thế nào trong tình hình thực tế và bối cảnh phức tạp.

� Xem thêm: Những thương vụ mua tàu cũ của Giang Kim Đạt + Khó thu hồi tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt tại Singapore? + Khởi tố cha của Giang Kim Đạt + Vụ án Giang Kim Đạt: lỗ hổng khủng khiếp của “ông” cơ chế?

vinashin-tinmoi.jpgTập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ năm 2010 với sự thất thoát 84.000 tỷ (4 tỷ USD theo thời giá) Courtesy Tinmoi.vn

Không thay đổi sẽ không phát triển

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã tự giải thể vì mất tính nghiên cứu độc lập, đã trình bày ý kiến về thảm trạng kinh tế quốc doanh là chủ đạo nền kinh tế.

“ Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đại vấn đề của nền kinh tế và chừng nào mà không thay đổi được não trạng đó, không thay đổi được đường lối đó thì đừng nói đến sự phát triển kinh tế thị trường một cách lành mạnh và rất là khó trong chuyện đi đặt vấn đề với Mỹ với EU xin xác nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường…Còn một vấn đề nữa do chuyện chỉ có độc đảng, không có cạnh tranh tranh chính trị, không có đối lập lành mạnh, nó luôn luôn canh chừng để vạch ra những chuyện làm bậy bạ của những người đương chức và nó luôn luôn kè kè là đến cuộc bầu cử tới mà các ông làm bậy như vậy thì người dân bằng lá phiếu sẽ đẩy các ông xuống. Đấy là một cơ chế hùng mạnh vô cùng để người ta bớt tham nhũng đi thì các chính sách mới thực sự thúc đẩy nền kinh tế thị trường…”

Khoản 1, Điều 51 Hiến pháp 2013 của Việt Nam xác định Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

  Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đại vấn đề của nền kinh tế và chừng nào mà không thay đổi được não trạng đó, không thay đổi được đường lối đó thì đừng nói đến sự phát triển kinh tế thị trường một cách lành mạnh
– TS Nguyễn Quang A  

Đối với các chuyên gia, khi đã mô tả rõ rệt như vậy trong Hiến pháp vốn là đạo luật gốc của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì quả thật không ai có thể biện luận là Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường thực chất. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng nhiều năm làm việc cho Liện Hiệp Quốc từ New York nhận định:

Với chế độ cộng sản và với nền kinh tế họ coi là quốc doanh chủ đạo thì như vậy họ sẽ làm lợi nhất cho những người ở trong Đảng và những người cầm quyền, đặc biệt việc sử dụng đất đai…họ sẽ tạo ra những cơ sở để cho đảng viên những người liện quan đến Đảng, liên quan đến chính quyền được hưởng lợi ích và giới tư nhân khó lòng mà cạnh tranh lại những người đang nắm quyền…”

Những vụ tham nhũng lịch sử

Một trong những ví dụ phản ánh thảm họa kinh tế nhà nước là chủ đạo nền kinh tế là vụ bê bối thế kỷ mang tên Vinashin. Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ năm 2010 với sự thất thoát 84.000 tỷ đồng tương đương 4 tỷ USD theo thời giá. Vụ án kết thúc với án tù 20 năm cho Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình, ông này phải bồi thường 5.000 tỷ nhưng nhà nước chưa lấy lại được đồng nào. Giang Kim Đạt chỉ là một cán bộ cấp thấp, giữ chức quyền trưởng phòng kinh doanh của Công ty Vận tải Viễn Dương thuộc Tập đoàn Vinashin,  tuy trẻ tuổi nhưng đã có gan tham nhũng không kém các bậc cha chú. Đương sự đã chiếm đoạt 18,6 triệu USD tiền nhà nước trong thương vụ mua tàu Hoa Sen. Khi các giới chức cao cấp của Vinashin bị bắt và truy tố, Giang Kim Đạt đã nhanh chân bỏ trốn và sống ung dung ở Singapore và một số quốc gia khác.

Giang Kim Đạt, một cán bộ cấp thấp cũng đã chiếm đoạt 18,6 triệu USD tiền nhà nước trong thương vụ mua tàu Hoa Sen (photo dudoankinhte)

Ngày 14/7/2015 Tổng cục An ninh Bộ Công an loan báo vừa bắt giữ được Giang Kim Đạt và công bố tài sản của đương sự tại Việt Nam gồm một khối lượng bất động sản lên tới 40 căn nhà trong đó có nhiều biệt thự. Những bất động sản này Đạt giao cho người thân đứng tên nhưng cơ quan điều tra đã xác minh được.

Những vụ thất thoát thiệt hại của Vinashin, Vinalines hay câu chuyện một con cá nhỏ là Giang Kim Đạt bị sa lưới chỉ là những phẩn nổi của tảng băng chìm kinh tế quốc doanh. TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Hà Nội nhận định:

“ Tất cả những việc hoạt động không hiệu quả, việc thất thoát, tham nhũng của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như của toàn bộ guồng máy nhà nước này người chịu cuối cùng là nhân dân, những người đóng thuế để nuôi nhà nước này, những người đóng thuế để nhà nước này trả nợ nước ngoài. Bởi vì những doanh nghiệp ấy có thể vay nước ngoài, nó sử dụng nguồn lực của nhà nước tức là tiền thuế của dân và người dân, những người đóng thuế bây giờ có thể không phải chịu. Nhưng mà con cháu họ sẽ phải chịu trong tương lai, không có một người nào khác ngoài người đóng thuế, ngoài công dân Việt Nam cả.”

  Tất cả những việc hoạt động không hiệu quả, việc thất thoát, tham nhũng của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như của toàn bộ guồng máy nhà nước này người chịu cuối cùng là nhân dân, những người đóng thuế để nuôi nhà nước này, những người đóng thuế để nhà nước này trả nợ nước ngoài
– TS Nguyễn Quang A   

Theo các chuyên gia, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội cải cách lớn lao khi sửa đổi Hiến pháp 2013 nhưng vẫn giữ nguyên vấn đề kinh tế nhà nước là chủ đạo nền kinh tế và không công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Trên thực tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo điều kiện cho những nhóm quyền lực hoành hành và hưởng lợi trong điều gọi là nền kinh tế tư bản thân hữu tức là các nhóm thân hữu khuynh loát nền kinh tế.

Việt Nam mới sửa Hiến pháp cách đây không lâu nên sẽ khó có sự tu chính trong tương lai gần. Tuy vậy có ý kiến cho là khi chưa thể sửa đổi Hiến pháp, vẫn có cách để trong chừng mực nào đó thực hiện cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Vẫn phải sửa Hiến pháp hoặc nếu không sửa thì coi như lờ những câu chữ đó đi. Tức là gọi là chủ đạo nhưng thực sự là không chủ đạo trong khi thực hành thì không để ý đến nữa. Đây là một cách không thực sự hữu hiệu lắm nhưng gọi là nói một đàng làm một nẻo, tức là những chuyện đường hướng chủ đạo nói thế cho nó vui thôi, còn trong thực tế phải hiểu rằng phải thúc đẩy để cho tư nhân giữ vai trò chủ đạo.”

Theo TS Nguyễn Quang A vào khoảng thời gian năm, sáu năm trước tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân là khoảng 15%-16% trong khi doanh nghiệp quốc doanh vào khoảng 5%-6%. Nếu giữ được đà tăng trưởng như thế và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế tư nhân thì có thể trong 10-15 năm nữa trọng lượng phần đóng góp của kinh tế nhà nước vào GDP hiện nay khoảng 25% sẽ sụt xuống 10% và các khu vực khác như hành chính quân đội rồi bộ máy nhà nước…tạo ra chừng 6%-7% của GDP, như vậy tổng đóng góp của khu vực nhà nước sẽ khoảng 16%-17% GDP.

Nếu tương lai diễn ra như thế thì đây là một tỷ lệ ước mơ vì ở các nước tư bản phát triển cũng tương tự như thế. Trong dài hạn không còn vấn đề tư nhân hóa cổ phần hóa mà chính là việc thúc đẩy kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế.

[:-/] Những thương vụ mua tàu cũ của Giang Kim Đạt (TP) – Theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện tại Cơ quan ANĐT – Bộ Công an xác định Giang Kim Đạt đã trực tiếp tham gia mua 7 tàu cũ (chưa kể tàu Hoa Sen) và cho thuê 9 con tàu. Sau những thương vụ này, Đạt đã chiếm đoạt gần 19 triệu USD rồi bỏ trốn ra nước ngoài.


Việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại gần 500 tỷ đồng của nhà nước (của đảng?)

Trong thời gian làm việc ở Vinashinlines (từ tháng 5/2006 – 6/2008), Giang Kim Đạt đảm nhiệm chức vụ quyền Trưởng phòng kinh doanh, lại là cố vấn cao cấp của giám đốc nên đối tượng đã được giao thực hiện hàng loạt thương vụ mua tàu cũ và cho thuê tàu, trong đó có tàu Hoa Sen – con tàu cũ mà Vinashin mang về đã phải dừng hoạt động do không hiệu quả, gây thiệt hại lớn. Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, Đạt có hành vi cố ý làm trái và “rút ruột” trong vụ mua con tàu này.

Không chỉ mua tàu cũ nát phải sửa chữa hết gần 350 nghìn USD, tàu Hoa Sen còn phải dừng hoạt động sau 39 chuyến chạy hai chiều Bắc – Nam. Cơ quan chức năng xác định, hành vi cố ý làm trái trong việc mua tàu Hoa Sen của Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 469 tỷ đồng của nhà nước.

Không chỉ “nhúng tay” vào việc mua tàu Hoa Sen, Giang Kim Đạt còn trực tiếp tham gia đàm phán giá cả mua 7 con tàu cũ khác và trong việc khai thác, cho thuê 9 con tàu. Với thủ đoạn câu kết, thông đồng, thỏa thuận với các công ty bán tàu để hưởng hoa hồng 1% giá trị hợp đồng, gửi 1-2 giá khi cho thuê tàu, Giang Kim Đạt đã chiếm hưởng bất chính gần 19 triệu USD. “Đánh hơi” được việc sẽ bị cơ quan công an “sờ gáy”, Đạt đã bỏ trốn ra nước ngoài.

[:-/] Vinashin hay ‘Vinachia’ thỏa hiệp đen bòn rút tài sản (VNN) – “Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là Vinacho, và bên cạnh là Vinachia. Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút tài sản của nhà nước” – ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi giờ giải lao phiên họp QH ngày 31/10/2013.

“Nó giống như một bệnh dịch. Ai là người có liên quan đến ngân sách tài sản của nhà nước? Là cán bộ công chức, những người có quyền định đoạt, những cán bộ mà quy định trước hết là phải là đảng viên. Tôi từng nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng trước hết là cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng. Nếu ý thức được chuyện đó, nó không chỉ là sự sống còn của quốc gia mà sự sống còn của chính Đảng”.

[:-/] Khó thu hồi tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt tại Singapore? (ĐĐK) – Sau khi bắt được Giang Kim Đạt, ngày 14/7 Tổng cục An ninh – Bộ Công an đã có thông báo kết quả điều tra ban đầu về hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ tham nhũng tại Công ty TNHH MTV vận tải Vinashin (Vinashinlines).

Ngày 7/7/2015, Giang Kim Đạt bị bắt sau 1.825 ngày đêm lẩn trốn. Giang Kim Đạt đã khai nhận hành vi trong hai năm giữ chức vụ Quyền Trưởng phòng Kinh doanh (tháng 5/2006 đến tháng 6/-2008), tham mưu cho Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Chỉ trong hai năm, Giang Kim Đạt đã tham nhũng số tài sản đặc biệt lớn lên tới 18,6 triệu USD.

Cụ thể: Giang Kim Đạt cấu kết với đối tác nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch so với giá trị. Tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Đó là khi Đạt trực tiếp tham gia đàm phán giá cả, các điều khoản trong hợp đồng để mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen). Trong thương vụ này, Đạt hưởng lợi bất chính 1 triệu USD.

Khi được giao cho khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch. Theo đó, tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 17,6 triệu USD.

Để thực hiện êm thấm khoản tiền tham nhũng lớn, Đạt không nhận trực tiếp mà bàn bạc với ông Giang Văn Hiển là bố ruột lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau như ACB, Eximbank, Vietcombank, Sacombank… để nhận tiền từ các đối tác chuyển về. Sau đó, số tiền được ông Hiển rút ra. Ngoài chi tiêu cá nhân, số tiền lớn được ông Hiển và người thân mua nhiều bất động sản trong nước (trên 30 bất động sản trên toàn quốc là biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai tại các vị trí “đất vàng”) và một số xe ô tô.

Ngoài ra, tại Singapore Đạt đứng tên mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu đô la Singapore. Trước đó, Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore nhưng đã bán.

Từ quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt ông Giang Văn Hiển (65 tuổi, trú Q.2, TP HCM) ngày 15/1/2015, để điều tra về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và che giấu tội phạm; đồng thời tiến hành phong tỏa tài khoản, kê biên số bất động sản mang tên người thân của Đạt.

Với việc tiếp nhận tiêu thụ số tài sản tham nhũng có “giá trị đặc biệt lớn” này, thì ông Giang Văn Hiển có thể sẽ phải đối diện với hành vi vi phạm theo Khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự. Mức án dành cho hành vi này là bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Như vậy, số tài sản tham nhũng bị thu hồi của Giang Kim Đạt là rất lớn. Nhưng sẽ thu hồi sao đây về tài sản của Đạt ở nước ngoài , như căn biệt thự 3,6 triệu đô la Singapore mua được từ tài sản tham nhũng của Đạt tại Singapore?.

Hiện tại, cả Việt Nam và Singapore đều đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (Công ước UNCAC). Để thực hiện được việc thu hồi tài sản tham nhũng tại nước ngoài này, cần sự tương trợ tư pháp của Singapore theo Điều 58 Công ước UNCAC.

[:-/] Hậu vụ án tham nhũng tại Vinashin: Khởi tố cha của Giang Kim Đạt (TT) – Ông Giang Văn Hiền – cha Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines) bị bắt vì chứa chấp, tiêu thụ tài sản phạm pháp.

Liên quan đến việc bắt giữ bị can Giang Kim Đạt (38 tuổi, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines), Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã phục hồi điều tra đối với bị can này.

Đồng thời khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với cha của Đạt là Giang Văn Hiền (65 tuổi, trú tại Q.2, TP.HCM) để điều tra về hành vi “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Giang Kim Đạt là bị can quan trọng trong vụ tham nhũng xảy ra tại Vinashinlines. Từ năm 2006-2008, Giang Kim Đạt được cấp trên giao nhiệm vụ ra nước ngoài ký kết hợp đồng mua tàu biển cũ đưa về Việt Nam để kinh doanh hoặc cho thuê lại.

Đạt thông đồng với nhiều công ty nước ngoài để gửi giá, nâng khống giá, gửi tỉ lệ phần trăm hoa hồng với các công ty bán hoặc cho thuê lại tàu của Vinashinlines. Bằng thủ đoạn này, Giang Kim Đạt chiếm hưởng gần 19 triệu USD.

Số tiền chiếm hưởng này được Giang Kim Đạt thực hiện bằng cách yêu cầu các công ty nước ngoài ký hợp đồng chuyển vào tài khoản của cha là ông Giang Văn Hiền.

Cơ quan điều tra đã kê biên hàng chục căn nhà, biệt thự, đất đai đứng tên ông Hiền. Số tài sản này rải rác ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM…

Vụ án Giang Kim Đạt: lỗ hổng khủng khiếp của “ông” cơ chế?

Hà Văn Thịnh (Dân Luận) – Trước hết, dư luận ghi nhận nỗ lực phá án của cơ quan điều tra sau 1.825 ngày đêm truy đuổi, đã bắt được Giang Kim Đạt, nguyên Quyền trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines (nay là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy), đã kê biên được gần 40 căn hộ, biệt thự của đối tượng bị truy nã, và bước đầu đã xác định được tổng số tiền mà Đạt đã lợi dụng quyền hạn và trách nhiệm để chiếm đoạt bất hợp pháp là 18,6 triệu USD (Tuổi Trẻ, 14.7.2015, 19:25 GMT+7)…


Chân dung bị can Giang Kim Đạt.

Cơ chế nào đã giúp quyền trưởng phòng kinh doanh xơi tái 18,5 triệu USD một cách dễ dàng như vậy?

Cái làm cho dư luận bàng hoàng không hiểu nổi là cái ông cơ chế của ta – cả một hệ thống quản lý nhiều tầng, nhiều lớp; kèm theo cả một quy trình thanh tra, kiểm soát đẹp và đong đưa như hoa ngày tết, cùng với cơ cấu tổ chức bộn bề nhất nhì thế giới như công đoàn, đoàn thanh niên, cục này, vụ nọ…; sao lại có thể để cho một gã trai 28 tuổi đời (tính ở thời điểm 2006), chức vụ chỉ vào hàng nhơ nhỡ (nếu không muốn nói là rất nhỏ), lại có thể khuynh đảo hệ thống một cách quá ư dễ dàng – thậm chí, chỉ cần một thương vụ, có thể bỏ túi tư lợi… 1 triệu USD!

Thử để cho trí tưởng tượng bay là là thôi, một tư duy trung bình cũng ngay lập tức đặt câu hỏi là nếu có chức quyền cao hơn nữa, thì số lượng tiền dân, của nước thất thoát sẽ bị đe dọa và nghiêm trọng đến mức nào? Cứ nhìn vào Giang Kim Đạt, biết ngay lý do vì sao đất nước xơ xác, nghèo hèn.

Trên đời này, chẳng có gì “thoải mái” hơn là có quyền mua vô tội vạ bất kể cái gì bằng tiền của người khác! “Người khác” ở đây là hàng triệu người lao động ngày đêm ky cóp được chút tiền mồ hôi, xương máu rồi ký thác cho những kẻ như Đạt (nhiều Đạt nữa) mà ngay cả cha đẻ – ông tổ của khế ước xã hội là Jean Jaques Rousseau (1712-1778) cũng chả tài nào lý giải nổi, bởi người dân chẳng dại gì để ủy thác cho Đạt quản lý tài sản của mình(!)

Rõ ràng, sự vận hành của cơ chế có vô vàn khiếm khuyết, đã mở đường, mời gọi những kẻ mới chập chững bước vào cái nấc thang thứ nhất của quyền… được tham nhũng, đã ngay lập tức biết cách “biến hóa” tài sản công thành của riêng. #danluan

Câu hỏi đặt ra là: tại sao khắp nơi, mọi lúc, ai cũng phàn nàn về cơ chế, ai cũng thấy cũng biết nhưng nhìn mà nỏ chộ những nguyên tắc sơ đẳng nhất của quản lý kinh – tài như: Cần phải thay đổi tầng, lớp A, B; gia cố điểm yếu C, hay loại bỏ sự phiền hà, kém hiểu quả N, X…?

“Ông cơ chế”, dù có to lớn, kềnh càng đến đâu cũng là do con người tạo dựng nên. Một khi sản phảm ấy bất cập, bất lực trước mọi thủ đoạn tham nhũng tinh vi, tàn độc; tại sao không kiên quyết sửa chữa dứt khoát, triệt để?

Phải chăng có một sự biết mà chưa nói, vì “chưa đủ cơ sở”, đó là: sau lưng Giang Kim Đạt còn có không ít Đạt’, Đạt”, Đạt N phẩy… ngày càng to hơn, uy lực thao túng ngày càng lớn hơn? “Nhóm lợi ích” trong trường hợp liên quan đến hệ thống thì chỉ còn có giá trị bọt bèo: kiếm 1 triệu USD trơn tru và xuôi luột hơn cả bác xe thồ kiếm mươi ngàn một cuốc xe dưới trời nắng nóng 40 độ!

Rõ ràng, bài học đắt nhất của vụ án này là cần phải có sự đổi mới – thay toàn bộ quy trình chi tiêu, kiểm soát của cơ chế quản lý hiện hành. Không thể nào chiến thắng được tham nhũng một khi kẽ hở cứ muốn tìm là có, hình phạt muốn thi hành là “rút kinh nghiệm”, còn thay đổi, đồng nghĩa với các làn điệu tình tính tang, tang tính tình diết da của Quan họ!

Viết đến đây, nói như ‘đồng bào’ (từ dùng để nói về đồng bào dân tộc Ê đê ở Đắc Lắc), bỗng giất mình (giật mình): Người dân, báo chí đòi phải thay ông cơ chế nhưng làm sao thay? Cái lẽ giản dị nhất là ông cơ chế A muốn B cùng tồn tại với cơ chế C, D…, để nhìn nhau mà vét, liếc nhau mà vơ. Càng rườm rà, nhiêu khê về thủ tục thì các cách thức kiếm tiền từ cái tổ mối khổng lồ có tên gọi là ‘cơ chế’ lại càng có nhiều cửa, lắm đường. Ông ‘cơ chế’ diệu tuyệt như thế, gắn liền với cuộc sống của các quan như chân, như tay. Trên đời này có ai khùng đến mức bỗng dưng một ngày đẹp trời nào đó, có kẻ vác dao nhè chân mình mà chặt hay không?

Chỉ trong vòng hai năm giữ chức quyền trưởng phòng, Giang Kim Đạt mua được tới 40 bất động sản (theo con số chính thức thông báo ở thời điểm này) – kể cả bất động sản trị giá 3,6 triệu USD tại Singapore! Có lẽ, dưới gầm trời này, chẳng có thiên đường vui chơi nào mà “đầy tớ” của dân chưa đầy 30 tuổi mà lại có thể “lừa” bao nhiêu quan chức có thâm niên cơ cấu hàng thập kỷ, có cái miệng dối lừa lấp lánh hơn mọi tấm gương, lại biết cách để kiếm tiền dễ và”ngon” như thế!

Buôn Ma Thuột, 16.7.2015

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.