Việt Nam: Vỡ nợ ngân sách đã hiện hữu!

Posted: November 2, 2015 in Uncategorized
Tags:

Phạm Chí Dũng (NV) – Kể từ cơn khủng hoảng giá – lương – tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Mới đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.

� Xem thêm: Hụt ngân sách vì chi quá nhiều + Nợ nước ngoài, mối lo sau năm 2016.


Nhiều ngàn tỉ đồng không biết chi đi đâu

Phút nói thật hiếm hoi

Kỳ họp Quốc Hội tháng 10, 2015 đã hiện ra một câu nói thật hiếm muộn: Trong trạng thái bức xúc hiếm thấy, Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh thông báo tại phiên họp tổ rằng tiền trong ngân khố nhà nước cho dự toán năm 2015 chỉ còn vẻn vẹn 45,000 tỷ đồng mà “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả.”

Sự thật đã từ trong chăn vọt ra, vào lúc tình cảnh ngân sách trở nên nguy ngập từ dưới lên và cả từ trên xuống. Thế nhưng điều cay đắng là sự thật ấy không phải được công bố chính thức trước diễn đàn của gần 500 dân biểu mang tâm thế nín lặng, mà chỉ được phát ra bên lề bởi một trong số hiếm hoi đại biểu không còn “trùm mền” được nữa.

Không chỉ là người đầu tiên công bố về sự thật ngân sách Việt Nam, Ủy Viên Trung Ương Đảng Bùi Quang Vinh cũng là người đầu tiên nói về chủ nghĩa xã hội “có thứ đó đâu mà tìm” vào giữa năm 2015, trong bối cảnh số ít nhà bảo thủ trong đảng vẫn còn chìm đắm trong mơ mộng “đến cuối thế kỷ này không biết có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Nằm trong bộ sậu quan yếu nắm tay hòm chìa khóa cho chính phủ và được một số dư luận đánh giá là người lịch lãm và cũng là một trong số nhân cách Hà Nội còn sót lại, ông Bùi Quang Vinh nhiều khả năng sẽ về hưu sau đại hội đảng 12 vào đầu năm sau. Có thể đó là lý do để ông không còn quá phải kìm nén tâm tư của mình.

Ngay trước kỳ họp Quốc Hội này, học viện chính sách công của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã bất ngờ công bố một sự thật hiếm có về nợ công quốc gia: Theo tính toán lại của cơ quan nghiên cứu này, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước thì tỉ lệ nợ công quốc gia phải lên đến hơn 66% GDP, tức vượt cả ngưỡng nguy hiểm 65% GDP. Trong khi trước đó, các con số mà Bộ tài chính tham mưu cho chính phủ để Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo trước các kỳ họp quốc hội vẫn chỉ là “nợ công vẫn an toàn.”

“Nghe rất vui nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền. Tăng này mang tính nghiệp vụ mà thôi!” – Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh mỉa mai báo cáo của Bộ Tài Chính thay mặt chính phủ gửi lên Quốc Hội về Thu năm 2016 tăng cao hơn 60,750 tỷ đồng so với dự toán năm 2015.

Vì sao ngân khố quốc gia chỉ còn 45,000 tỷ đồng?

“Thực tế ngân sách nhà nước là 255,750 tỷ đồng, thì riêng cân đối cho ngân sách địa phương là 131,500 (chiếm hơn 52%). Ngân sách trung ương còn lại là 154,000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì còn 45,000 tỷ đồng” – Bộ Trưởng Vinh trải lòng trong một phút nói thật.

Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 69% và chi trả nợ, viện trợ chiếm gần 15% tổng chi ngân sách. Đồng thời, chi trả lãi nợ cũng đang chiếm gần toàn bộ phần tăng trưởng của thu ngân sách.

Dù Thứ Trưởng Tài Chính Hoàng Anh Tuấn có “đính chính” rằng cần cộng thêm 50,000 tỷ ODA vào 45,000 tỷ của ông Vinh, thì con số 95,000 tỷ vẫn chỉ chiếm chưa đầy 10% so với dự toán chi ngân sách 2016 lên tới 1,268,500 tỷ đồng.

Chẳng còn gì gọi là “tích lũy.”

Năm ngoái, một chuyên gia nhà nước là ông Vũ Đình Ánh – dù thuộc trường phái luôn “phản biện trung thành,” đã phải bật ra “Làm ra 100 đồng thì đã phải dành hết 98 đồng để trả nợ.”

Gần tương đồng với cơn lũ phân hóa trong đảng, cũng đang hiện ra ngã ba sông phân rã giữa các thành viên trong nội các chính phủ.

Một khi sự thật đã được lôi khỏi bóng tối, điều gì sẽ xảy ra?

Bán, bán và bán…

“Phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách” – rốt cuộc đã có một quan chức là Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy Ban Tài Chính – Ngân Sách của Quốc Hội phải thừa nhận động cơ thực sự của việc chính phủ Việt Nam chỉ đạo phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế – cùng thời gian với tình trạng cạn kho ngân sách.

Theo kế hoạch vay nợ của chính phủ đã được duyệt thì năm 2015 phải huy động 436,000 tỷ đồng để bù đắp bội chi (226,000 tỷ), đầu tư (85,000 tỷ) và vay để đảo nợ (khoảng 125,000 tỷ). Dù kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trong nước là 226,000 tỷ đồng, nhưng chín tháng đầu năm 2015 mới thực hiện được 51% kế hoạch.

Nếu trước đây nhiều ngân hàng thương mại còn được ngân hàng nhà nước “động viên” để bỏ hàng ngàn tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ, thì trong thời gian gần đây bản thân một số ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu cạn tiền và do đó phải tăng lãi suất huy động. Những đợt bán đấu giá trái phiếu chính phủ dù phảng phất không khí “mua một tặng một” vẫn bị ế ẩm không ngớt.

Trong khi đó, ngân sách Việt Nam lại có trách nhiệm phải trả 363,166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) nợ trái phiếu đến hạn thanh toán trong 2 năm 2015-2016. Cho đến nay, không ai biết làm sao để có nổi số tiền này để trước mắt cơ cấu lại số nợ này.

Một sự thật tê tái khác là đã 4 năm qua Việt Nam không thể trả nợ đúng hạn, mà toàn phải đi vay để đảo nợ.

Tuy thế, kế hoạch phát hành 3 tỷ US trái phiếu quốc tế lại vấp phải “lỗi kỹ thuật” là nếu năm 2017 mới phát hành thì trước mắt chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn trả nợ đến hạn, trong khi các nguồn vốn khác đều đã có địa chỉ. Đó chính là lý do mà chính phủ phải đề nghị Quốc Hội “ra nghị quyết cho phép áp dụng.”

Không thể nói khác hơn là cái kim trong bọc lâu ngày đã phải lòi ra. Bị Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) xếp hạng minh bạch quá thấp về ngân sách, điều quá rõ ràng là chính phủ và các bộ ngành cấp dưới của nó đã chi xài vô tội vạ tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn từ nước ngoài. Trong khi “tham nhũng vẫn ổn định” (nói theo từ ngữ của Tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh), ngân khố quốc gia bị biến thành thùng không đáy mà dẫn đến tình trạng vô cùng bi đát hiện thời.

Không chỉ bán trái phiếu quốc tế, chính phủ Việt Nam còn phải chỉ đạo Bộ Tài Chính tìm bất kể lối thoát nào, kể cả việc phải rút vốn từ những “con bò sữa” lợi nhuận như tập đoàn Vinamilk để có tiền bù đắp ngân sách rỗng ruột mà do đó có thể tránh thoát tình thế vỡ nợ.

Khi nào vỡ nợ?

Thực ra từ mấy năm qua, người ta đã nói đến kịch bản vỡ nợ của nền tài chính Việt Nam. Chỉ chưa biết là cơn ác mộng này sẽ bắt đầu từ đâu – ngân hàng hay ngân sách?

Đối tượng thường bị “găm” nhất là giới ngân hàng thương mại. Cuối năm ngoái, người mà vào năm 2011 đã bị tạp chí Global Finacial xếp vào “một trong 20 thống đốc ngân hàng có thành tích điều hành tệ nhất thế giới” – ông Nguyễn Văn Bình – đã lần đầu tiên buộc phải công khai con số thực về nợ xấu nằm trong giới ngân hàng: Khoảng 500,000 tỷ đồng. Con số này đã tồn tại từ vài năm trước đó, khi số báo cáo của ngân hàng nhà nước về nợ xấu chỉ vào khoảng 100,000 – 150,000 tỷ đồng.

Khối ngân hàng cũng bởi thế đã trở thành nhóm có nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Tuy nhiên, ngân hàng nhà nước đã làm tất cả những gì có thể làm để “khoanh nợ.” Không chỉ liên tiếp ban hành các văn bản pháp lý cho phép các ngân hàng thương mại được “đảo nợ,” mà thực chất là chuyển trên giấy tờ nợ từ nhóm rất xấu lên nhóm đỡ xấu hơn, hàng loạt ngân hàng thương mại có khả năng vỡ nợ đã bị ngân hàng nhà nước áp cơ chế “mua lại với giá 0 đồng.” Do hành vi cố gắng khoanh che rất đặc biệt này, cho đến nay chưa ngân hàng nào rơi vào tình trạng vỡ nợ, cho dù toàn bộ 500,000 tỷ nợ xấu vẫn hầu như chưa xử lý được gì.

Thế nhưng hiện thực nổ ra khá bất ngờ là hiện hữu vỡ nợ đầu tiên đang thuộc về ngân sách quốc gia chứ không phải khối ngân hàng.

Triển vọng bán trái phiếu ra quốc tế vào thời điểm này lại quá khó. Nếu không thể bán được trái phiếu, cũng như không bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, nhiều khả năng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ.

Để sau đó không lâu – có thể 2 hoặc tối đa là 3 năm và dù có in tiền ồ ạt để “bù đắp ngân sách” – tất cả, và cả nền chính trị nữa, đều sẽ hỗn loạn!

[:-/] Nợ công: Thách thức quản lý minh bạch, hiệu quả (Nhịp Cầu Đầu Tư) – Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của World Bank có đề cập đến cảnh báo đáng ngại khi nợ công Việt Nam lên tới 110 tỉ USD.

Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết không để nợ công của Việt Nam vượt ngưỡng 65%. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đến sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam qua các con số về nợ công.

Liệu rằng với số nợ, Việt Nam (VN) có đang đi dần tới tình trạng như Hy Lạp? Liệu rằng với con số nợ này, việc đi vay của VN tới đây có gặp trở ngại không? Theo TS Dương Như Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nợ công lên tới 110 tỉ USD là một dấu hiệu đáng lo ngại nhưng tính minh bạch và hiệu quả của quản lý chi tiêu ngân sách mới là nguyên nhân của vấn đề.

[:-/] Tái cơ cấu cam go, ngân sách bế tắc (VNN) – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên họp QH thảo luận về kinh tế – xã hội chiều nay 02/11.

Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội của QH hôm nay, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chỉ ra việc không đạt được mục tiêu cuối năm nay “hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững”.

Ông cho rằng, báo cáo kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 chưa đi thẳng vào 3 nội dung trọng tâm và 3 khâu đột phá để làm rõ đạt được và chưa làm được gì.

Về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, ĐB cho rằng, các vấn đề then chốt như đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đổi mới quản trị doanh nghiệp… vẫn khá ngổn ngang.

Trong khi đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các vấn đề nhạy cảm như xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo và xử lý nợ xấu tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn phải tiếp tục quan tâm giải quyết tận gốc.

Bản chất của vấn đề cấu trúc sở hữu và cấu trúc thị trường dường như vẫn còn nguyên đó.

Còn tái cơ cấu đầu tư công, theo ông Hà Sỹ Đồng, thành tích lớn nhất đạt được có lẽ dừng lại ở việc thiết lập 1 khuôn khổ thể chế mới cho hoạt động đầu tư công trong tương lai.

“Những hệ lụy đang tồn tại như hiệu quả đầu tư thấp, nợ đọng XDCB, vốn ứng trước cho những công trình dở dang nhưng chưa có nguồn, v.v.. vẫn chưa khắc phục, xử lý được” – ông nêu rõ. Và về 3 đột phá, theo ông, ngoại trừ cơ sở hạ tầng giao thông có những tiến triển nhất định, 2 vấn đề là thể chế và con người vẫn còn rất trì trệ, nan giải.

Không chỉ vậy, ĐB Hà Sỹ Đồng cũng đặt ra vai trò của Quốc hội trước thâm hụt ngân sách và áp lực nợ công ngày càng nặng nề.

Ông nhấn mạnh, sức ép đảo nợ đến hạn rất lớn trong khi nguồn huy động để cân đối ngân sách đang bế tắc. Trong khi đó, đề xuất xin được phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ vay trong nước cũng đang vấp phải các quy định luật pháp hiện hành và chịu áp lực phản biện mạnh.

Ông cho rằng, giải pháp cuối cùng, mạnh mẽ nhất và khả thi nhất hiện nay là bán bớt tài sản nhà nước, thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước để có nguồn tiền trang trải một phần nợ tới hạn. Ông cũng lưu ý, vấn đề lớn hơn câu chuyện thâm hụt thương mại là sự thiên lệch, bất hợp lý, kém bền vững ở cả mặt hàng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và thị trường xuất nhập khẩu.

Việt Nam vẫn tiếp tục là một nền kinh tế gia công với năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp, khu vực kinh tế trong nước ngày càng nhỏ và yếu thế hơn, khu vực kinh tế tư nhân, vẩn chưa thực sự có môi trường thuận lợi để phát triển nhanh khi mà tiếp tục bị khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI chèn lấn chưa tiếp cận được các nguồn lực.

ĐB Hà Sỹ Đồng cảnh báo điểm mới của thâm hụt ngân sách hay thâm hụt thương mại diễn ra đồng thời và cùng chiều, giới chuyên môn gọi là “thâm hụt kép”. Nghiêm trọng hơn nữa, chúng diễn ra trong bối cảnh diễn biến địa chính trị đang căng thẳng, phức tạp, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Đồng thời với đó là những biến động khó lường từ kinh tế – tài chính – tiền tệ quốc tế….

Hụt ngân sách vì chi quá nhiều

(Xã Luận) – Thâm hụt ngân sách cao đi kèm với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh là nguyên nhân chính khiến Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế, để đảo nợ.

Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ côngđang ngày càng phình ra? Trao đổi với Báo, TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, phân tích:

Theo các thống kê của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách và nợ công VN trong những năm gần đây liên tục có xu hướng tăng nhanh. Cùng với thâm hụt ngân sách cao là sự gia tăng nhanh của nợ công.

Cần lưu ý rằng có rất nhiều khoản chi tiêu công được để ngoài bảng hạch toán ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án đầu tư phát triển.

Do vậy, những con số ở trên chưa phản ánh đầy đủ mức độ trầm trọng của thâm hụt ngân sách ở VN hiện nay.

Ngoài ra, mặc dù những năm qua đôi khi Chính phủ VN phải đứng ratrả nợ thay, hoặc bảo lãnh trả nợ thay cho các doanh nghiệp nhà nước mất khả năng thanh toán, nhưng những khoản nợ có nguy cơ cao trở thành nợ công từ các doanh nghiệp này đều không được hạch toán vào nợ công chính thức.


Nguồn: Bộ Tài chính – Dữ liệu: L.Thanh – Đồ họa: Tấn Đạt

Chính phủ đang tính toán đi vay nợ mới để cơ cấu lại khoản nợ cũ. Theo ông, đây có phải biện pháp an toàn?

Thâm hụt ngân sách cao đi kèm với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh là nguyên nhân chính khiến Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế, để đảo nợ.

Tức là vay nợ mới với ưu điểm lãi suất thấp hoặc kỳ hạn dài hơn để trả cho các khoản nợ cũ. Thật ra, đảo nợ hay tái cơ cấu nợ công chỉ là những mỹ từ dùng trong trạng thái cấp bách của ngân sách.

Theo tôi, kế hoạch phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trên thị trường quốc tế (khoảng 3 tỉ USD theo đề xuất của Chính phủ) nhằm tái cơ cấu nợ công chưa phải là giải pháp an toàn trong bối cảnh tỉ giá bất ổn như hiện nay.

Lãi suất quốc tế có thể thấp hơn đôi chút nhưng nếu thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp tục diễn ra và đồng USD mạnh lên khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thắt chặt tiền tệ thì gánh nặng trả lãi nợ công sẽ vô cùng bất lợi.

Nhiều ý kiến lo chi thường xuyên (trong đó một phần là chi cho bộ máy) hiện quá cao. Nếu không giảm được nguồn này thì sẽ khó giải quyết bài toán thiếu hụt ngân sách, nợ công?

Cần phải nhận thức rõ ràng thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu.

Tổng thu ngân sách nhà nước và viện trợ trung bình trong bốn năm gần đây đạt khoảng 24% GDP, với tốc độ tăng khoảng 10,4% mỗi năm. Trong cùng thời gian đó, tổng chi ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc lên tới 31,5% GDP. Đáng lưu ý, trong hai năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.

Thực tế, cắt giảm chi tiêu công chủ yếu nhằm vào cắt giảm chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên – nhân tố được coi là có ít đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn – lại chưa được chú trọng.

Theo ông, việc bán vốn tại doanh nghiệp nhà nước có giải quyết được vấn đề?

Nguyên nhân chính của thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công tăng nhanh chủ yếu xuất phát từ việc chi tiêu cao, thiếu hiệu quả và còn có yếu tố lãng phí.

Tuy nhiên, các biện pháp Chính phủ VN đang thực hiện lại phần nhiều tập trung tìm kiếm các nguồn thu tạm thời và chưa chú trọng đúng mức về các khoản chi lãng phí ở các địa phương. “Vay nóng” Ngân hàng Nhà nước, bán doanh nghiệp và tài sản nhà nước hay phát hành trái phiếu ngắn hạn… đều chỉ là các biện pháp xoay xở tạm thời.

Tài sản nhà nước là hữu hạn và việc vay mượn tiền từ Ngân hàng Nhà nước để chi tiêu cần phải sớm được minh bạch nếu không muốn nền kinh tế lại phải trải qua giai đoạn lạm phát cao, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp như trong những năm gần đây.

Khi chi tiêu công chưa được cắt giảm một cách bền vững thì dù có tăng được nguồn thu trong nước thế nào, bán được bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước và phát hành thành công trái phiếu quốc tế ra sao cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Do vậy, chỉ có cải cách chi tiêu công mới mong duy trì được an toàn nợ công trong tương lai.

Theo tôi, cần nghiên cứu nhất thể hóa cơ quan Đảng và chính quyền giúp giảm bộ máy hành chính cồng kềnh, trùng lắp và thiếu hiệu quả. Cắt giảm chi tiêu công của Chính phủ là việc làm rất khó khăn bởi nó thường gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm có lợi ích liên quan. Tuy nhiên, đây là một việc không thể né tránh nếu muốn duy trì an toàn tài khóa trong tương lai.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Cần truy địa chỉ gây thâm hụt ngân sách

Quản lý ngân sách VN đang có trục trặc về phân cấp. Chúng ta nói hằng năm bội chi ngân sách VN 5% GDP, nếu bóc tách phân cấp mức thâm hụt 5% này thì sẽ biết ngay địa chỉ đang gây thâm hụt là ở đâu. Và thực tế, bài toán thâm hụt ngân sách đang nằm chủ yếu từ các địa phương.

Các địa phương nhận trợ cấp ngân sách được phân bổ xuống mà không có động lực cũng như phát huy hiệu quả hơn nguồn vốn nhận được. Việc phân cấp ngân sách diễn ra nhanh nhưng các điều kiện đi kèm như năng lực của bên được phân cấp, năng lực thực thi, giám sát, giải trình trách nhiệm… không theo kịp.

Thực thi các quy định quá lỏng lẻo, chế tài kém. Chúng ta có Luật đầu tư công, có Luật nợ công nhưng các luật này không được áp dụng một cách chặt chẽ, không phát huy tác dụng.

Chưa kể, hiện đang thiếu cơ quan và một cơ chế giám sát độc lập hữu hiệu, dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa cơ quan thực thi và cơ quan giám sát. Khi xảy ra tình trạng sử dụng ngân sách kém hiệu quả, chúng ta cũng thiếu luôn cơ chế giải trình trách nhiệm độc lập.

Cần quy trách nhiệm cụ thể từng cá nhân chịu trách nhiệm với việc sử dụng khoản tiền đó chứ không thể để cơ quan chủ quản đứng ra giải trình tất cả. Phải quy được trách nhiệm cá nhân mới giảm được lãng phí quốc gia.

Nợ nước ngoài, mối lo sau năm 2016

Lan Nhi (TBKTSG) – Năm 2016 là kỳ hạn trả khoản nợ trái phiếu 750 triệu đô la Mỹ mà Chính phủ đã phát hành 10 năm trước. Cho dù việc này đã được lên kế hoạch từ cuối năm 2013, đầu 2014 nhưng thời điểm trả khoản nợ này và thời điểm Chính phủ đề xuất phát hành 3 tỉ đô la Mỹ ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu các khoản vay trong nước khiến những quan ngại về xu hướng nợ nước ngoài gia tăng trở lại.


Do giải ngân vốn ODA tăng nên nợ công năm nay sẽ không dừng ở mức 61,3% GDP như dự toán. Ảnh minh họa TL

Giải ngân vốn ODA đẩy nợ công tăng mạnh

Chính phủ đề xuất phát hành 3 tỉ đô la trái phiếu quốc tế để đảo nợ trong tình hình bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay vẫn theo dự toán (trên cơ sở giải ngân vốn ODA tạm tính là 20.000 tỉ đồng như dự toán), bằng 5% GDP. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi khi quyết toán. Giả sử dự toán này không thay đổi thì đến hết năm 2015, dư nợ công là 61,3% GDP. Dư nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia là 41,5% GDP, vẫn trong giới hạn cho phép.

Song ngay đầu tháng 10 vừa qua, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã cảnh báo rằng khó mà giữ được mức bội chi NSNN là 5%. Theo đó, nợ công cũng sẽ khó ở mức 61,3% vì kết quả giám sát cho thấy mức giải ngân vốn ODA trong năm nay sẽ vượt dự toán.

Và thực tế đúng như vậy. Nợ công năm nay sẽ không dừng ở mức nêu trên vì theo trả lời của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn với báo giới đầu tuần này, nếu tính đủ 50.000 tỉ vốn vay ODA giải ngân năm 2015 thì nợ công là 63,2% GDP. Đây cũng chính là con số tương đương với số mà Chính phủ dự tính cho mức dư nợ công ở thời điểm 31-12-2016.

Vấn đề là cho dù nợ công theo tính toán của Chính phủ vẫn chưa chạm “trần” 65% GDP thì tỷ lệ vay nợ đã tăng rất nhanh trong mấy năm gần đây. Thậm chí, tháng 10-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội thừa nhận điều này. Nếu như nợ Chính phủ bảo lãnh đang được siết chặt hơn và nợ của chính quyền địa phương trước mắt vẫn do chính quyền địa phương tự vay, tự trả thì nợ của Chính phủ gây sức ép rất lớn lên nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, kể cả nợ trong và ngoài nước.

Lại phụ thuộc vào nợ nước ngoài

Xét về nợ trong nước, dù đi vay ngắn hay dài hạn thì có thể huy động các nguồn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), vay các quỹ tài chính nhà nước và vay một số nguồn theo quy định khác để trả. Việc bị hạn chế phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm rồi cũng sẽ được gỡ bỏ bằng một nghị quyết khác của Quốc hội, tháo gỡ nút thắt thanh toán nợ trong nước cho Chính phủ khi đến hạn.

Nhưng dư nợ nước ngoài vẫn tăng nhanh khi các khoản trả nợ đến hạn và thêm các khoản vay mới kể từ năm 2016. Hiện nay, trong tổng nợ vay của Chính phủ đến hết năm 2014 là 1,866 triệu tỉ đồng thì có 45,58% là vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, cơ cấu này có thể không đứng vững ngay trong năm nay và năm 2016, nếu Quốc hội thông qua việc cho phép phát hành 3 tỉ đô la Mỹ.

Đó là chưa kể đến nợ của khối doanh nghiệp (không tính các khoản Chính phủ vay về cho vay lại hoặc được bảo lãnh vì những khoản này đương nhiên tính vào nợ công) thì các khoản phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp lớn trong vài năm gần đây ra thị trường vốn quốc tế với quy mô phát hành mỗi đợt từ 200 triệu đô la Mỹ trở lên với lãi suất cao cũng đang tăng dần lên. Trong đó có cả đợt phát hành của ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối như VietinBank (250 triệu đô la năm 2013). Dù đó là nợ của doanh nghiệp nhưng vì vay của nước ngoài nên vẫn tính là nợ nước ngoài của quốc gia.

Với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, chính phủ Thái Lan và Indonesia đã phải đối diện với những khoản nợ nước ngoài mất khả năng chi trả của doanh nghiệp nước này.

Đó cũng là lý do trước đây Luật NSNN không cho phép vay nợ nước ngoài, bao gồm cả phát hành TPCP ra thị trường quốc tế để bù đắp bội chi. Tuy điều này đến nay đã được sửa thì Luật Quản lý nợ công hiện hành cũng rất thận trọng khi không cho phép vay ngoại tệ để cơ cấu lại các khoản nợ bằng tiền đồng.

 

Comments
  1. ha nguyen thi says:

    truyện vỡ nợ là chuyện trong nay mai thôi

  2. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  3. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  4. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  5. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  6. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  7. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  8. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  9. […] – Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  10. […] – Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  11. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  12. […] Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  13. […] Nợ Vì Nợ Qua Ngưỡng Nguy Hiểm – Vỡ Nợ Là Tất Yếu Việt Nam – VN vỡ nợ ngân sách đã hiện hữu – Việt Nam Tình Hình Như Đang Vỡ […]

  14. […] – Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  15. […] – Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

  16. […] – Việt Nam: Vỡ Nợ Ngân Sách Đã Hiện Hữu […]

Leave a reply to Nó Sập Rồi Sao | SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG Cancel reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.