Chủ tịch VCCI: Nhiều doanh nghiệp Việt đang suy kiệt

Posted: April 28, 2016 in Uncategorized
Tags:

Minh Thái (BĐV) – Phải vay lãi suất cao, còng lưng gánh các chi phí chính thức và không chính thức… doanh nghiệp Việt đang bị bào mòn sức sống.

� Xem thêm: 3.759 doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng + Phí gầm bàn khiến doanh nghiệp lớn không nổi + Học thói xấu Trung Quốc: Gian dối thì học rất nhanh…


Số doanh nghiệp “chết” tiếp tục tăng

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 29/4 tại TP.HCM, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng suy kiệt của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Lộc cho biết, lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức gần 8%/năm là gấp 2-3 lần so với các mức lãi suất trong khu vực.

“Về chi phí vốn, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu cao hơn nhiều so với bất cứ nước nào. Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác”, ông nói.

Theo ông Lộc, do nợ xấu chưa được xử lý tốt, các ngân hàng vẫn phải nâng mức dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, Chính phủ lại đang gấp rút huy động trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi. Các yếu tố như thế này làm lãi suất cho vay không thể xuống thấp được.

“Nhiều doanh nghiệp mới ra đời đã phải vay lãi suất cao như vậy. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp chết”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, các chi phí chính thức và không chính thức như chi phí vận tải, phí công đoàn, thuế, tăng lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và các loại tiền “lót tay” đang bào mòn sức sống của doanh nghiệp.

Ông nói: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang suy kiệt sau một thời gian dài gặp khó khăn. Vậy mà chúng ta chỉ còn ba năm để chuẩn bị cho hội nhập toàn diện với các hiệp định TPP và FTA với EU”.

Trong khi đó, số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp của nước ta hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục tăng.

Cụ thể, trong tháng 4, cả nước có 5.844 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 50,6%; có 840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 16%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 3.759 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,5%.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 25.135 doanh nghiệp, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước.

3.759 doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng

Hải Minh (NDH) – Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 4 tháng đầu năm tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 4 tháng đầu năm nay là 3.759 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,5%.

Tổng cục Thống kê cho biết, nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 1.524 công ty TNHH Một thành viên (chiếm 40,5%); 1.124 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm 29,9%); 611 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 16,3%) và 500 công ty cổ phần (chiếm 13,3%).

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4tháng đầu năm là 25.135doanh nghiệp, tăng31,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 9.450 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 15.685 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm là 11.331 doanh nghiệp, tăng79,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về số doanh nghiệp mới thành lập, trong 4 tháng, cả nước có 10.954 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% về số doanh nghiệp và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 5,7 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 19,2%; số vốn đăng ký tăng 21,3%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Tư là 105 nghìn người, giảm 15,1% so với tháng Ba.

Trong tháng 4, cả nước có 1.955 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,2% so với tháng trước; có 5.844 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động (bao gồm 1584 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký và 4260 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký), tăng 50,6%; có 840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 16%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 34.721 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 248,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% về số doanh nghiệp và tăng 52,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Số vốnđăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. Nếu tính cả 553,3 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 801,5 nghìn tỷ đồng.

Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm 2016 là 427,2 nghìn người, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Phí gầm bàn khiến doanh nghiệp lớn không nổi

Trần Vũ Nghi – Như Bình ghi (TTO) – Nhiều quy định, thủ tục bất hợp lý đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, trong khi các chi phí “dưới gầm bàn” khiến doanh nghiệp không lớn nổi.


Nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, chính sách, chi phí bất hợp lý… gây trở ngại
không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp không lớn nổi – Ảnh: T.V.N.

Nhiều doanh nghiệp (DN) và chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những khó khăn trong hoạt động sản xuất hiện nay.

* Ông Vũ Đức Sang (giám đốc Công ty TNHH thiết bị PCCC 2-9):

Giám đốc phải đi học về phòng cháy 
chữa cháy

Do đăng ký kinh doanh bảy loại ngành, nghề liên quan đến các lĩnh vực trong phòng cháy chữa cháy (PCCC), thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện, nên công ty chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện liên quan đến loại hình này khi đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quy định tại nghị định 79/2014/NĐ-CP và thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCCC sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ tháng 7-2014), người đứng đầu DN và người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư PCCC “phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC”.

Và điều kiện để được cấp chứng chỉ về PCCC là “phải qua lớp bồi dưỡng kiến thức về PCCC ít nhất sáu tháng”. Còn để được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát về PCCC, “cá nhân phải có trình độ trung cấp về PCCC trở lên”, “có ít nhất ba năm kinh nghiệm tham gia thiết kế hoặc thi công”.

Theo tôi, đây là những quy định hết sức vô lý, gây mất thời gian và tốn kém cho DN, bởi các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện và được pháp luật công nhận bằng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Các nhân viên giám sát, kỹ sư thiết kế hệ thống PCCC cũng đã được Sở Xây dựng TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề, tức là đã được chứng nhận nghề trong lĩnh vực mình đang làm rồi, tại sao lại bắt chúng tôi phải có thêm chứng chỉ này nữa làm gì?

Với việc buộc tất cả người đứng đầu DN hoặc người đại diện theo pháp luật phải đi học trong sáu tháng (học phí 9 triệu đồng/người), sẽ gây tốn kém tiền bạc, thời gian rất lớn bởi chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM đã có hàng ngàn DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, nếu phải đi học, giám đốc còn thời gian đâu điều hành công việc sản xuất kinh doanh. Ngay cả nhân viên công ty chúng tôi, 11 công nhân được đưa đi tham dự lớp học “Bồi dưỡng kiến thức PCCC & CNCH khóa 4” với tổng kinh phí lên đến 102 triệu đồng, cũng đã được xin thôi, không tham gia lớp học vì thời gian đi học liên tục kéo dài hai tháng/đợt, công ty không đủ nhân viên thực hiện công việc giám sát tại một số công trình đang thi công.

Trong thực tế, quy định này không những gây tốn kém cho DN mà cũng làm phát sinh tiêu cực, bởi trên mạng hiện đang rao đầy dịch vụ làm nhanh các loại chứng chỉ PCCC dành cho những ai “không có thời gian đi làm chứng chỉ hoặc gặp khó khăn về thủ tục, quy trình, khoảng cách địa lý”.

* Ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group):

Thủ tục hành chính cản trở sự phát triển

Để phát triển, ngoài nỗ lực của DN còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nếu cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch, DN tự tin mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất. Ngược lại, nếu mở đầu này nhưng chặn hoặc dựng rào đầu khác, DN có muốn cũng không dám làm.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân góp phần… hạn chế tốc độ phát triển và hội nhập nhất của đất nước hiện nay chính là việc chậm cải cách văn bản, thủ tục hành chính. Tại sao Nhà nước không quyết liệt thay đổi, bãi bỏ những quy định, điều lệ đã cũ, lạc hậu, cản đường phát triển?

Pháp luật phải rõ ràng, chặt chẽ. Điều luật phải dễ hiểu, ai đọc vào đều hiểu đúng bản chất của điều luật. Không thể để luật ban hành nhưng cơ quan nhà nước có thể hiểu và thi hành theo cách này hoặc cách khác.

Còn người dân, DN thì mơ hồ, từ đó tạo thêm cơ hội cho tệ quan liêu, nhũng nhiễu, hạch sách hoặc các hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Thế nên văn bản luật đã xây dựng, ban hành rồi, các văn bản dưới luật cũng cần phải rõ ràng, dễ hiểu, tránh chồng chéo. Muốn vậy, cơ quan ban hành luật phải thường xuyên tiếp cận đời sống thực tế để kịp thời rà soát, 
soát xét.

* Ông Trần Hữu Huỳnh(chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế, Phòng Công nghiệp và thương mại VN):

Phí đang “ăn mòn” doanh nghiệp VN

Từ sau khi VN gia nhập WTO đến nay, tốc độ tăng trưởng về tổng số lao động, số DN, nguồn vốn đầu tư cũng như tổng doanh thu của DN VN ngày càng giảm dần.

Trong tám năm qua, số DN VN thành lập mới tăng thêm nhưng số DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản cũng tăng tương ứng. Đáng lo ngại hơn là xu hướng DN VN ngày càng nhỏ lại theo 
năm tháng.

Nguyên nhân có nhiều, một số đó là các DN đang phải oằn mình chịu phí quá nhiều. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 66% DN phải chi trả chi phí không chính thức, trong đó 11% DN phải chi hơn 10% doanh thu, 65% DN cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN tồn tại khá phổ biến…

Môi trường kinh doanh chưa sáng sủa trong khi bản thân còn nhiều hạn chế, làm sao DN Việt cạnh tranh với những người khổng lồ nước ngoài khi VN 
hội nhập?

Học thói xấu Trung Quốc: Gian dối thì học rất nhanh…

Lam Nguyễn (BĐV) – “Những sáng kiến trong xây dựng, quản lý kinh tế của VN rất hạn chế, trong khi đó, TQ đã nhìn ra và đi trước một bước dài”, ông Nam nói.


Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trường Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho tới nay mọi ghi nhận về chính sách, chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam không những đi sau mà vẫn chỉ đi theo Trung Quốc.

Theo vị chuyên gia này, bằng các hình thức gửi nghiên cứu sinh, chuyên gia, nhà quản lý đi du học và ở lại nghiên cứu, làm việc tại các tổ chức quốc tế mà ngay từ những năm 80-90, Trung Quốc đã có một đội ngũ cán bộ quản lý rất linh hoạt.

Họ được tiếp cận với một nền quản trị hiện đại, rất mở của các nước phương Tây. Chính vì vậy, trong cách hiểu và cách làm của Trung Quốc cũng mang dáng dấp của một nền kinh tế thị trường nhiều hơn, hướng đi đúng với một nền kinh tế thị trường hơn.

Trên thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế cũng có ghi nhận một số chủ trương Việt Nam đưa ra ý tưởng trước nhưng lại chưa thực hiện được, sau đó Trung Quốc thực hiện và Việt Nam lại là nước đi theo. Ví dụ như cơ chế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, Việt Nam chính là nước đưa ra định hướng trước nhưng chưa làm được. Trong khi đó, Trung Quốc đi sau nhưng họ đã làm nhanh hơn và bật hẳn lên, còn ta thì tới bây giờ vẫn ì ạch đi theo.

Trung Quốc đã bỏ xa Việt Nam về mọi mặt. Ông Nam cho rằng, lỗi không nằm ở tư tưởng đi sau hay đi theo, về bản chất Trung Quốc cũng đi sau và đi theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển nhưng họ đã học rất nhanh và vận dụng rất tốt vào kinh tế nước họ. Tức là cách người ta vận dụng kinh nghiệm học được vào thực tế của đất nước thế nào chứ không phải là cách bê nguyên bài học của họ để áp cho đất nước mình.

Chính vì thế, ông cho rằng: “Việt Nam đi sau Trung Quốc nhưng bi kịch hơn ở chỗ ta lại đi theo cách của Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn”. Chúng ta đang bê nguyên mô hình, cách làm của Trung Quốc về áp dụng cho bối cảnh của nước mình, luẩn quẩn mãi trong vòng cải cách, ông nói.

Theo ông, ở VN dễ thấy hầu hết lãnh đạo đều mang tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn ngắn hạn, bị động, cứ khi sự việc xảy ra rồi mới chạy theo để giải quyết, khắc phục.

Vì thế mà dù hội nhập cả mấy chục năm nhưng cái Việt Nam thu được là số lượng dự án đầu tư nước ngoài cùng một chút việc làm giá rẻ cho người lao động. Nhưng nếu đặt câu hỏi, Việt Nam đã học được gì và có được gì nhờ vào hội nhập, đầu tư thì có thể khẳng định là không đáng kể. Vì thế, đứng trên góc độ đánh giá về sức lan tỏa tới nền kinh tế trong nước có thể nói chúng ta thất bại.

Gần như doanh nghiệp Việt không lớn, không vươn lên được, không trưởng thành được mà thậm chí còn đang bị chết nghẹt trong chính thị trường nội địa từ thị trường bán lẻ cho tới sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu.

Dư luận trong nước từng bức xúc với hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư rồi bỏ trốn để lại công nghệ máy móc lạc hậu, ô nhiễm môi trường… nhưng không xử lý được.

Từ chỗ đề quá cao lợi ích cá nhân, lợi ích địa phương nên thu hút được đầu tư nhưng chỉ học được những cái xấu, cái tiêu cực. Người dân từ chỗ ham kiếm lợi đã chạy theo học cách buôn gian bán lậu, làm ăn gian dối. Hệ quả hiện đang nhìn thấy quá rõ, thực phẩm bẩn, độc tràn lan, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường nặng nề.

Với đồ điện, gia dụng… cũng vậy, còn dối trá tới mức nhập hàng từ Trung Quốc về rồi lắp ráp mang nhãn mác của Việt Nam để bán ra thị trường. Cách làm ăn gian dối, thiếu trung thực, sản phẩm vỏ Việt Nam ruột Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp trong nước đã tự tay giết chết ngành sản xuất nội địa.

Tại lĩnh vực xây dựng, đầu tư cũng ghi nhận tới 99% các dự án đều do tổng thầu Trung Quốc nắm giữ bất chấp những vấn đề đội vốn, trì trệ, kéo dài thời gian như dự án đường sắt trên cao, dự án Formosa Hà Tĩnh….

“Tất cả đều do nhận thức và lợi ích. Quản lý còn theo kiểu xử ép quán Cafe Xin Chào thì khó mà khá lên được”.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.