Hãy bớt nhỏ nhen, xảo trá đi!

Posted: September 6, 2015 in Uncategorized
Tags:

Nguyễn Thanh Giang (Basam) – Hà Nội 4 tháng 9 năm 2015, Lướt web hôm nay thấy có ba chuyện buồn… cười:

� Tổng hợp các bài viết liên quan: Tự do ngôn luận: cho thôi việc và cấm hành nghề!
� Xem thêm: Lan man chuyện nhà báo Đỗ Hùng bị thu thẻ nhà báo.


Vào ngày 1/9/2015, Đại Sứ Đặc Mệnh Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power vinh danh và kêu gọi trả tự do
cho 20 nữ tù nhân lương tâm tiêu biểu trên thế giới, trong số đó có bà Tạ Phong Tần và Bùi Thị Minh Hằng

1) Ngày 1 tháng 9 vừa qua người ta đến gắn huy hiệu 75 tuổi Đảng cho cụ Nguyến Trọng Vĩnh. Cụ đáp từ: “Tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Những đảng viên cộng sản như tôi hồi đó là đối tượng khủng bố, ruồng bắt của Nhà nước thực dân Pháp. Tuổi Đảng của tôi năm nay là 76 chứ không phải là 75. Việc trao tặng này lẽ ra phải thực hiện từ năm ngoái chứ không phải để sang năm nay …”.

Đại tá Nguyến Đăng Quang kể lại như sau: Sau khi Chi bộ 14 (nơi cụ Vĩnh sinh hoạt) biết cụ Vĩnh bị gây khó khăn trong việc nhận Huy hiệu 75 năm, Chi bộ đã họp 2 buổi để bàn và ra Nghị quyết về việc này. Cả 2 lần Nghị quyết đều có sự tán thành 100% của số đảng viên chi bộ có mặt (Chi bộ 14 có trên 80 đảng viên thì có gần 40 đảng viên là Giáo sư, Tiến sỹ và cán bộ trung cao cấp đã nghỉ hưu). Tất cả đều nhất trí kiến nghị lên Đảng bộ Phường, Đảng bộ Quận và Đảng bộ Thành phố phải trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho lão đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh.

Chi bộ 14 sau đó bị Đảng ủy cấp trên phê phán là vô nguyên tắc vì đã đưa kiến nghị vượt cấp! Nhưng chính họ không hiểu hoặc đã cố tình vi phạm quy định của Đảng là phải trả lời bằng văn bản các kiến nghị của cấp dưới, song họ cố ý lờ đi, buộc Chi bộ 14 phải gửi lên cấp trên tiếp theo, và Chi bộ 14 dự kiến sẽ gửi tiếp kiến nghị này lên Trung ương Đảng nếu Thành ủy Hà Nội cố tình không trao Huy hiệu 75 năm cho lão đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh!

Câu chuyện này chứng tỏ có những chi bộ đã “diễn biến” tốt, trong khi cấp trên nói chung còn rất lú. Thế mà người ta luôn luôn nói: Cấp trên của Đảng bao giờ cũng sáng suốt, chỉ ở dưới thực hiện sai. Chủ nghĩa Mác Lenin rất tuyệt vời, Liên Xô sụp đổ là do làm không đúng.

2) Cũng sáng 1 tháng 9 có cuộc đối đáp giữa anh Phạm Lê Vương Các với lãnh đạo trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội như sau:

“Thầy hỏi: ‘Em có biết cô Y bên Cục An ninh không’? Tôi trả lời rằng biết vì tôi đã làm việc với cô Y mấy lần.

Rồi Thầy cho biết, bên Tổng Cục an ninh có báo cáo về trường hợp của tôi rồi Thầy nói thẳng thừng: “Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và kiếm trường khác mà học”. 

Tôi choáng váng mặt mày, tim đập thình thịch, 2 hàm răng bắt đầu run lên và va vào nhau, lỗ tai bắt đầu nóng lên… Tôi im lặng nhìn đăm chiêu ra ngoài cánh cửa, phải mất 2 đến 3 phút sau tôi mới lấy lại bình tĩnh và hỏi: “Thầy cho em biết lý do?”

Thầy nói: “Trường này đào tạo đa ngành, nên đào tạo ngành Luật không tốt bằng mấy trường khác đào tạo chuyên về Luật. Em nên kiếm những trường chuyên về Luật, học ở đó thì sẽ tốt cho em hơn”.

Tôi thở dài… sau một lúc im lặng suy nghĩ tôi đã trả lời rằng: “Em sẽ không rút hồ sơ và sẽ tiếp tục học ở trường này. Vì em đã nhập học được một tuần rồi, nên không thể thay đổi lựa chọn được nữa, vì đã quá muộn.”

Thầy trả lời lại là chưa muộn đâu, bây giờ vẫn còn có thể được, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Thầy bắt đầu hơi lớn tiếng và đi thẳng vào vấn đề: “Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng Cộng sản. Trường này do những người Cộng sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị Cộng Sản này.”

Tôi cũng lớn tiếng trả lời: “Khi dự tuyển vào trường này em không thấy chỗ nào giới thiệu trường này là do những người Cộng Sản lập ra, mà trường này là trường Dân lập. Em cũng không quan tâm và không cần biết trường này do Cộng Sản hay Tư Bản lập ra.. Và em cũng nói cho thầy biết, chức năng cao cả của giáo dục không phải là để đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị. Mà là đào tạo ra những con người tự do trước chế độ chính trị”.

Thầy: “Nếu không đào tạo ra những con người của chế dộ chính trị thì cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị. Giáo dục của Anh, Pháp, Mỹ cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị của nó, và giáo dục cũng Việt Nam cũng vậy”.

Tôi: “Giáo dục của họ sinh viên được tự do lựa chọn tư tưởng. Còn các trường đại học ở Việt Nam thì không. Vì các trường đại học của họ được tự trị mà thế lực chính trị không thể can thiệp được, ít nhất về mặt tự do nghiên cứu, học thuật. Còn ở Việt Nam thì không. Thầy xem tất cả trường đại học nào ở Việt Nam mà không có chi bộ Đảng Cộng Sản trong đó không, cho dù đó là trường Dân lập? Và điều đó có cần thiết không?”

Thầy trả lời là cần thiết, và còn cho biết, không chỉ trong các trường đại học có chi bộ Đảng mà còn có cả An ninh để quản lý và theo dõi sinh viên nữa, nên không phù hợp cho tôi theo học trường này.

Một lúc sau Thầy nhẹ giọng: “Tôi biết em đi học Luật để làm gì. Dù An ninh không ép nhà trường phải cho em thôi học vì nhà trường cũng có sự độc lập riêng. Nhưng An ninh đã thông báo về trường, thì nhà trường phải…”. 

Tôi hỏi lại: “Giả sử an ninh gây sức ép để trường buộc em thôi học thì nhà trường căn cứ vào đâu để ra quyết định buộc em thôi học?”

Không đợi Thầy trả lời, tôi nói tiếp: “Em nói cho Thầy biết, nhà trường chỉ có thể buộc em thôi học khi em có những hành vi vi phạm phạm luật qua một bản án xét xử của Tòa án. Cơ quan An ninh không có chức năng xét xử mà họ chỉ là cơ quan điều tra. Họ điều tra và báo cáo như thế nào là việc của họ, nhà trường đừng để họ làm thay công việc của Tòa án và xem họ như là Tòa án” ”.

Thật là đĩnh đạc, thông minh và bản lĩnh. Đúng là hậu sinh khả úy, là mầm mống tốt để xây dựng xã hội dân chủ. Nếu Phạm Lê Vương Các bị đuổi học đề nghị các nhà nước dân chủ cho em được tỵ nạn chính trị và bà con ta hãy chung tay tạo điều kiện để em hoàn thành được chương trình đại học luật.

3) Nhà văn Nguyễn Đông Thức viết trên Facebook hôm 2/9: “Báo Tuổi Trẻ có mời tôi viết một bài trong cuốn ‘Chuyện nghề – Chuyện người’, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập. Trong phần liệt kê các tên tuổi văn chương sau 1975 xuất hiện từ những ngày đầu trên Tuổi Trẻ, tôi nhắc hàng loạt tên, trong đó có nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả của những bài thơ ‘Quê hương, Phượng hồng, Những bông hoa trên tuyến lửa’… Ông cũng đã có hơn 12 năm làm phóng viên Tuổi Trẻ …Nhưng khi in sách, cái tên Đỗ Trung Quân trong bài viết của tôi đã… biến mất”.

Chắc không có chỉ thị cụ thể từ cấp trên để giải quyết riêng trường hợp này nhưng vì chủ trương của Đảng đã ngấm vào máu, khoét vào đầu các công bộc nên họ rắp tâm biến mình thành kẻ xảo trá, ty tiện sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, bất chấp sự thật và công lý một cách thật bỉ ổi.

Từ lâu, tôi đã chứng nghiệm điều này. Tôi đã có bằng Tiến sỹ từ 1982, luận án của tôi có trong lưu trữ Thư viện Quốc gia, công trình nghiên cứu của tôi đã được tổ chức CCOP của Liên Hợp Quốc mời trình bầy tại một Hội thảo Quốc tế năm 1982, nhưng trong cuốn “Tiến sỹ Việt Nam hiện đại” do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành tháng 9 năm 2004 người ta cố tình bỏ sót tên tôi. Tập thơ “Những Mẩu Quặng Dọc Đường” của tôi do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2014 bị Cục Xuất bản bắt thu hồi. Không phải vì Thơ ở trong tập có vấn đề mà cấp trên bắt phải vứt bỏ các bài bình thơ in trong đó. Những bài bình luận này là của những tác giả nổi tiếng: nhà thơ Thanh Thảo, phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Việt Nam, nhà thơ Định Hải, nhà thơ Ngô Văn Phú …. Các bài bình đều không mắc tội gì, kể cả tội “sai lập trường” của Đảng, ngoại trừ cái tội khen thơ và tư chất con người Nguyễn Thanh Giang.

Trời ơi, biết bao giờ xã hội ta mới thoát ra được khỏi cái vũng nhầy nhụa của xảo trá, ty tiện hỡi cái đảng của giai cấp công nhân này!

Lan man chuyện nhà báo Đỗ Hùng bị thu thẻ nhà báo

Huỳnh ngọc Chênh (DQ) – Đỗ Hùng là phó tổng thư ký tòa soạn của tờ Thanh Niên Online (TNO), là tờ báo do tui thừa lệnh khai sinh ra, xây dựng đội ngũ, phát triển và phụ trách suốt một thời gian dài.

Hồi tui phụ trách TNO, Đỗ Hùng vẫn còn làm ở ban thề thao rồi ban quốc tế. Anh là lứa phóng viên trẻ được tuyển vào báo theo con đường chính danh, nghĩa là bằng tài năng của mình chứ không do ai gởi gấm. Vào làm báo một thời gian, anh xuất hiện nổi bật vượt lên trên các phóng viên cùng thời. Nhờ vậy anh nhanh chóng được đề bạt và phân công phụ trách nhiều chức vụ chuyên môn quan trọng trong tòa soạn. Chức vụ cao nhất và cuối cùng của anh là phó tổng thư ký TNO như mọi người biết.

Hồi đó lấy lý do tui bắt đầu già cả không theo kịp thời đại thông tin nên ban biên tập chuyển tui qua phụ trách tờ báo nặng phần ăn chơi giải trí là tờ Thanh Niên Chủ Nhật, để nhường chỗ lại cho một nhà báo trẻ tài năng hơn tui về phụ trách TNO. Cũng kể từ khi đó, xếp hạng của TNO trên trang Alexa cứ tụt dần, từ vị trí thứ ba trong làng báo online VN (theo thứ tự Vnexpress, Vietnamnet, TNO và TTO), tờ TNO tụt dần xuống hạng dưới thứ 40. (hiện nay là thứ 48- Việc tuột hạng quá xa nầy là do nhiều yếu tố khách quan chi phối nữa). Để cứu vãn đà sa sut của TNO, nhiều nhà báo gạo cội và tài năng được tăng cường về, trong đó có Đỗ Hùng.

Nhẽ ra Đỗ Hùng có thể lên chức vụ cao hơn trong TNO, nếu như vào tháng hai 2014 anh không đăng bài báo về Hoàng Sa –Trường Sa hơi mạnh lời. Anh đã bị cảnh cáo nhưng thoát được.

Bài báo đó ngay sau đó đã bị gỡ bỏ. Thật ra nội dung của nó so với các bài báo hiện nay viết về Hoàng Trường sa thì chẳng ăn thua gì. Về sự việc nầy hồi đó tui có đăng một stt lên facebook như sau:

Đến một cái chức quèn như phó tổng thư ký tòa soạn của 1 tờ báo bình bình như Thanh Niên, mà có ý chống Tàu trong vụ Hoàng Sa- Trường Sa thì cũng không yên thân với mấy thằng Tàu khựa ở tận Trung Nam Hải. Huống chi mấy sếp có chức cao hơn. Ai có thể yên ghế với thằng Tàu cộng?

Nhưng từ trước đó, khá lâu, Đỗ Hùng đã bị lọt vào tầm ngắm của an ninh văn hóa và tuyên huấn rồi. Anh có một blog Mit tơ Đỗ khá nổi tiếng. Dù những bài viết trên đó cũng không hề nói gì đến thể chế, đến dân chủ, đến nhân quyền, chỉ tập trung vào vấn đề biển đảo. Anh đau xót trước thực trạng ngư dân bị bắn chết, bị hiếp đáp trên biển. Anh phẫn uất trước sự ngang ngược của bọn Tàu cộng, anh phản đối đường lưỡi bò sai trái của chúng, chỉ vậy thôi. À bên cạnh đó anh cũng là nhà báo nhiệt tình tham gia từ đầu các cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lăng. Sau nầy anh bị nhắc nhở nên thôi không tham gia nữa.

Anh lại có tên trong danh sách 10 nhà báo thuộc khối đoàn TNCS (bao gồm các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Thủ Đô…) hay viết lên mạng bị tuyên huấn và an ninh lưu ý với trung ương đoàn. Báo TN góp vào danh sách nầy 3 người: anh, Nguyễn Thông … Tui không có trong danh sách nầy vì lúc đó đã nghỉ hưu, nhưng thường được mang ra trong các cuộc họp giao ban ở trung ương để nhắc nhở như một tấm gương “xấu” cần phải tránh: “Đừng để anh em làm báo đi vào con đường như Huỳnh Ngọc Chênh”. Ka ka.

Sau lần nhắc nhở đó, hầu hết các nhà báo có blog đều phải đóng blog, Đỗ Hùng và Nguyễn Thông phải đóng blog là vậy. Rồi ai có tài khoản facebook cũng tuyệt đối không được còm like vào các stt nhạy cảm, hạn chế tối đa việc viết stt, nếu có viết thì cũng viết chuyện ăn chơi nhảy múa hoặc đùa nghịch tào lao cho vui thôi.

Đúng là làm báo dưới thể chế nầy cực còn hơn cái gì. Các bạn ấy thấy bao như thứ bức xúc cần lên tiếng, tay chân ngứa ngáyt lắm mà không thể nào viết được. Khổ. Tức anh ách, giống như đi đại tiện mà không cho tiểu tiện vậy. Nguyễn Thông về hưu rồi thì sung sướng như chim xổ lồng. Đỗ Hùng còn làm việc nên bức bối lắm. Anh không nhịn được nên nhiều lúc cũng lên face phang ra các stt vui vui.

Dịp 2/9 vừa qua, anh cũng vì quá vui mà phang lên một stt theo kiểu rap rất tếu táo. Thế là anh bị dính quả ngay. Bị cách chức, rồi nghiêm trọng hơn bị thu thẻ nhà báo. Điều đó có nghĩa là anh không còn được phép hành nghề trong hệ thống báo lề đảng nữa.

Cũng có rất nhiều người tuy không bị thu thẻ nhà báo nhưng có lệnh miệng ngầm vĩnh viễn không cho hành nghề báo chí nữa, như tui chẳng hạn.

Nhân chuyện anh Đỗ Hùng, tưởng cũng nên nhắc lại chuyện tui một chút vì từ lâu ni có rất nhiều người thắc mắc khi còn làm báo, tui viết blog đình đám như vậy có bị xử lý chi không?

Tui bắt đầu viết blog từ năm 2009 thời Yahoo 360, dưới cái nick Hồ Ly Tiên nên ít ai để ý lắm. Hầu hết là các bài báo chống Tàu cộng. Không biết tại sao vào nắm 2010 thì phải, Nguyễn Hữu Vinh lại biết các bài báo của tôi, mang lên giới thiệu trên trang Ba Sàm lừng lẫy của anh, thế là tui được mọi người biết đến. Cũng thời gian đó, tui chuyển từ Yahoo qua blogspot với tên thật . Và cũng bắt đầu từ đó, AN văn hóa thường xuyên qua “hành hạ” anh em trong ban biên tập về các bài viết của tui. Mỗi tuần qua làm việc một lần thì phải.

Anh em trong ban biên tập cũng khổ sở với tui lắm, nhưng tôn trọng tui nên không hề gây áp lực gì với tui về chuyện phải đóng blog. Các bạn đó chỉ khuyên tui nên viết nhẹ nhàng và khéo léo hơn, đồng thời cũng ra lệnh miệng cho anh em trong báo không được vào đọc blog tui và tuyệt đối cấm vào còm. He he.

Cuối năm 2011, có thời gian tui tự đóng blog, đó là tự tui đóng theo yêu cầu của con gái út của tui chứ không phải theo yêu cầu anh em trong ban biên tập. Hồi đó cháu còn quá bé, suốt ngày nghe các cô chú bạn mẹ hăm dọa tui sắp bị bắt nên đã mất ăn mất ngủ khóc lóc năn nỉ tui ngưng viết. Tui lo cho sức khỏe và việc học hành của cháu nên phải đóng blog lại cho cháu yên tâm. Sau đó tìm cách thuyết phục cho cháu quen dần, bớt sợ hãi, tui mới mở blog trở lại.

Tui mở lại và viết hăng quá, từ vấn đề biển Đông, tui lấn dần sang các vấn đề bất đồng chính kiến, vấn đề thể chế chính trị, tù nhân lương tâm, dân oan…

Ban biên tập cũng bắt đầu bị áp lực nặng nề từ phía trên. Thế là tui bị xử lý.

Tui không hề bị một quyết định công khai nào về việc cách chức, không hề bị thu thẻ nhà báo, tui vẫn tiếp tục nhận mức lương và các khoàn tiền trách nhiệm khá cao, nhưng tôi không phải làm chi hết. Tui nhận một cái lệnh miệng vào giữa năm 2011, anh không phải phụ trách tờ TNCN nữa, giao công việc ấy lại cho thư ký tòa soạn khác, cứ ngồi chơi và lãnh lương cho đến khi về hưu vào giữ năm 2012. OK, tui vui vẻ chấp nhận ngay.

Tui không bị xử lý công khai vì thời đó chưa có quy định về việc cấm phóng viên viết blog, các bài viết của tui lại rất nghiêm túc, lập luận chặt chẽ, nói lên sự thật rất khó có gì để bắt bẻ. Thêm vào đó, tui là nhà báo đầu tiên còn đương chức mà dám viết blog phản biện lại đường lối chủ trương cũng như bày tỏ sự bất đồng chính kiến nên các cơ quan chủ quản đã lúng túng chưa biết xử lý làm sao. (trước tôi cũng có vài nhà báo đương chức viết blog, nhưng hầu hết đều không dám phản biện đường lối cũng những bày tỏ sự bất đồng chính kiến). Hơn nữa tui cũng gần đến ngày về hưu nên người ta cũng không muốn gây ra ồn ào.

Đến hiện nay tui vẫn còn giữ thẻ nhà báo có giá trị cho đến hết năm 2016, thỉnh thoảng tui vẫn mang ra hù dọa các anh csgt mỗi khi bị huýt còi, he he. Bởi vậy có khi thiên hạ nghi tui là tc 2 hay an cũng có lý.

Cái nền báo chí của VN hiện nay là vậy. Tất cả đều bị kiểm soát chặt chẽ. Kiểm sóat từ cái đầu của phóng viên lên đến ban biên tập. Nhân chuyện anh Đỗ Hùng bị xử lý, nhiều bạn bức xúc lên mạng viết chửi bới ban biên tập báo Thanh Niên là thế nầy thế nọ, tội nghiệp anh em ấy, không xử lý nhân viên của mình, thì chính mình bị xử lý. He he.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.