Kêu “đứt dây chết” là hơi muộn!

Posted: March 10, 2016 in Uncategorized
Tags:

TS.Nguyễn Quang A (Dân Việt) – Bây giờ mới kêu “đứt dây chết” thì hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không…

� Xem thêm: Điều hành ngân sách “trên dây”: 2017 dây đứt ? + Xuất khẩu Việt Nam quá phụ thuộc vào Samsung + Doanh nghiệp xăng dầu đang vớ bẫm?

“Nợ công cứ tăng như vừa rồi là chết!”. Đó là nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngày 7.3.2016. Phát biểu trước Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cùng ngày Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, nợ công trên GDP đã là 62,2% (trong khi các chuyên gia cho là còn cao hơn) và than rằng điều hành ngân sách theo kiểu “đi trên dây” và tình thế này vẫn tiếp tục trong năm 2016, đặc biệt là với những diễn biến của giá dầu. “Đến năm 2017 mà đứt dây thì chúng ta chết”.

Bây giờ mới kêu “đứt dây chết” thì hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không. Nếu giả như các vị lãnh đạo lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, trong đó có cả người viết bài này từ chí ít năm 2010 thì đâu nên nỗi.

Nguồn thu chính của ngân sách nhà nước là: thuế, bán tài nguyên hay tài sản (thí dụ thu từ dầu khí), thu từ dịch vụ do nhà nước thực hiện hay lợi nhuận từ doanh nghiệp nhà nước.

Các khoản chi chính của ngân sách nhà nước là: chi vận hành bộ máy nhà nước (kể cả đảng và các tổ chức quần chúng), thường được gọi là chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ (lãi và một phần gốc).

Nếu thu không đủ chi thì phải vay để bù khoản “bội chi” đó. Nếu thu nhiều hơn chi thì có “bội thu”.

Ở hầu hết các nước, Quốc hội (cơ quan lập pháp) ban hành luật ngân sách nhà nước chi tiết hàng năm và Chính phủ (cơ quan hành pháp) không được vi phạm luật ngân sách năm đó.

Ở Việt Nam chỉ có luật ngân sách “khung”. Trong Luật ngân sách Việt Nam không hề có khái niệm “bội thu” mà chỉ có “bội chi” (trừ luật mới 2015 có hiệu lực từ 2017, luật này có 1 lần nói đến “bội thu” trong Điều 7 nhưng khi có 39 lần nói đến “bội chi”; còn luật 2002 đang hiện hành không hề có khái niệm “bội thu” nhưng 10 lần nói đến “bội chi”). Cái não trạng của chính cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp chỉ biết đến “bội chi” đó khiến cho ngân sách nhà nước bị thâm hụt suốt hàng chục năm qua. Thâm hụt ngân sách thì phải vay bù vào và làm cho nợ công tăng lên, ngày càng nhanh đến mức người ta phải giật mình.

Không chỉ chính phủ trung ương nợ mà các chính quyền địa phương cũng có thể nợ. Nợ công gồm nợ của chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương.

Dẫn báo cáo ngày 18.5.2015 của Chính phủ bài thảo luận chính sách mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tỷ lệ nợ công/GDP là: 49,7% (2011); 50,0% (2012); 53,3% (2013) ước tính 60,3% cho 2014 và 65% cho năm 2015. Có thể thấy tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh trong mấy năm vừa qua và đã vượt quá “ngưỡng” 60%.

Tỷ lệ 60,3% của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ nợ công của Trung Quốc (41,06%), Thái Lan (45,2%), Phillipines (45,4%) và Indonesia (25%) trong năm 2014.

Nguyên nhân chính của nợ công tăng nhanh là chính sách chi ngân sách lỏng lẻo (từ bản thân luật), bộ máy hưởng ngân sách quá lớn, chi đầu tư phát triển kém hiệu quả. Cuối năm 2015, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã phải thốt lên “chi thường xuyên lên đến hơn 70% tổng chi thì phải thẳng thắn mà nói là với bộ máy như thế này, ai mà nuôi cho được,” nói cách khác chỉ còn chưa đầy 30% tổng chi cho trả nợ và đầu tư phát triển thì quá gay go do các khoản phải trả nợ từ ngân sách tăng rất nhanh, vẫn theo VEPR, từ 88 ngàn tỷ năm 2010 lên gần 150 ngàn tỷ năm 2015, trong đó riêng trả lãi so với tổng chi ngân sách đã tăng từ 3,2% năm 2010 lên 7,7% năm 2015.

Chỉ có cách siết chặt kỷ luật ngân sách, tinh giản bộ máy nhà nước, cắt bớt các khoản chi cho các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng (một đặc thù rất Việt Nam) để giảm tỷ lệ chi thường xuyên; tăng hiệu quả đầu tư thì ngân sách nhà nước mới có cơ thoát khỏi việc “đi trên dây” và thoát chết.

Cần sự thay đổi triệt để trong việc tổ chức Quốc hội, nhất là thay đổi tư duy về làm luật ngân sách hàng năm thay cho luật ngân sách “khung” và phó mặc cho những người tiêu tiền (hành pháp) vốn có khuyến khích tiêu càng nhiều càng thích (một chuyện rất con người) khi không bị luật khống chế.

Chính phủ phải bị giám sát nghiêm ngặt về chi ngân sách và phải nỗ lực hết sức để tránh thất thu.

Nhân dân và xã hội dân sự phải tích cực tham gia giám sát, phát hiện sai sót, nhất là tham nhũng trong chi tiêu ngân sách.

Làm được thế thì điều hành ngân sách không phải “đi trên dây” giảm dần bội chi ngân sách tiến tới cân bằng và có thể có bội thu ngân sách.

Điều hành ngân sách “trên dây”: 2017 dây đứt ?

(CTM Media) – Những con số về cân đối thu chi ngân sách đang là điểm gây ra tranh luận tại Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội khi bàn về đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020). Hôm nay cơ quan thường trực Quốc Hội đang họp bàn đã đưa ra nhiều con số giả định trong bản kế hoạch ngân sách để lấy ý kiến, trước khi trình cho kỳ họp Quốc Hội vào cuối tháng Ba tới đây.


Bộ trưởng Tài Chánh Đinh Tiến Dũng: điều hành ngân sách theo kiểu
“đi trên dây”…, “Đến năm 2017 mà đứt dây thì chúng ta chết”.

Theo dự tính của Chính phủ, tổng GDP 5 năm tới của Việt Nam sẽ đạt khoảng 31 triệu tỷ đồng, con số 2.1 triệu tỷ là nguồn vốn dự kiến cho đầu tư trung hạn của giai đoạn này, và nợ công được đặt mục tiêu sẽ giảm xuống còn 60%, trong đó nợ Chính phủ là 5%. Nhưng theo cơ quan điều hành trích dẫn tính toán của các tổ chức quốc tế cho thấy riêng con số GDP chỉ ở mức khoảng 28 triệu tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận việc điều hành ngân sách giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Theo ông, mấy năm nay, điều hành ngân sách theo kiểu “đi trên dây” và tình thế này vẫn tiếp tục trong năm 2016, đặc biệt là với những diễn biến của giá dầu. Ông Dũng lo lắng than rằng “Đến năm 2017 mà đứt dây thì chúng ta chết.”

Bàn về giải pháp cụ thể để tăng thu, ông Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ dự kiến điều chỉnh tăng 8 loại thuế để tránh khoản thu thiếu hụt khoảng 450.000 tỷ đồng hiện tại. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng ý giải pháp “tăng thuế lên để thu”. Ông Hùng nhận định rằng “Đất nước lúc này không thể tăng thuế được đâu.”

Xuất khẩu Việt Nam quá phụ thuộc vào Samsung

Minh Thái (BĐV) – Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc hơn vào Samsung khi những năm qua doanh nghiệp này xuất siêu rất lớn.


Thành tích xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Samsung

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 mới được công bố tại Thường vụ Quốc hội cho hay, nhập siêu giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 1,93% so với tổng kim ngạch xuất khẩu là do đóng góp của khối doanh nghiệp FDI.

Trong số này, chỉ riêng Samsung Vietnam đã có mức xuất siêu tăng vọt, từ 3,9 tỷ đô la Mỹ năm 2013 lên 6,5 tỷ đô la Mỹ năm 2014 và 11,1 tỷ đô la Mỹ năm 2015. Các con số xuất siêu này góp phần cải thiện cân đối vĩ mô, vì trong giai đoạn 2006-2010, nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 22,4%

Samsung hiện có ba nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên sản xuất điện thoại di động và một dự án tại TP.HCM khởi công vào tháng 5/2015 sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng công nghệ cao .

Chỉ với hai nhà máy đã đi vào hoạt động tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, hàng năm Samsung xuất khẩu hàng chục tỷ đô la Mỹ. Chẳng hạn như năm 2014 tập đoàn này xuất khẩu 26,3 tỷ đô la Mỹ (bằng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và năm 2015, con số này khoảng hơn 30 tỷ đô la Mỹ. Đổi lại, Samsung cũng nhập khẩu rất lớn linh kiện để sản xuất vì tỷ lệ nội địa hóa linh kiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 36%.

Năm ngoái, với việc Samsung chiếm gần 20% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trang Nikkei Asia Review của Nhật Bản cũng bình luận rằng, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc hơn Samsung.

Khi sự phụ thuộc ngày càng tăng, Việt Nam không hài lòng với tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của Samsung và hãng đã tìm mua linh kiện từ một số nhà cung cấp Việt Nam, nhưng tới cuối năm 2014, 80% số linh kiện được sử dụng trong các sản phẩm của Samsung vẫn là từ các công ty Hàn Quốc. Đại diện Bộ Công thương từng cho biết, Samsung Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư lớn tại Việt Nam với hệ thống 80 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng đến từ 9 quốc gia. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung hiện còn thấp, chiếm chưa đến 10%.

Giới phân tích cho rằng, tại Việt Nam, Samsung đã được nhận quá nhiều ưu đãi, trong đó có miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 30 năm kể từ ngày doanh nghiệp có doanh thu chịu thuế, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo nếu dự án đáp ứng đúng các tiêu chí công nghệ cao như cam kết.

Thậm chí, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty của Samsung sau khi hết điều kiện miễn giảm của Chính phủ, đó là chưa kể các điều kiện hạ tầng khác. Tại Thái Nguyên và TP.HCM, doanh nghiệp này cũng được nhận những ưu đãi tương tự.

Một quan chức tại một định chế tài chính cho rằng những ưu đãi quá phóng khoáng này có thể coi là “thiếu công bằng” nếu xét trên quan điểm của các công ty nước ngoài khác.

Doanh nghiệp xăng dầu đang vớ bẫm?

(VTC) – Doanh nghiệp nhập khẩu dầu diesel, dầu madut… có thể hướng mức thuế nhập khẩu 0-5% nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá đã đánh thuế 10% để mua các mặt hàng này. Mức chênh lệch này có thế mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng?

Thuế vênh, DN lãi to?

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã gây bất ngờ công bố con số lãi kỷ lục nhất từ trước tới nay. Năm 2015, lãi trước thuế của Tập đoàn này là lên tới 3.766 tỷ đồng, trong đó, riêng lĩnh vực chính kinh doanh xăng dầu đã gặt hái 1.989 tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất. Trung bình, mỗi lít hay kg xăng dầu của Petrolime đã đạt lãi 222 đồng.

Trong khi đó, 5 năm qua, lợi nhuận của Petrolimex luôn trồi sụt thất thường với các năm 2011, 2012, 2014 đều lỗ mảng xăng dầu và năm 2013 lãi trội nhất cũng chỉ hơn 1.500 tỷ đồng.


Giá xăng dầu đắt hơn so với thực tế giá thành

Nhiều chuyên gia tài chính đặt câu hỏi: Lý do chủ đạo nhất cho con số lãi khủng trên lại chính là nhờ hưởng lợi từ ‘độ vênh’ trong tính giá xăng dầu hiện nay của Liên Bộ Công Thương- Tài chính?

Cụ thể, trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Liên Bộ vẫn áp dụng với các mức thuế nhập khẩu MFN theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 với xăng là 20%, dầu diesel và madut 10%, dầu hỏa 13%.

Nhưng trên thực tế, Petrolimex cũng như hầu hết các doanh nghiệp đầu mối khác có thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN.

Cụ thể, Thông tư 165 của Bộ Tài chính ban hành tháng 11/2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 đã quy định, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả từ ASEAN chỉ có 5%, madut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%. Đặc biệt, cũng từ năm nay, xăng nhập về cũng chỉ có thuế là 10%, thấp hơn một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.

Đây có thể là nguyên nhân khiến các DN xăng dầu lãi lớn như vây?, một chuyên gia đặt câu hỏi. Trong khi đó, Petrolimex lại có một cách gọi khá kỹ thuật là:”thay đổi phương thức tính giá mua hàng nhập khẩu phù hợp với diễn biến thị trường”.

Hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng?

Số liệu từ cơ quan hải quan cho biết, 2015, cả nước tiêu thụ 8,33 triệu tấn dầu diezen thì trong đó, có tới 4,42 triệu tấn dầu diesel nhập từ ASEAN, chiếm 53,06% tổng sản lượng dầu tiêu thụ trên thị trường. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam tiêu thụ 0,368 triệu tấn dầu diesel từ ASEAN, tương đương 421 triệu lít.

Giả sử, với mức giá CIF trung bình quý IV/2015 của dầu diesel là 55 USD/thùng, mỗi lít dầu diesel nhập từ ASEAN đã có chứng nhận xuất xứ form D sẽ chỉ phải chịu thuế nhập khẩu 5%, tương đương 400 đồng/lít.


Các DN xăng dầu đã lời thêm 168,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo biểu tính giá cơ sở để điều hành như hiện hành của Bộ Công Thương vẫn giữ mức thuế 10%, tương ứng mỗi lít dầu này sẽ gánh gấp đôi, gần 800 đồng tiền thuế. Chênh lệch khoản thuế này lên tới 400 đồng/lít, nhân với sản lượng tiêu thụ trung bình 421 triệu lít thì mỗi tháng, các DN xăng dầu đã lời thêm 168,4 tỷ đồng.

Tính tháng 6/2015, khi thuế MFN áp dụng là 10% cho dầu diesel, ước tính, chênh lệch thuế nhập khẩu giữa mức 10% và 5% cho sản lượng dầu diesel từ ASEAN trong 6 tháng cuối năm đã lên tới 1.010 tỷ đồng.

Chưa kể, kết quả tính giá cơ sở cũng đã bị đẩy lên cao. Nếu thuế nhập khẩu 5%, giá cơ sở dầu diesel với mức giá CIF như trên sẽ chỉ có 12.300 đồng/lít, nhưng khi áp thuế 10%, giá cơ sở sẽ tăng thành 12.700 đồng/lít. Nói cách khác, có ít nhất 53,06% sản lượng, tức hơn một nửa lượng dầu diesel bán cho người dân đã phải gánh thêm 400 đồng/lít thuế.

Năm 2016, chênh lệch này càng lớn hơn khi dầu diesel hưởng thuế 0% trong ASEAN.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua hôm 4/3, giá CIF bình quân 15 ngày qua của mặt hàng này chỉ có 40,32 USD. Một lít dầu ASEAN sẽ không phải chịu thuế nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với một mức giá bao gồm 595 đồng tiền thuế nhập khẩu. Nếu các DN vẫn duy trì tỷ trọng và sản lượng tiêu thụ trung bình tháng đối với dầu diesel như năm 2015 trên thì mỗi tháng qua, người tiêu dùng đã gánh thêm khoảng 250,495 tỷ đồng.

Tương tự, mặt hàng xăng A92 từ Hàn Quốc cũng có chênh lệch thuế rất lớn kể từ 1/1 năm nay. Thuế xăng Hàn Quốc chỉ có 10% nhưng Liên Bộ vẫn tính toán điều hành giá theo phương án thuế MFN 20%.

Với mức giá vừa công bố tại kỳ điều hành 4/3 vừa qua là 42,31 USD/thùng, người tiêu dùng đang phải chịu 1.261,55 đồng/lít thuế xăng với giá cơ sở là 14.100 đồng lít. Nhưng nếu lít xăng này nhập từ Hàn Quốc, người tiêu dùng sẽ chỉ phải chịu thuế 630,77 đồng/lít với mức giá cơ sở chỉ có 13.415 đồng/lít. Nêu tính cơ học, mua xăng made in Korea, người tiêu dùng đang phảu gánh thêm 630,78 đồng/lít tiền thuế.

Và so với mức giá bán lẻ vừa qua là 13.750 đồng/lít, giá thành của một lít xăng made in Korea rẻ hơn 335 đồng/lít.

Năm 2015, mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ có 0,31 triệu tấn, chiếm 11,4% tổng lượng xăng nhập khẩu và chiếm 5,6% tổng lượng xăng tiêu thụ toàn quốc. Nhưng với sự chênh lệch 50% thuế suất này, các DN đầu mối sẽ đổ dồn nhập xăng Hàn như đang diễn ra hiện nay.

Một câu hỏi được đặt ra, trong bối cảnh hội nhập, có nhiều thị trường cạnh tranh và nhiều mức thuế khác nhau, vì sao Liên Bộ Công Thương- Tài chính vẫn chưa có động thái nào trong việc sửa đổi cơ chế áp thuế trong cách tính giá xăng dầu để gần thực tiễn hơn?

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.