Học văn để làm gì?

Posted: October 20, 2014 in Uncategorized
Tags:

Nguyễn Vạn Phú (Quê Choa) – Phải công nhận Bộ Giáo dục & Đào tạo rất tài tình; chỉ bằng một động tác thay đổi cách tuyển sinh đại học là bộ này bắt cả xã hội phải thao thức với câu hỏi muôn đời: Học văn để làm gì?

Xem thêm: Học văn để làm chi hè? + Dùng môn Văn tuyển ngành y sẽ tạo ra… mai táng kiểu mẫu? + “Chúng ta đang nhầm lẫn về môn văn”.

Viết văn là một trong những kỹ năng cơ bản tối thiểu của lứa tuổi học trò. Nhưng trong những năm gần đây, không dễ để tìm ra bài văn hay được viết bởi học sinh tiểu học

Với ngành y tế thì câu trả lời dường như có sẵn: Dùng môn văn xét tuyển ngành y?

Lý do được người đứng đầu ngành y tế lý giải rất gọn: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được” (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến).

Bà Tiến nói quá chính xác và đó cũng có thể là lý do để hàng ngàn ngành nghề khác đòi hỏi người dự tuyển cần giỏi văn bởi không chỉ riêng bác sĩ, y tá cần viết đúng ngữ pháp, không sai lỗi chính tả mà hàng ngàn ngành nghề khác cũng cần.

Nói đâu xa, ngay cả Mark Zuckerberg mà có quyền ở Việt Nam, ắt anh ta sẽ yêu cầu người nào muốn tham gia cái mạng Facebook do anh điều hành phải viết sạch nước cản, diễn đạt rõ ràng, không viết lung tung như gã ngọng. Nói cho cùng anh chàng Mark này đang làm tờ báo khổng lồ trong đó mọi người dùng là kẻ viết bài liên tục cho anh ta, còn nhân viên của Facebook chỉ việc lo bán quảng cáo kiếm tiền. Viết bài cho Mark mà sai ngữ pháp, sai chính tả, ai mà chịu.

Nhưng, khoan đã! Những kỹ năng nói ở trên là kỹ năng ngôn ngữ, tức là môn tiếng Việt chứ đâu phải môn Văn?

Môn Văn nó phức tạp hơn nhiều. Ví dụ nhà văn William Faulkner nổi tiếng (Giải Nobel Văn chương năm 1949) chuyên viết những câu văn đọc muốn bể cái đầu, dài như cọng rau muống, câu dài nhất ông này từng viết trong cuốn Absalom, Absalom! dài đến 1.288 chữ. Thế mà khi lên nhận giải Nobel ông nói như thế này về sứ mệnh nhà văn và qua đó gián tiếp nói về vai trò của văn học: “Tiếng nói của nhà thơ không chỉ để ghi lại câu chuyện con người, nó còn là cột chống, trụ đỡ để giúp con người trụ lại và vượt qua”.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đồng tình là cần dùng môn văn để tuyển bác sĩ tương lai, không phải vì chuyện chính tả mà cao sang hơn, là mong muốn người bác sĩ giỏi văn sẽ không chơi ép bệnh nhân, kê thuốc không vì chữa bệnh mà vì tỷ lệ hoa hồng. Mong muốn của họ là văn sẽ giúp hình thành nhân cách con người, kể cả lòng tự trọng, nói chung là cái người ta thường gọi là y đức.

Nhưng, hượm đã! Cái đó là chuyện đạo đức, hiện được giao cho các môn như giáo dục công dân chứ đâu phải môn văn? Còn nếu môn giáo dục công dân đi dạy các chuyện xa vời như “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”… đó là chuyện của môn này, không bàn ở đây.

Nhà phê bình Dana Stevens viết trên tờ New York Times để lý giải người ta cần văn chương làm gì. Cô viết: “Văn chương là kẻ sinh đôi thất lạc từ lâu của cuộc đời, là kẻ đóng thế xấu xa, là tấm lót mượt như nhung, là hồn ma than khóc của cuộc đời”. Ý cô muốn nói văn chương ghi lại tất cả những gì còn lại từ cuộc đối thoại của mọi nhân chứng cuộc đời, giữa những người đang còn sống và mọi kẻ quá vãng về đam mê, thương yêu, thù hận, giận dữ, nỗi buồn, niềm vui… Còn có ai dạy cho ta biết về những điều đó ngoài văn chương.

Chính ở đây mà chúng ta mới hiểu vì sao những nhà khoa học, những nhà toán học, kể cả những bác sĩ tài ba, hầu như tất cả đều đam mê văn chương, rành rẽ về văn chương – và chính ở đây mới tồn tại niềm hy vọng những người bác sĩ tương lai, nếu từng học được lòng trắc ẩn, sự cảm thông, lòng tự trọng, sự phù du của đồng tiền mới tự miễn dịch chống lại mọi lề thói xấu xa đang bao bọc lấy anh ta.

Điều đáng buồn, môn Văn ở nhà trường hiện nay chưa làm được ngay cả mức độ thấp là trao cho người học kỹ năng ngôn ngữ để đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Ở mức độ rung lên từng sợi dây cảm xúc của học trò để những cái như lòng cam đảm, đam mê, hoài bão, nói chung là mọi xúc cảm cần thiết để làm người trọn vẹn thì môn Văn đang bế tắc, đang giết lần giết mòn những rung cảm còn sót lại ở học sinh vì sự khô cứng, khuôn mẫu và gò ép.

Vậy, phải chăng đừng hỏi “Học văn để làm gì?” – hãy hỏi “Học văn thế nào”, mới chính là câu hỏi đúng.

Bài văn mẫu được phát cho học sinh, giáo viên tiểu học dạy trẻ nói dối.

Học văn để làm chi hè?

Nguyễn Quang Lập (Quê choa) – O Kim Tiến xinh đẹp, Bộ trưởng Y tế xinh đẹp của chúng ta nói rằng “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được (…). Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp”.

Từ câu nói của người đẹp Kim Tiến dân tình bàn loạn cả lên. Tui để ý xem có nhà văn nào lên tiếng không. Không. Hoàn toàn không. Bởi vì đó không phải việc của nhà văn. Đó cũng không phải vấn đề mà nhà văn quan tâm. Hi hi… thiệt rứa đó. Riêng tui, gút lại một câu cho nó máu: Nghe O Tiến nói tui nghi O nỏ biết văn là cái chi.

Bảo rằng học văn để nói năng lưu loát, xin thưa trật lấc! Muốn nói năng lưu loát thì đi học môn hùng biện chứ không phải đi học văn. Tất cả nhà văn hàng đầu nước ta đều nói năng không hề lưu loát chút nào. Kim Tiến đã nghe nhà văn Nguyễn Minh Châu nói chuyện lần nào chưa? Nếu chưa bây giờ thử mời nhà văn Bảo Ninh đến Bộ y tế nói chuyện. Trình nói chuyện của Bảo Ninh cũng xêm xêm Nguyễn Minh Châu, họ đều thuộc trường phái ngậm hột thị. Ngậm hột thị hãy còn khá, có nhà văn không hề biết nói, điển hình là nhà thơ Tế Hanh. Rời cây bút ra là ông không sao diễn đạt được điều ông nghĩ cho mọi người hiểu.

Bật mí cho người đẹp Kim Tiến nhé: Ở đâu không biết chứ ở nước ta phàm ông nào trước đám đông nói năng lưu loát, trơn tuột như cháo chảy, thì hoặc ông đó không phải nhà văn hoặc là nhà văn dốt, tức nhà văn bất tài. Chắc chắn 100%.

Bảo rằng học văn để viết lách gãy gọn, đúng ngữ pháp, đúng chính tả, xin thưa cũng trật lấc nốt. Muốn giỏi mấy món đó thì lo đi học môn soạn thảo văn bản. Hơn 90% phần trăm nhà văn nước ta viết sai chính tả, trong đó có tui. Nhà thơ Đỗ Trung Quân chẳng những viết sai chính tả mà sai luôn cả lỗi đánh máy, đọc bài ông viết lắm khi muốn nổi khùng. Thế nhưng ông là nhà thơ được yêu mến hàng đầu Tổ quốc mình đấy O Kim Tiến ạ. Bạn đọc đọc thơ ông chứ chẳng ai đọc chính tả của ông bao giờ, không tin O Kim Tiến hỏi họ mà xem.

Một nhà thơ hàng đầu đất nước khác đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông còn không viết nổi biên bản một cuộc họp nửa tiếng của ban biên tập báo Văn nghệ. Một hôm ông Hữu Thỉnh giao cho Phạm Tiến Duật làm biên bản. Phạm Tiến Duật mừng lắm, vì nghĩ mình được coi trọng, ra sức viết một biên bản 4 trang A4. Họp xong,Phạm Tiến Duật đọc biên bản. Mọi ngơ ngác không ai hiểu sao cả. Chỉ riêng Hữu Thỉnh là xuýt xóa khen hay. Xuýt xoa khen hay xong Hữu Thỉnh hỏi Phạm Tiến Duật, nói này ông Duật, cái này là biên bản hay thơ hậu hiện đại?

O Kim Tiến ơi! Môn văn chẳng cần để làm chi hết, nói chung học sinh nước ta không cần phải học văn. Ông Bảo Ninh có lần tâm sự với tui, nói tao nói thật, sở dĩ bây giờ tao thành nhà văn vì ngày xưa tao chán học văn khủng khiếp. Đúng vậy. Ở một xã hội lấy đạo đức giả làm căn bản thì văn chương (thứ thiệt) là thứ nguy hiểm càng tránh xa càng tốt. Ở một xã hội mà bọn đạo đức giả luôn lấy món nhân văn ( giả cầy) làm ngọn cờ gương mẫu uy tín thì càng học văn càng nguy hiểm, càng học văn càng giết chết văn, giết chết luôn tính người trong mỗi chúng ta. Điều đó giải thích vì sao càng học văn thì tình trạng cướp giết hiếp càng dâng cao, y đức ngành của O càng suy sụp.

Rứa đo O Tiến nờ.

Dùng môn Văn tuyển ngành y sẽ tạo ra… mai táng kiểu mẫu?

(PN today)“Ngoài những bài văn mẫu chúng ta sẽ có chẩn đoán mẫu, điều trị mẫu, toa thuốc mẫu, mổ mẫu… và chia buồn kiểu mẫu, mai táng kiểu mẫu”.

Theo Tuổi trẻ, tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược tại Hà Nội ngày 10/10, lãnh đạo một số trường ĐH y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.

Phương án này nhận được ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Có người cho rằng, đòi hỏi bác sĩ viết đúng chính tả, ngữ pháp là quá cầu toàn, không cần thiết. Người khác lại cho rằng văn học là nhân học, bác sĩ không chỉ hiểu được thể xác mà cần thấu về tâm hồn.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện làm việc tại phòng khám quốc tế tại TP.HCM đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm về ngành y và giáo dục. Theo ông, đưa môn văn vào chương trình thi vào đầu ngành y là ý tưởng đúng đắn nhưng nên chờ 10,12 năm (hoặc lâu hơn) khi cải cách giáo dục. Hiện tại, với cách dạy văn, học văn theo mẫu thường thấy hiện nay sẽ tạo nên những bác sĩ robot. Trong khi đó, ngành y đòi hỏi sự sáng tạo.

Xin đăng tải toàn bộ bài viết của bác sĩ Võ Xuân Sơn.

“Ý kiến về việc bổ sung môn văn vào danh mục thi tuyển vào trường y gây xôn xao dư luận mấy ngày nay. Người bảo đúng, kẻ bảo sai. Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM phát biểu: “Hiện nay nước ta không thiếu gì những bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng vô cảm, nhẫn tâm và hám lợi. Sự lệch lạc về đạo đức ấy có thể giết chết người bệnh”. Trưởng khoa cho rằng môn văn của ông có thể giải quyết được vấn nạn trên (Theo Vietnamnet).

Kiến thức về văn học là rất cần thiết, không riêng gì cho ngành y mà cho tất cả mọi ngành. Tôi hết sức thông cảm với Bộ trưởng Bộ Y tế khi cho rằng có nhiều chuyên viên Bộ viết sai chính tả. Bản thân tôi vẫn thường xuyên phải đọc các luận văn được viết khá lủng củng, mặc dù đề tài thật sự rất hay, rất hấp dẫn. Ngoài ra, khá nhiều bác sĩ không biết làm sao giải thích ngắn gọn, dễ hiểu cho người bệnh, dẫn đến việc người bệnh không thể hiểu được vấn đề của mình.

Tôi được biết tại một số nước châu Âu, ký thi tuyển sinh đầu vào trường Y có một vòng vấn đáp, tại đó, có những thí sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyên môn nhưng khả năng ngôn ngữ không đủ và bị loại. Sau đó những thí sinh này thi vào một trường khác và được xác nhận có thể học được do việc đòi hỏi kiến thức về ngôn ngữ của trường đó không cao bằng trường y.

Khác với nhiều ngành nghề khác, y khoa là ngành khoa học sáng tạo. Lí thuyết là như thế, triệu chứng học là như thế, nhưng với mỗi người bệnh, biểu hiện lại khác nhau. Từ một mớ các triệu chứng lộn xộn, người thầy thuốc phải “bốc ra” các triệu chứng chủ chốt, tìm các dấu hiệu khác để đưa ra chẩn đoán phù hợp. Có chẩn đoán rồi thì việc điều trị cũng là một bước sáng tạo vì không cá thể nào giống cá thể nào cả, không thể rập y nguyên một mẫu cho mọi bệnh nhân.

Nếu ngay bây giờ chúng ta tổ chức thi môn văn đầu vào trường y, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hiện nay, cách học văn của học sinh chúng ta chủ yếu là làm văn theo mẫu, mọi sự sáng tạo đều không được phép. Nếu chúng ta tuyển những người giỏi làm văn theo mẫu vào trường y, chúng ta có đào tạo ra những bác sĩ robot không? Lúc đó ngoài những bài diễn văn giải thích mẫu chúng ta sẽ có chẩn đoán mẫu, điều trị mẫu, toa thuốc mẫu, mổ mẫu… và cuối cùng là chia buồn kiểu mẫu và mai táng kiểu mẫu.

Đưa môn văn vào chương trình thi đầu vào ngành y là ý tưởng đúng đắn, cần thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nên chờ khoảng 10, 12 năm nữa (hoặc có thể lâu hơn), khi các cải cách giáo dục trong dạy và học môn văn thực sự có hiệu quả. Với tình hình dạy và học văn như hiện nay, việc đưa môn văn vào kì thi tuyển đầu vào ngành y sẽ dẫn đến một thảm họa. Nên chăng, trong thời gian chờ đợi, các trường y tổ chức dạy môn ngữ văn cho sinh viên, nhưng nhớ đừng mời các thầy “mẫu” đến dạy.

Nhân đây, tôi xin nhắn tới PGS. TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, rằng đại đa số những bác sĩ “vô cảm, nhẫn tâm và hám lợi” đều không thể giỏi, hoặc có giỏi là giỏi theo cách đánh giá “mẫu” mà thôi. Sự lệch lạc về đạo đức của một số bác sĩ chính là sản phẩm của một xã hội suy đồi về đạo đức, chai sạn với sáng tạo, vô cảm với bất công, đầy rẫy lừa dối và cướp, giết, hiếp…

Ngoài ra, y học là một môn khoa học dựa trên chứng cứ, nên khi nói về y học, trưởng khoa hãy dựa trên những chứng cứ chính xác, nhất là khi muốn dạy cho những người trong ngành y tế về cách tuyển sinh y khoa ở Mỹ”.

“Chúng ta đang nhầm lẫn về môn văn”

(VNN) – Từ kinh nghiệm thực tế, bác sĩ Lê Ngọc Khả Nhi phân tích tại sao không nên dùng môn văn để xét tuyển sinh viên y khoa và khuyến cáo: Điều đó không những không cần thiết lại còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân sau này.


Giây phút tranh thủ nghỉ ngơi của thí sinh thi vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014. Ảnh: Văn Chung

Lập luận thứ nhất: Không có liên hệ nào giữa điểm số môn văn và tính cách, năng lực khoa học của một con người.

Điều này có thể chứng minh dễ dàng bằng phản chứng cũng như bằng lịch sử ngành y khoa tại Việt Nam. Nhiều thế hệ thầy thuốc giỏi trong quá khứ không hề được tuyển chọn vào trường thuốc vì họ văn hay chữ tốt.

Cùng khóa với tôi ở trường Y, có một anh bạn tính tình hiền lành, siêng năng. Lẽ ra anh ta đã được tuyển thẳng vào trường Y với thành tích học sinh giỏi quốc gia môn hóa học, nhưng cuối cùng anh vẫn phải đi thi vì điểm liệt môn văn thi tốt nghiệp. Anh trúng tuyển, học lâm sàng rất giỏi và sau này trở thành một bác sĩ nhi khoa tài năng và được nhiều bạn bè đồng nghiệp yêu mến.

Câu hỏi đặt ra ở đây: Chúng ta dạy điều gì và đang muốn kiểm tra điều gì ở học sinh trong kì thi Ngữ văn? Tại sao một người lương thiện, siêng năng và thông minh lại xem môn ngữ văn là cực hình và chối bỏ nó ?

Những người từng học y đều hiểu rõ là y học dựa trên tư duy khoa học tự nhiên, quy nạp, biện chứng chứ không phải diễn dịch như các môn khoa học xã hội. Những môn khoa học cần thiết cho ngành y là sinh học, hóa học, vật lý và toán. Ở đây, chúng ta đang có nhầm lẫn giữa Ngữ văn như một môn học, và năng lực ngôn ngữ là một kỹ năng ai cũng phải cần phải có để sống trong xã hội văn minh hiện đại.

Lập luận thứ hai: Có sự khác nhau rất lớn giữa lời nói, bài luận văn và việc làm trên thưc tế.

Những học sinh đạt điểm cao môn ngữ văn trong các kì thi có thể phân ra làm 2 loại, một là những người thưc sự có năng lực cảm thụ văn học và có khả năng diễn đạt tốt, loại còn lại là những người tâm hồn trống rỗng nhưng lại có khả năng đối phó rất khéo léo tài tình.

Ở đây chỉ bàn về loại thứ hai để chứng minh rằng xét tuyển bằng điểm số môn văn không những không cần thiết mà còn có hại.

Khi còn làm trợ lý cho một giáo sư tại Pháp, năm nào tôi cũng đọc được những lá thư của sinh viên y khoa gửi từ VN để xin học bổng, tìm chỗ làm nghiên cứu sinh. Tất cả những lá thư này đều được viết khéo, có nội dung gần giống nhau, trong đó nguyện vọng và mục đích du học của các bạn trẻ này luôn là “muốn phát triển nền y học và giúp đỡ cho bệnh nhân tại quê nhà”.

Thực tế diễn ra là hoàn toàn trái ngược với điều đó. Trong 9 du học sinh, chỉ có 3 người trở về nước (và 2 trong số này phải làm nghề trái với chuyên khoa mà họ đã học), những người khác không quay về, 1 bạn nữ kết hôn với người nước ngoài, 3 người đi làm và nhập quốc tịch định cư ở Pháp, 2 người đi định cư ở Canada, Mỹ. Sau này khi liên lạc với các ứng viên làm nghiên cứu sinh, tôi hay hỏi thẳng họ: Mục đích thật sự của em là gì?

Hồi năm thứ nhất tại trường y khoa, tân sinh viên lớp tôi cũng được thầy chủ nhiệm yêu cầu viết một bài văn ngắn giải thích động lực chọn ngành y khoa, cũng như mơ ước tương lai khi trở thành bác sĩ.

Nếu tôi nhớ không lầm, 100% bạn quê ở vùng sâu vùng xa đã viết họ đều muốn trở về công tác tại quê nhà. Nhưng 6 năm sau, đa số những người này đều ở lại thành phố làm việc, lập gia đình.

Câu hỏi đặt ra ở đây: Chúng ta có đủ khả năng chọn lọc được giả và thật khi xét tuyển bằng môn văn hay không?

Cách dạy trong nhà trường đã vô tình tạo ra kiểu học, kiểu làm bài để đối phó, với mục đích duy nhất là kiếm điểm cao và làm hài lòng thỏa mãn thầy cô và người lớn. Thói quen này sẽ được học sinh áp dụng cho tất cả mọi việc khác khi trưởng thành, mỗi lời nói ra, mỗi chữ viết xuống đều có sự tính toán, nhào nặn cho tròn trịa, khuôn phép, trong khi hành vi thực tế hoàn toàn khác (có thể do hoàn cảnh hay họ chủ động làm ngược với tất cả những gì họ nói và viết).

Đề thi mở, đáp án mở không thể cải thiện vấn đề này. Với kinh nghiệm của một người từng trải qua thời học sinh, tôi cho rằng đề thi nghị luận xã hội, đề thi mở còn nguy hại hơn gấp nhiều lần những bài văn mẫu trước kia. Vì một đứa trẻ học thuộc trả bài thì vẫn còn cơ hội để sống tử tế, ngay cả khi nó quên những gì đã học thuộc, nhưng một đứa trẻ học được cách nói dối một cách sáng tạo để làm hài lòng người lớn sẽ nói dối suốt cuộc đời, trong mọi việc. Không có gì nguy hiểm hơn một bác sĩ có y đức tồi còn mang mặt nạ nhân nghĩa, đạo đức.

Với hai lập luận nêu trên, tôi mong rằng người có trách nhiệm sẽ có lựa chọn sáng suốt khi dừng chủ trương dùng môn văn để xét tuyển vào trường Y, Dược. Điều đó không những không cần thiết lại còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân sau này.


Bảng khám mắt

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.