2 con cá, 2 phút, 24.000 tiến sĩ và 21 ngày

Posted: April 27, 2016 in Uncategorized
Tags:

Quang Huy (Ba Sàm) Theo Người Lao Động – Chiều 26-4, trong Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức họp báo chủ yếu để xin lỗi về phát ngôn gây sốc trước đó thì kênh truyền hình VTC lại rẽ theo hướng khác, khá bất ngờ.

� Xem thêm: Không chỉ cá, giờ bắt đầu đến lượt con người!!! + ‘Nhà của họ, mình muốn vào thì phải thông báo chứ’ + Formosa xin lỗi về phát ngôn gây sốc vụ cá chết hàng loạt + Bản Tuyên Bố về Tội Ác Đầu Độc Biển Miền Trung Việt Nam.

.
Trước sự chứng kiến của đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và nhiều người dân, phóng viên VTC đổ nước vàng đục lấy từ vùng biển Vũng Áng – nơi Formosa xả thải khỏi nhà máy luyện thép, bị nghi là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt gần 1 tháng qua – ra thau nhựa rồi cho 2 con cá đang sống khỏe vào. Sau 2 phút tung tăng, 2 con cá đuối dần rồi chết ngay đơ.

Không cần nói nhiều, bấy nhiêu đã đủ khẳng định nước biển chỗ Formosa cực độc!

Trở lại với cuộc họp báo của Formosa, trả lời phóng viên về việc nhập gần 300 tấn hóa chất về súc rửa đường ống, lãnh đạo công ty này nói Formosa có nhập “một ít axít” về rửa đường ống nhà máy nhưng không phải là dùng cho đường ống xả thải (!?). Vậy khi “rửa đường ống nhà máy” xong, nước thải ấy không xả ra biển thì xả đi đâu?

Tất nhiên, thực nghiệm nói trên của VTC chưa có cơ sở khoa học đầy đủ để “buộc tội” nhưng lý do vì sao nước biển ở Vũng Áng chỗ nhà máy luyện thép độc hại đến như vậy, Formosa không thể né tránh trả lời.

Để tìm ra sự thật, sự vào cuộc quyết liệt và trung thực, khách quan của các cơ quan hữu trách Việt Nam là rất cần thiết vào lúc này.

Sự vào cuộc ấy phải xuất phát từ tinh thần dân tộc và lòng tự trọng. Sở dĩ nói như vậy là bởi hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung đã diễn ra 3 tuần rồi nhưng các cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở công việc lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm, thậm chí chờ mời chuyên gia nước ngoài. Giá như các nhà chức trách, nhà khoa học khoanh vùng nghi vấn là Formosa và xét nghiệm mẫu nước ngay nơi ấy thì câu trả lời có cơ may đã sáng tỏ sớm rồi, đâu phải chờ mấy tuần.

Những người làm báo đã làm thay công việc của các nhà chuyên môn, dù chưa thật tròn vai nhưng đã nói lên được trách nhiệm cao độ của họ với cộng đồng, thể hiện nỗi bức xúc trước sự bê trễ, quan liêu của những người có trách nhiệm.

Và bức xúc không kém nữa là trong lúc nghi vấn cá chết do độc tố được đặt lên hàng đầu thì một phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố rất thiếu trách nhiệm: “Người dân cứ yên tâm ăn cá và tắm biển Vũng Áng”. Xin mời, ông dám ăn cá và tắm biển Vũng Áng trước thì dân mới tin!

Formosa chiều 26-4 khẳng định không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào về nguyên nhân cá chết cho đến khi có kết luận từ phía Việt Nam. Chẳng biết bao giờ đội ngũ khoa học Việt Nam với 24.000 tiến sĩ và hàng ngàn giáo sư đang có mới đưa ra kết luận trong khi người dân thì hết sức nóng lòng vì sinh kế bị đe dọa từng ngày, từng giờ.

Khoa học là để phục vụ cuộc sống. Khi cuộc sống rất cần mà khoa học không cất tiếng thì là ngụy khoa học, là khoa học hữu danh vô thực. Câu chuyện con cá ở miền Trung, vì thế, đã kể rất nhiều câu chuyện buồn về cái tâm và cái tầm của nhà quản lý ở nước ta.

Không chỉ cá, giờ bắt đầu đến lượt con người!!!

FB Lang Anh (Ba Sàm) – Ngày 25/04/2016, một thợ lặn cho dự án Formosa tử vong không rõ nguyên nhân. Nếu chỉ là một cái chết đơn lẻ thì cũng khó có thể nói lên điều gì. Tuy nhiên chỉ sau đó một ngày, thêm 5 thợ lặn khác nhập viện cùng lúc thì không thể là tình cờ nữa. Thợ lặn vốn là những người rất khỏe và có sức chịu đựng rất tốt vì phải thường xuyên làm việc trong môi trường kháng áp. Rốt cục, chuyện gì đang diễn ra, thứ độc tố gì mà kinh khủng đến thế???

Trong lúc chính quyền còn đang bó gối với kết quả điều tra, thì đài truyền hình VTC đã làm một thí nghiệm nhỏ trong ngày hôm nay: Thả cá vào chậu nước lấy từ Vũng Áng, kết quả thật kinh hoàng, hai con cá đang bơi chết ngay chỉ trong vòng hai phút: https://www.facebook.com/Bantintoi/videos/558674917644108.

Có lẽ mức độ nguy hiểm của thứ độc chất đang hủy diệt môi trường biển miền Trung đang vượt xa những hình dung ban đầu. Cần có những kết luận chính thức và những cảnh báo khẩn cấp với người dân để tránh thảm họa diễn ra trên diện rộng cho con người. Sự chậm chễ đến khó hiểu của chính quyền và những kẻ vô lương đang thu gom cá chết nhằm chế biến thương mại kiếm tiền đang đe dọa mạng sống của hàng loạt người dân. Sẽ là một bi kịch khủng khiếp nếu câu chuyện cứ mập mờ như một trò đùa với sinh mệnh con người như thế này.

[:-/] Thợ lặn tử vong sau khi lặn xây dựng đê chắn sóng ở Formosa (NLĐO) – Sau khi lặn dưới biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương thuộc Khu công nghiệp Formosa – Vũng Áng (Hà Tĩnh), một thợ lặn đã tử vong ít giờ sau đó. Dư luận đang hoài nghi cái chết của thợ lặn này liên quan đến nguồn nước nhiễm độc từ biển.

Tối 25-4, sau khi công an Quảng Bình khám nghiệm tử thi, thi thể thợ lặn Lê Văn Ngầy (SN 1970, quê ở tỉnh Khánh Hòa) đã được đưa về quê nhà để tổ chức an táng theo phong tục địa phương.

Trước khi chưa lâm nạn, anh Ngầy là công nhân của Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (gọi tắt là Công ty Nibelc), một nhà thầu của Dự án Formosa (có trụ sở ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).


Cá voi vừa chết bất thường trôi vào biển Thừa Thiên- Huế

Thông tin ban đầu cho hay khoảng 17 giờ ngày 24/04/2016, anh Ngầy được công ty phân công, lặn dưới biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương (thuộc Khu công nghiệp Formosa – Vũng Áng) đóng tại địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi làm một hồi lặn, trở lên mặt nước, anh Ngầy thấy trong người khó thở, mệt mỏi nên được một số công nhân của Công ty Nibelc đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Sau khi khám xong, anh Ngầy được đưa về ký túc xá của Công ty ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) để nghỉ ngơi chờ sáng hôm sau đi khám lại. Tuy nhiên, đến gần 18 giờ cùng ngày, anh Ngầy đột nhiên tử vong trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Anh T (em trai nạn nhân) thông tin với báo chí rằng, gia đình anh không muốn khám nghiệm tử thi và muốn đưa thi thể anh về quê nhà ngay trong đêm. Tuy nhiên, cơ quan công an không đồng ý và yêu cầu phải khám nghiệm tử thi để điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Ngầy.

[:-/] Thêm 5 thợ lặn ở vùng biển Formosa vào viện (NLĐO) – Trong khi đang chờ kết quả giám định pháp y để tìm nguyên nhân cái chết bất thường của một thợ lặn sau khi lặn xuống biển để xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương (Vũng Áng, Hà Tĩnh), thì có thêm 5 thợ lặn khác cũng phải vào viện để kiểm tra sức khỏe, vì có dấu hiệu tương tự.


Cá voi vừa chết ở biển miền Trung, nghi do nhiễm độc

Chiều 26-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết phải chờ kết quả từ Trung tâm giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Quảng Bình kết luận mới biết chính xác độc tố khiến anh Lê Văn Ngày (SN 1970, quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là công nhân của Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế – (gọi tắt là Công ty Nibelc), một nhà thầu của Dự án Formosa (có trụ sở ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) tử vong sau khi lặn xuống biển. Theo Đại tá Sơn, ngoài anh Ngày thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Trạch cũng đã tiếp nhận được thông tin có thêm 5 trường hợp khác là thợ lặn của Công ty Nibelc cũng có dấu hiệu tương tự. “Hiện 5 thợ lặn này đang được lãnh đạo Công ty Nibelc đưa đi khám sức khỏe ở Bệnh viện Trung ương Huế. Nghe bảo phải đợi 2 ngày nữa mới có kết quả thông báo. Khi có kết quả chúng tôi mới phối hợp với các ban ngành liên quan điều tra vụ việc”, Đại tá Sơn, cho hay.

[:-/] Formosa xin lỗi về phát ngôn gây sốc vụ cá chết hàng loạt Theo VnExpress – Diễn ra chỉ 30 phút chiều 26/4, cuộc họp báo của Formosa Hà Tĩnh không làm giải tỏa mối nghi ngờ về hệ thống xả thải của công ty là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Thông điệp đưa ra chỉ là lời xin lỗi của phó phòng đối ngoại Chu Xuân Phàm.


Lãnh đạo công ty Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam
sau phát ngôn chỉ được chọn cá hoặc nhà máy. Ảnh: Đức Hùng.

Trước đó ngày 25/4, trả lời VTC, ông Chu Xuân Phàm đã nói: “Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, hãy chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được”.


Ngày 26/4, cá chết tiếp tục dạt bờ biển Hà Tĩnh, tuy nhiên số lượng ít. Ảnh: Đ.H.

Phó tổng giám đốc Trương Phục Ninh khẳng định để vận hành nhà máy gang thép, Formosa nhập khẩu các máy móc, thiết bị từ châu Âu, đều thuộc diện hiện đại, tiên tiến nhất thế giới. Formosa đã đầu tư hệ thống 45 triệu USD cho hệ thống xả thải, cũng thuộc diện “tiên tiến”. “Vấn đề cá chết hàng loạt với nước thải có liên quan hay không phải đợi các cơ quan của Việt Nam kết luận”, ông Ninh nói.

Liên quan đến hệ thống xả thải, Giám đốc Formosa Khâu Nhân Kiệt cho biết thêm, mọi yếu tố xả thải ra môi trường đều được kiểm tra kỹ. Vừa rồi hệ thống xả thải của Formosa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là đạt tiêu chuẩn.

Về việc nhập gần 300 tấn hóa chất về súc rửa đường ống, Giám đốc Kiệt cho biết, Formosa có nhập một ít axit về rửa đường ống nhà máy, nhưng không phải là dùng cho đường ống xả thải. Ông Kiệt đề nghị các phóng viên gửi câu hỏi, công ty sẽ có văn bản trả lời. Giờ công ty đang có cuộc họp với UBND tỉnh, nên đề nghị dừng họp báo.

Cuối cùng, ông Chu Xuân Phàm đã đứng lên cúi đầu xin lỗi, thừa nhận phát ngôn sai trái của mình. Cuộc họp báo kết thúc chóng vánh trong sự ngỡ ngàng của vài chục phóng viên tham dự. Phía công ty không lý giải về quy mô, sự vận hành của hệ thống xả thải cũng như việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi đổ ra biển. Những nghi vấn về hệ thống xả thải của Formosa là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung vì thế vẫn chưa được giải tỏa.

Từ đầu tháng tư, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu chết, nổi trắng bè. Hiện tượng bất thường này sau đó lan ra cá, tôm nuôi bằng nguồn nước biển, cá tự nhiên suốt dọc trên 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).

Tại nhiều xã ven biển, chỉ trong một ngày, người dân vớt được cả tấn cá chết trôi dạt bờ, giắt lên các mỏm đá bốc mùi hôi thối. Con nhỏ từ vài lạng tới 35-50 kg. Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.


Cá chết lan rộng ở miền Trung

Từ ngày 20/4 đến nay, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân.

Ngày 25/4, các nguyên nhân cá chết do bệnh dịch, do động đất, tràn dầu đều bị loại trừ. Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.

Tất cả nghi vấn hiện đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển. Đường ống này rộng 1m, dài 1,5 km, nằm ở độ sâu cách mặt nước 17 m và cách bờ khoảng 1,5 km. Vài ngày trước khi xảy ra cá chết hàng loạt, công ty đã tiến hành súc rửa đường ống. Khoảng 300 tấn hóa chất nhập về để làm việc này được đánh giá là cực độc.

[:-/] ‘Nhà của họ, mình muốn vào thì phải thông báo chứ’ (Tâm Đắc PL) – Theo thông tin chúng tôi thu thập được, trong ba tháng đầu năm 2016, Công ty Formosa đã xả hơn 930.000 m3 nước thải ra biển.

Thế nhưng hệ thống quan trắc của Formosa chưa được đấu nối với hệ thống quan trắc do Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Do vậy, lượng nước thải khổng lồ này gây ô nhiễm môi trường tới mức nào thì chỉ có mỗi Formosa biết!


Ngày 26-4, các tiểu thương ở chợ Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) tiếp tục phản ánh rất ít người
mua tôm, cá mực về ăn. Một số tiểu thương đã phải nghỉ bán. Ảnh: ĐẮC LAM

Tại sao lại có chuyện như vậy? Sáng 25-4, Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi với ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh. Ông Đinh trả lời: “Muốn kết nối mạng phải có tiền. Mình muốn quản lý thì phải chủ động đấu nối với doanh nghiệp thôi. Cái này Chính phủ cho phép rồi, chúng tôi sẽ làm dự án để triển khai. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ lập một trạm quan trắc độc lập ở sát điểm xả thải trên biển của Formosa. Ngoài việc quan sát việc xả thải hằng ngày, trạm sẽ giúp chúng tôi kiểm tra xem các thông số báo cáo của Formosa có đúng hay không”.

Vậy trước nay Sở có kiểm tra định kỳ việc xả thải của Formosa và mẫu nước thải do họ mang đến hay
Sở tự lấy?

+ Hiện chúng tôi chỉ kiểm tra định kỳ và nắm thông tin theo báo cáo của Formosa. Họ báo cáo thế nào mình chỉ biết thế (!?). Sắp tới Sở sẽ xin tỉnh kinh phí để kết nối với tất cả công ty có xả thải để giám sát, kiểm tra hằng ngày. Chúng tôi sẽ lấy mẫu độc lập, lấy mẫu bất kỳ để đối chiếu. Tôi sẽ cho lập dự án để xin kinh phí (khoảng 5-6 tỉ đồng)”.

Thế lâu nay mẫu nước thải do Formosa đưa đến có gì bất thường không? Liệu họ pha loãng mẫu rồi mang đến thì sao?

+ Hệ thống đường ống xả thải của họ có nằm trong kế hoạch, đã được Bộ cấp phép rồi. (Dù câu hỏi này được chúng tôi nhắc lại nhiều lần nhưng ông Đinh chỉ trả lời chung chung – PV).

Được biết lâu nay để vào kiểm tra Formosa, tỉnh phải báo trước kế hoạch. Như vậy sao đảm bảo kết quả khách quan?

+ Nhà của họ, mình muốn vào phải thông báo chứ. Mặc dù là cơ quan quản lý nhà nước nhưng muốn kiểm tra thì cũng phải thông báo. Chừng nào có được hệ thống quan trắc độc lập, kết nối với trạm quan trắc của họ thì chúng tôi mới không cần vào tận nơi kiểm tra.

Với việc kiểm soát chất thải lỏng lẻo như vậy, theo ông có xác định được nguyên nhân gây cá chết hàng loạt thời gian qua không?

+ Đương nhiên phải xác định được, nếu không xác định được thì cả Bộ TN&MT, cả các nhà khoa học Việt Nam để làm gì. Hiện các chuyên viên của Bộ Công an đang làm việc với Sở về việc cá biển chết. Bộ TN&MT là đơn vị công bố nguyên nhân sau khi đã báo cáo Thủ tướng và họp với bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

BẢN TUYÊN BỐ VỀ TỘI ÁC ĐẦU ĐỘC BIỂN MIỀN TRUNG VIỆT NAM

(Ba Sàm) – Vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc nặng nề, mà chứng cứ là hàng chục tấn cá biển lớn nhỏ chết giạt vào bờ từ đầu tháng 4/2016 vẫn tiếp tục đến hôm nay, lan từ Hà Tĩnh, vào Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên – Huế,… đã gây ra sự phẫn nộ chưa từng có trong toàn thể nhân dân Việt Nam.

Đại hoạ thảm khốc trên không chỉ hủy hoại ngư trường của hàng vạn người dân ven biển miền Trung, hủy hoại môi sinh ven bờ, gây ra tình trạng lan tràn thực phẩm độc hại cho các vùng khác, mà còn gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với các ngành kinh tế khác của Việt Nam như dịch vụ nghề cá, sản xuất muối, nuôi trồng thủy hải sản ven sông biển, du lịch, các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển…

Tình trạng ô nhiễm biển nặng nề như trên không chỉ gây hậu quả xấu đối với kinh tế biển Việt Nam mà chắc chắn sẽ lan sang một số nước khác trong khu vực.

Đây là một tội ác hủy hoại môi trường sinh thái và diệt chủng tiềm tàng. Trước mắt là cá và các loài thủy hải sản chết hàng loạt, và đã có người chết; sau đó sẽ gây ra bệnh tật nguy hiểm cho con người và các vật nuôi như đã từng xảy ra ở một số nơi trên thế giới trước đây cùng nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được.

Cho đến hôm nay, mặc dù được một số thế lực bao che và tìm cách hoãn binh để phi tang, nhiều bằng chứng đã chỉ ra nghi phạm số một của vụ đầu độc biển Vũng Áng: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã xả số lượng lớn chất cực độc ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải.

Vụ Formosa càng bộc lộ rõ hơn sự vô trách nhiệm, vô cảm và bất chấp lợi ích quốc gia, cuộc sống của người dân, cũng như bất lực của cả một hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trước một đại nạn quy mô lớn của quốc gia, khi vụ việc được người dân phát hiện gần một tháng mới có sự khởi động điều tra. Sự chậm trễ ấy rất nhiều khả năng đã tạo điều kiện cho nghi can có thì giờ xoá tang tích để thoát tội.

Người dân càng phẫn nộ trước phát ngôn hàm ý bao che cho nghi phạm, đánh lừa, xoa dịu dư luận của một số quan chức cấp bộ và tỉnh, trước hành vi hết sức khó hiểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản – tổ chức tự cho mình độc quyền lãnh đạo toàn diện quốc gia – đã đến thăm nghi can số một, thay vì thăm hỏi người dân bị nạn, đúng vào thời điểm mọi mũi dùi công luận chĩa hết vào nghi can ấy.

Không thể không nhắc đến những ưu đãi khác thường mà lãnh đạo Hà Tĩnh và trung ương đã dễ dãi cấp cho Formosa Hà Tĩnh, từ thời hạn sử dụng dài hết mức (70 năm) đối với một diện tích đất đai rộng lớn tại một vị trí xung yếu về quốc phòng, đến những lỏng lẻo trong quản lý, như về lao động (với số lượng lớn lao động đơn giản China Đại lục không có giấy phép lao động), về thuế, về kiểm soát nước thải (hoàn toàn lệ thuộc công ty). Những người có quyền quản trị quốc gia đã cho phép Formosa Hà Tĩnh được hoạt động như một đặc khu, các cơ quan chức năng của Việt Nam không dễ gì được vào để kiểm tra kiểm soát về an toàn môi trường cũng như mọi hoạt động của nó, như thực tế đã cho thấy trong vụ cá chết vừa qua.

Trước đại nạn biển miền Trung nhiễm độc và những hệ lụy của nó, chúng tôi, những người tha thiết với vận mệnh đất nước, yêu cầu nhà cầm quyền:

1/ Thi hành mọi biện pháp hỗ trợ người dân ven biển miền Trung nạn nhân vụ biển bị nhiễm độc khôi phục sự sống cả trước mắt và lâu dài. Tạm đình chỉ ngay việc sử dụng đường ống xả thải này trước khi các cơ quan chức năng bảo đảm được công tác kiểm tra an toàn nước thải do nó xả ra biển.

2/ Sử dụng mọi quyền lực nhà nước và biện pháp cần thiết, huy động mọi lực lượng xã hội như giới khoa học kỹ thuật, luật gia, nhà báo độc lập, nếu cần thì mời cả chuyên gia quốc tế, để nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; trừng trị nghiêm khắc, đích đáng, bắt chúng bồi thường mọi thiệt hại về người và của cho người dân bị liên lụy, cho những tác hại môi sinh của nước nhà.

3/ Gấp rút điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao Formosa, một công ty sản xuất thép với công nghệ lạc hậu và những thành tích bất hảo phá hoại môi sinh ở nhiều nước, như gần đây đã bộc lộ, lại được hưởng những ưu đãi chưa từng có, vi phạm chủ quyền quốc gia như thế?

4/ Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua, làm công luận phẫn uất. Hậu quả của biện pháp đối phó này sẽ là cá, người và biển chết từ từ.

5/ Sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được.

6/ Kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung.

Đây là giọt nước tràn ly sau quá nhiều tai hoạ do các dự án từ khai khoáng (như bauxite Tây Nguyên) đến thủy điện, nhiệt điện, chế biến… tràn lan khắp đất nước bất chấp những cảnh báo tâm huyết của trí thức và nhân dân. Đã đến lúc nhà cầm quyền phải nghiêm túc rà soát, điều chỉnh, nếu cần thì hủy bỏ các dự án bất lợi cho sự phát triển bền vững, cho an ninh quốc phòng, nhất là các dự án của China, không để tiếp tục xảy ra những tai hoạ về môi sinh cũng như về các mặt khác.

Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hi sinh môi sinh của đất nước, hi sinh quyền lợi của dân nghèo, hi sinh chủ quyền quốc gia;

Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng;

Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở Biển Đông!

DANH SÁCH KÝ TÊN VÀO TUYÊN BỐ VỀ TỘI ÁC ĐẦU ĐỘC BIỂN MIỀN TRUNG VIỆT NAM (Xem theo link)

► Mời xem thêm:

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.