HRW bác phản đối của VN về phúc trình công an bạo hành

Posted: September 19, 2014 in Uncategorized
Tags: ,

Trà Mi (VOA) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch bác phản đối của Hà Nội về bản báo cáo nạn bạo hành trong ngành công an Việt Nam do tổ chức này công bố hôm 16/9. Đây là phúc trình đầu tiên của Human Rights Watch phản ánh tệ trạng dùng bạo lực, tra tấn, nhục hình của công an Việt Nam.

Xem thêm: Trích ABS điểm tin + Vì sao Đảng cần thanh kiếm và lá chắn của công an? + Công bất an, chết bất thường


Phúc trình của Human Rights Watch phơi bày hàng loạt
các vi phạm của công an Việt Nam mà Hà Nội muốn che đậy.

Báo cáo nhan đề ‘Công (bất) an: Những cái chết trong trại giam và sự bạo hành của công an Việt Nam’ dẫn ra hàng loạt các trường hợp bị chết oan dưới tay công an.

Phúc trình báo động nạn công an bạo hành ngày càng gia tăng ở Việt Nam một phần vì đây là ‘công cụ chính trị để bảo vệ chế độ,’ nền pháp lý lỏng lẻo yếu kém, và không xử phạt nghiêm minh các vi phạm.

Việt Nam ngay lập tức lên tiếng phản bác báo cáo này, gọi đó là ‘những luận điệu sai trái của Tổ chức Human Rights Watch.’

Trang web Bộ Ngoại giao hôm qua đăng phát biểu của phó phát ngôn nhân Trần Thị Bích Vân khẳng định cam kết của nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn, nhục hình, và đối xử tàn bạo trong điều tra-xét xử được thể hiện rõ qua việc ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Chống Tra tấn từ tháng 11 năm ngoái.

Bà Vân nhấn mạnh một khi có hành vi tra tấn hay nhục hình thì sẽ bị ‘xử lý nghiêm’ theo pháp luật Việt Nam.

Thực tế rằng tệ trạng bạo hành trong ngành công an quá hệ thống và lan tràn cho thấy chính phủ Việt Nam đã làm rất ít để giải quyết vấn nạn này.
Ông Phil Robertson, H R W.

Đáp phản hồi của Hà Nội, Human Rights Watch nói chính luật lệ của Việt Nam đã tiếp tay gây ra tệ trạng công an bạo hành.

Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch, ông Phil Robertson, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Yếu tố chính trong phản hồi của họ là ‘theo pháp luật Việt Nam’, mà vấn đề nằm ở chỗ khi nói lĩnh vực nhân quyền, luật Việt Nam hoàn toàn kém cõi. Báo cáo dựa trên các thông tin do chính truyền thông của nhà nước kiểm soát loan tải. Đây không phải là điều mà Hà Nội có thể chối cãi. Thực tế rằng tệ trạng bạo hành trong ngành công an quá hệ thống và lan tràn cho thấy chính phủ Việt Nam đã làm rất ít để giải quyết vấn nạn này. Những gì chúng tôi ghi nhận được qua phúc trình chứng tỏ cam kết mà họ nói tới hoặc là quá yếu ớt hoặc là không có.”

Luật sư Võ An Đôn thuộc Luật sư Đoàn Phú Yên cho biết báo cáo của HRW thu thập và dẫn chứng những thông tin xác đáng về những gì thật sự đang diễn ra trong ngành công an và pháp lý ở Việt Nam.

Luật sư Võ An Đôn thuộc Luật sư Đoàn Phú Yên là người tình nguyện bảo vệ miễn phí cho gia đình ông Ngô Thanh Kiều, nạn nhân bị 5 sĩ quan công an thành phố Tuy Hòa đánh chết hồi tháng 5/2012, trong một trong những vụ án gây chấn động công luận về nạn công an bạo hành.

Luật sư Đôn nhận xét báo cáo của Human Rights Watch thu thập và dẫn chứng những thông tin xác đáng về những gì thật sự đang diễn ra trong ngành công an và pháp lý ở Việt Nam. Luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên cho biết:

“Bản thân tôi thấy nhận định của Human Rights Watch là rất chính xác. Trên thực tế, việc dùng bức cung-nhục hình rất tràn lan, nhiều nhất là ở các cấp công an xã và công an huyện. Nạn nhân bị chết trong trại tạm giam, tạm giữ rất nhiều, đa số người ta nói là do ‘tự tử’. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp bức cung-nhục hình theo pháp luật, theo cảm nhận của tôi và theo thực tế thì điều đó chưa đúng. Riêng vụ án 5 công an ở Phú Yên mà tôi tham gia với tư cách luật sư bảo vệ bên bị hại, tôi thấy vụ này xử không đúng pháp luật. Thứ nhất, tội danh không đúng, thay vì họ phải bị xử tội ‘giết người’ thì lại bị xử về tội ‘dùng nhục hình’ là không đúng. Thứ hai, bỏ lọt nhiều người phạm tội và bỏ lọt nhiều yếu tố tội phạm.”

      Trên thực tế, việc dùng bức cung-nhục hình rất tràn lan, nhiều nhất là ở các cấp công an xã và công an huyện. Nạn nhân bị chết trong trại tạm giam, tạm giữ rất nhiều, đa số người ta nói là do ‘tự tử’…
Luật sư Võ An Đôn

Năm sĩ quan công an ở Tuy Hòa ngày 3/4 bị tuyên các mức án từ 1 năm tù treo đến 5 năm tù giam ở về tội danh ‘dùng nhục hình’ dẫn tới cái chết thương tâm của ông Ngô Thanh Kiều đã khiến công luận phẫn nộ về tính nghiêm minh của luật pháp đến nỗi chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải lên tiếng chỉ đạo xử nghiêm vụ này.

Luật sư Võ An Đôn nói nạn lạm dụng bạo lực trong ngành công an tràn lan là vì các hình thức xử phạt còn quá nhẹ tay và bao che tội ác:

“Tôi bào chữa cho nhiều bị can-bị cáo, đa số họ nói bị dùng bức cung-nhục hình, nhưng khi phát hiện được thì xử lý rất là nhẹ. Đa số là ‘xử lý nội bộ.’ Khi vụ việc lộ liễu quá mới khởi tố hình sự, nhưng việc khởi tố chỉ cho có lệ, xử rất nhẹ, đa phần hưởng án treo. Theo luật hình sự Việt Nam, tội ‘dùng nhục hình’ gây hậu quả nghiêm trọng, khung hình phạt từ 5 đến 12 năm tù. Nhưng nếu bị cáo có nhân thân tốt, có khắc phục hậu quả cho người bị hại và thành khẩn khai báo thì thường được xử dưới 5 năm tù tới 5 năm tù giam thôi, không tới 12 năm.”

Phó Giám đốc phụ trách phu vực Châu Á của HRW Phil Robertson nói chính luật lệ của Việt Nam đã tiếp tay gây ra tệ trạng công an bạo hành.

Người đang bảo vệ pháp lý cho một trong những nạn nhân tử vong vì công an bạo hành đề nghị:

“Khung hình phạt tối đa 12 năm đối với tội nhục hình gây chết người là rất nhẹ so với tội giết người. Tội nhục hình gây chết người giống tương tự như tội giết người. Đáng lẽ phải truy tố tội giết người, nhưng nhà nước và những người làm luật có lẽ sợ làm ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ hay sao đó nên không dám đưa hình phạt nặng. Theo tôi, để hạn chế nạn dùng nhục hình thì tốt nhất các nhà làm luật và nhà nước nên xử lý tội dùng nhục hình mức hình phạt cao như tội giết người, nghĩa là từ chung thân tới tử hình. Có như vậy sẽ giảm được rất nhiều tình trạng dùng nhục hình.”

Trong báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có đưa ra nhiều khuyến nghị cải cách để giải quyết các vi phạm không bị xử lý trong ngành công an Việt Nam, trong đó có đề nghị thành lập các tổ chức độc lập chuyên thu thập dữ kiện và lập hồ sơ khiếu nại vi phạm của công an.

Tổ chức Human Rights Watch nói đã đến lúc chính phủ Việt Nam phải thay những lời nói trên lý thuyết bằng các hành động thực tế để chứng tỏ ý chí và nỗ lực không để xảy ra các trường hợp dân lành bị chết oan vì bàn tay công an.

Basam

Hà Nội: Bốn cựu công an đánh chết người bị tuyên “giết người” (TT).   – Các cựu công an xã đánh chết người lĩnh án hàng chục năm tù (VOV).  – Nguyên Phó trưởng công an xã Kim Nỗ đánh chết người lĩnh án 17 năm tù (PLVN).  – 4 công an đánh chết nghi phạm lĩnh tổng mức án 49 năm tù(HNM).

Có thể nói, đây là lần đầu tiên công an giết người nhận được bản án nhiều năm tù, nhưng cũng không thể gọi là “thích đáng” so với tội danh cố ý giết người của họ. Phải chăng vì muốn xoa dịu dư luận hiện đang quá nóng đối với các vụ án công an đánh chết người, cũng như để đối phó với các báo cáo của các tổ chức nhân quyền về việc lạm quyền của công an Việt Nam, nên tòa được chỉ đạo phải xử như vậy?

Nếu đúng như thế, có khả năng 4 cựu công an này sẽ được ra tù sớm. Có thể 4 người này chỉ ngồi tù vài năm rồi sẽ được giảm án do “cải tạo tốt”, “biết ăn năn hối cải”… và điều đó sẽ khuyến khích những viên công an khác tiếp tục giết người. Để chứng tỏ luật pháp ở xứ ta “nghiêm minh”, nên chăng TAND Hà Nội cần thêm vào bản án “không được giảm án”, “không được ân xá trước thời hạn”?

Không thấy phiên tòa đề cập đến vai trò của ông Nguyễn Đức Vọng, trưởng công an xã Kim Nổ. Có thể ông Vọng không trực tiếp tham gia đánh chết ông Thuận, nhưng nếu không được trưởng công an xã bật đèn xanh, 4 viên công an kia không dám đánh ông Thuận cho tới chết.

Bị cáo Huỳnh Văn Nén cởi áo tại phiên tòa sơ thẩm, tố cáo bị điều tra viên dùng nhục hình. Ảnh: báo DT

Hành trình kêu oan của ông Huỳnh Văn Nén (PLTP).  – Được kháng nghị hủy án sau 14 năm thụ án chung thân (DT). – Đề nghị hủy án chung thân sau khi đã ở tù 16 năm (NV). “Hệ thống tư pháp CSVN không trả tự do cho ông mà liên tục xử – kết án – hủy án – điều tra và xử – kết án trở lại. Các tình tiết trong vụ ông Huỳnh Văn Nén bị kết tội “giết người”, “cướp tài sản” còn ly kỳ hơn vụ ông Nguyễn Thanh Chấn – người mà năm 2003 bị cáo buộc giết một người hàng xóm“. Mời xem lại:  Vụ án Huỳnh Văn Nén có tình tiết mới như vụ Nguyễn Thanh Chấn (NLĐ).

Bộ Công an kiến nghị xử lý phóng viên vì “gài bẫy cảnh sát giao thông” (PT).  –Việt Nam vẫn là nước có luật pháp tiên tiến nhất thế giới! (FB Nguyễn Đình Bổn). “Tại một số bang cấm mại dâm ở nước Mỹ, nữ cảnh sát có thể đóng giả vai gái đứng đường gợi tình mấy tay hảo ngọt, và nếu họ mắc bẫy thì… bụp, còng tay! Tại Việt Nam phóng viên viết bài về mãi lộ của cảnh sát giao thông, nếu đóng vai lái xe hối lộ thì bị chính Bộ Công an đề nghị xử lý tay pv đó ‘theo pháp luật’, dù công an có vòi vĩnh và nhận hối lộ!

– Tầm sư học đạo (Nguyễn Hoa Lư). “Tôi thất kinh, bỏ chạy thục mạng. Gã tiều phu gọi với theo: ‘Sao bác không cầm câu hỏi đi theo. Bác nhớ câu hỏi chưa? Cháu nhắc lại để bác khỏi quên đó nhá. Kinh tế thị trường định hướng Xờ…Hờ… Chờ…Ngờ.., bác… nhớ… nh…á…’.”

– Nguyễn Thiện Nhân: Hãy từ bỏ chủ nghĩa xã hội – phần 1 (VNTB). “Bằng lương tâm và sự suy xét từ lý trí, tôi ý thức mình phải mở miệng kêu lên rằng: HÃY TỪ BỎ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI! Đó là một bước cần thiết để mở lối thoát cho dân tộc Việt Nam“.

– Hoàng Ngọc Tuấn: Tôi đã “tự giải trí” trong khi học “chính trị Mác-Lênin” như thế nào (Blog RFA). – Hungary hạ bệ tượng Các Mác(RFI). “Việc chính quyền của thủ tướng Orban ra lệnh hạ bệ tượng Các Mác gây xôn xao trong dư luận Hungary. Một số nhà trí thức tại Budapest cho rằng ông Viktor Orban muốn ‘xóa toàn bộ quá khứ cộng sản’ của Hungary để chứng tỏ rằng đất nước ông đang thực hiện một ‘cuộc cách mạng theo hướng dân chủ tự do’.”

Stalin muôn năm! (DLB). “Quý vị quan chức làm ơn ra lệnh cho tôi sống được bao lâu để tôi còn biết mà nói chứ? Nếu các ông quyết định tôi còn sống được mười năm nữa, tôi sẽ cho Stalin năm năm. Còn nếu các ông nói tôi sống chỉ thêm được hai năm thôi, tôi sẽ cho ông ta một năm!

–  Tại Hội đồng Nhân quyềnLHQ ở Genève, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tố cáo những cản trở của Nhà Cầm quyền Hà Nội trong cuộc viếng thăm của Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do tôn giáo (Quê Mẹ).

Trong một xã hội độc tài thích bí mật, chúng ta cần sự công khai (Dân News).

– Hà Huy Sơn: Mối liên hệ giữa sự thật, sự trung thực và đa nguyên (BVN).

Tự do báo chí là xu thế chung nhưng VN có đặc thù riêng (TN). “Trao đổi về quyền tự do báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ VN thực hiện quyền con người và quyền công dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tự do báo chí là quyền cơ bản của quyền công dân, tự do báo chí là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, tự do báo chí phải theo quy định của luật pháp để đảm bảo tự do của người này, tổ chức này không xâm phạm đến tự do và lợi ích của tổ chức và cá nhân khác“. – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp các nhà báo châu Á (CP).

Vì sao Đảng cần thanh kiếm và lá chắn của công an?

Chân Như (RFA) – Vừa qua trong cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm ngày truyền thống công an nhân dân, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải bảo đảm phá tan mọi âm mưu chống đối phá hoại đất nước. Ông nhấn mạnh không thể để tội phạm tràn lan, không thể để băng nhóm tội phạm xuất hiện và hoạt động ngang nhiên. Đây là đề tài cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với sự tham dự của Blogger Mẹ Nấm và Phạm Thanh Nghiên, những người dấn thân đấu tranh để cho nước VN thật sự có được tự do dân chủ.


.
Vừa qua trong cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm ngày truyền thống công an nhân dân, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải bảo đảm phá tan mọi âm mưu chống đối phá hoại đất nước. Ông nhấn mạnh không thể để tội phạm tràn lan, không thể để băng nhóm tội phạm xuất hiện và hoạt động ngang nhiên. Đây là đề tài cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với sự tham dự của Blogger Mẹ Nấm và Phạm Thanh Nghiên, những người dấn thân đấu tranh để cho nước VN thật sự có được tự do dân chủ.

@@images/6dd79f6a-5bcf-4d75-9c4f-eb705e003d79.jpegCông an trấn áp các ngả đường gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm 18/4/20214 nhắm ngăn chặn một cuộc biểu tình chống Trung Quốc. AFP photo

Bật đèn xanh cho công an?

Chân Như: Thật ra thì ai nghe qua lời phát biểu của ông Dũng cũng đều biết là ông đang nói đến các nhà dân chủ, những người có quan điểm ngược lại với chính quyền. Theo các bạn thì phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam đang bắt đầu lo sợ các hoạt động đấu tranh dân chủ của người dân?

Blogger Mẹ Nấm: Theo đánh giá cá nhân của tôi thì tôi không nghĩ rằng ông Dũng lo sợ các phong trào hoạt động dân chủ. Các phong trào hoạt động dân chủ đang rất phát triển và tuyên bố của ông Dũng sẽ là cái cớ rất tốt để bắt đầu một đợt trấn áp mới và đang dọn dư luận. Tôi không nghĩ rằng vì sợ mà nói như thế mà đây là động thái cho thấy sẽ có những đợt trấn áp mạnh mẽ đã được bật đèn xanh từ phía người đứng đầu chính phủ Việt Nam.

Phạm Thanh Nghiên: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của blogger Mẹ Nấm và cũng xin bày tỏ thêm một chút quan điểm cá nhân.  Hằng năm,thường cứ đến ngày kỷ niệm thành lập một lực lượng vũ trang nhân dân, ví dụ như công an hay quân đội thì các lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ có những bài phát biểu để biểu dương một trong những thành tích- thành tích trấn áp  những tiếng nói đối kháng đòi dân chủ trong nước.  Cá nhân tôi, tôi thấy không lạ bởi vì  những lời  phát biểu của ông Dũng và những người lãnh đạo cộng sản cấp cao khác, những năm trước họ cũng đã phát biểu tương tự như thế rồi.

   Tôi không nghĩ rằng vì sợ mà nói như thế mà đây là động thái cho thấy sẽ có những đợt trấn áp mạnh mẽ đã được bật đèn xanh từ phía người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
– Blogger Mẹ Nấm    

Chân Như có hỏi đây là sự bắt đầu tỏ ra sợ hãi hay lo lắng thì tôi nghĩ rằng là không phải bây giờ đâu mà từ lâu rồi, đặc biệt là trong một vài năm trở lại đây thì đây chính là sự sợ hãi không phải riêng của ông thủ tướng mà đây chính là sự lo lắng sợ hãi của cả thể chế độc tài, trước làn sóng đòi dân chủ. Đặc biệt, đó chính là yêu cầu cấp bách của xã hội Việt Nam bây giờ.

Blogger Mẹ Nấm: Lúc nãy tôi có nói rằng là sợ, ở đây đang nói về sự sợ hãi của đảng cộng sản. Tôi có thể bổ sung như thế này: nỗi sợ đó nó không phải mới được biểu hiện đây. Cái sợ đó được dùng bằng bạo lực để dẹp đi những tiếng nói bất đồng chính kiến cũng giống như là các xu hướng phản biện.  Ở thởi điểm này nếu nói phát biểu đó là bày tỏ sự sợ hãi thì tôi nghiêng về chuyện bật đèn xanh cho lực lượng công an trấn áp nhiều hơn.

Đọc kỹ tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng và trước đó ông Dũng có nói là ông muốn lắng nghe các tiếng nói phản biện. Sau đó khoảng 3-4 ngày, để chào mừng ngày 19 tháng 8, ngày thành lập lực lượng công an nhân dân thì lại phát biểu là không để các băng nhóm phản động thành lập.Như vậy là chính ông Dũng tự mâu thuẫn với bản thân mình bởi vì xu hướng phản biện luôn bị xem là xu hướng phản động ở Việt Nam trong mắt đảng cộng sản. Tự người cộng sản cho thấy họ sẽ không có bất kỳ một xu hướng nào mở ra cho dân chủ. Nếu như những người nào kỳ vọng vào cải cách ở ông Nguyễn Tấn Dũng thì tôi nghĩ rằng đã có câu trả lời chính xác từ phía ông Dũng rằng chúng tôi chưa sẵn sàng cho dân chủ qua hai tuyên bố trái ngược nhau vừa rồi.

Chế độ công an trị

000_APH2000042911362-400.jpg/imageCông an Việt Nam. AFP photo

Chân Như: Sau đây mời hai bạn cùng nghe lại lời phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải bảo đảm cho an ninh chính trị của đất nước.

Lực lượng công an trước hết phải bảo đảm cho được an ninh chính trị của đất nước. Cái này các đồng chí phải làm thật tốt, dứt khoát là không để có nhen nhóm, để hình thành những tổ chức chống đối phá hoại, sự bình yên của tổ quốc chúng ta, của nhân dân chúng ta, của đảng, chế độ chúng ta. Tập trung sức chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả là bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ngày một tốt hơn, vững chắc hơn; Bảo vệ bình yên của xã hội, bình yên của nhân dân

Qua phát biểu vừa rồi thì phải chăng ông Dũng đã mượn cái “mác” bảo vệ đất nước để trao thêm quyền hành cho ngành công an, tạo thêm cho họ phương tiện tiếp tục đàn áp, bắt bớ tùy tiện?

Phạm Thanh Nghiên: Tôi nghĩ rằng một phần sở dĩ họ vẫn thường nói rằng công an chính là công cụ để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng và nhà nước; Tức là bản thân họ cũng thừa nhận như thế chứ không phải là để bảo vệ đất nước hay người dân. Thế thì kể cả có hay không lời phát biểu của ông Dũng thì chúng ta, một lần nữa, cũng đã chứng minh và phải khẳng định là thể chế này là một chế độ công an trị. Ông Dũng hay là tất cả những lãnh đạo cộng sản khác của ông ta, cái thể chế này đều dựa vào lực lượng công an để bảo vệ chế độ. Và thêm động thái vừa rồi của ông Dũng thì một lần nữa khẳng định là công an sẽ ngày một có nhiều quyền hạn hơn. Đó là những quyền hạn vô lối và rất tùy tiện để có thể trấn áp bất cứ một người dân nào mà họ muốn, chứ không riêng những người bất đồng chính kiến và đặc biệt ưu tiên cho việc nhắm vào tiếng nói đòi tự do, dân chủ.

Và như chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua, rất nhiều người dân đã bị chết trong đồn công an. Lực lượng công an cũng hành xử, phải nói thẳng là hành xử rất là vô lối vô pháp luật; Đặc biệt là vô nhân đạo, côn đồ và coi thường sinh mạng của người dân. Lời phát biểu của ông Dũng vừa rồi một phần thể hiện bản chất côn đồ của chính quyền cộng sản cũng như là của công an nói riêng.

Blogger Mẹ Nấm: Thật ra chuyện yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải đảm bảo cho an ninh chính trị của đất nước nó đặt ra câu hỏi nghiêm túc đó là thế nào là an ninh chính trị của đất nước?  Nó là quy ước chung, đặt lợi ích dân tộc này lên trên hay là an ninh chính trị này là sự an ninh của hệ thống chính trị cụ thể là đảng cộng sản. Thực ra không cần phải giải thích nhiều hay nói nhiều thì người ta cũng đã thấy rằng lý do chung chung là an ninh chính trị đã được ông Dũng đưa ra như là một cái khiêng để bảo vệ cho đảng cộng sản bằng cách trao thêm quyền cho ngành công an. Đặc biệt, một cách trực tiếp ông Dũng đã tuyên bố rằng công an có thêm rất nhiều phương tiện cũng như thêm quyền lực để sẵn sàng bắt bất kỳ người bất đồng chính kiến nào qua tuyên bố vừa rồi.

   … kể cả có hay không lời phát biểu của ông Dũng thì chúng ta, một lần nữa, cũng đã chứng minh và phải khẳng định là thể chế này là một chế độ công an trị.
– Phạm Thanh Nghiên    

Chân Như: Điểm đáng chú ý bên cạnh lời phát biểu của ông Dũng còn có lời phát biểu của ông Trần Đại Quang khi ông cho rằng Kịp thời phát hiện đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; Luôn luôn xứng đáng là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng,bảo vệ chế độ chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân”.

Theo bạn thì vì sao vai trò của công an VN quá lớn như vậy có thể nói là lấn sân của cả quân đội VN?

Phạm Thanh Nghiên: Đây là chế độ công an trị  cho nên khi dùng đến từ công an thì nó đã bao gồm hết tất cả và có thể nói rất là bao quát, đúng theo bản chất của chế độ này. Vì thế tôi cũng không cần thiết phải nói nhiều hơn nữa trong câu hỏi của bạn. Và nói về việc lấn lướt một phần quân đội thì tôi nghĩ rằng có thể đúng nhưng cũng có thể chưa hẳn là đúng bởi vì họ đã nói công an là công cụ để bảo vệ chế độ này. Trên thực tế quân đội hay công an cũng đều là để bảo vệ chế độ. Quân đội nhân dân Việt Nam họ luôn luôn nói phải trung thành. Lời tuyên thệ của họ đâu có trung thành với tổ quốc, đất nước, người dân đâu mà là trung thành với đảng cộng sản Việt Nam. Do vậy, dù cho lực lượng quân đội hay công an chăng nữa thì họ không bao giờ đặt quyền lợi của đất nước này lên hàng đầu mà ngay trong lời tuyên thệ của họ cũng thế. Bản chất của họ là một công cụ để bảo vệ cho chế độ này. Thế nên cho dù công an hay quân đội cũng thế, người dân luôn luôn đứng trước nguy cơ do chính công an và quân đội đàn áp.

Blogger Mẹ Nấm: Thật ra tôi nghĩ rằng hệ thống công an liên đới đối với xã hội nhiều hơn là quân đội.  Khẩu hiệu của công an nhân dân “còn đảng còn mình” là câu khẳng định rõ nhất cho thấy quyền lợi của đảng cộng sản đi liền với sự dung túng cho ngành công an. Bằng cách trao quyền như ông Trọng đã nói rằng công an là thanh kiếm và là lá chắn để bảo vệ chế độ, ông nói rất rõ.

Vai trò của quân đội khá mờ nhạt trong các hoạt động chính trị xã hội bởi vì thật sự trên thực tế công an và quân đội có những xung khắc đối với nhau. Bên công an thì bảo vệ an ninh chính trị. Từ đó họ nghĩ ra một số các thế lực thù địch như họ vẫn thường nhận xét; Tạo ra cho công an nhiều quyền hành và có sân rất rộng để bắt tất cả những người bất đồng chính kiến bất cứ khi nào họ muốn, bất chấp những can thiệp quốc tế cũng như những nỗ lực vận động ngoại giao của các đại sứ quán.

Thật sự ở thời điểm này, như chị Nghiên có nói rằng “chế độ này là chế độ công an trị”. Đã đến lúc họ sử dụng bạo lực để giữ vững vị trí độc tôn của đảng cộng sản. Tôi nghĩ đó là lý do duy nhất mà công an hiện tại có rất nhiều quyền hành hơn là quân đội.

000_Hkg9826183-400.jpgCông an dùng loa yêu cầu mọi người không tụ tập trên một đường phố gần đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 18 tháng 5 năm 2014. AFP photo

Chân Như: Là những người tranh đấu cho dân chủ, chắc hẳn các bạn cũng đã, đang đối diện với những bắt bớ tù đày trấn áp. Và sắp tới Chân Như nghĩ có lẽ các bạn sẽ phải tiếp tục chịu đựng gian nan hơn. Các bạn chuẩn bị tinh thần như thế nào?

Phạm Thanh Nghiên: Chân Như, Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) cũng như quí vị quan tâm đến các hoạt động trong nước thì cũng đã biết rồi: Tôi đã từng trải qua 4 năm tù giam và hiện nay tôi cũng đang bị cái án quản chế 3 năm và mới có hết 2 năm. Tôi luôn luôn bị sách nhiễu, bị khủng bố, bị triệu tập…

Hiện nay,  khi tôi nói chuyện với hai bạn và đang truyền âm đi đến với quí thính giả của đài RFA thì ngoài kia cũng có một nhóm công an canh gác tôi từ ngày hôm qua. Đó là một phần cuộc sống hàng ngày của những người tranh đấu, những chiến sĩ dân chủ ở trong nước. Nói như thế không có nghĩa rằng là tôi đã đi tù một lần và không có lần thứ hai.

Tôi không mong chờ cái ngày đó nhưng tôi luôn luôn chuẩn bị tinh thần cho mình để đón nhận những điều ngoài ý muốn, những điều rủi ro lớn nhất. Và tôi rất là vui vẻ để đón nhận cái điều như thế vì tôi khẳng định rằng là cái giá của tự do và dân chủ do mình là một trong những người tham gia cuộc tiến hành thì việc đầu tiên là mình phải có sự hy sinh mặc dù sự hy sinh đấy rất là nhỏ. Tuy nhiên, để có tự do thì mình phải hy sinh cho sự tự do của mình trước. Và cho dù phía trước có là cái gì chăng nữa thì tôi vẫn kiên định với con đường mà mình đã chọn và sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro cũng như chông gai để đi đến đích cuối cùng. Cái đích cuối cùng đó là sự tự do cho bản thân mình và ngày tự do cho toàn dân tộc Việt Nam.

Blogger Mẹ nấm: Thật sự, tôi nghĩ rằng ở vị trí này, chuyện chuẩn bị tinh thần và đón nhận những bất trắc, rủi ro xảy đến cho mình thì bất kỳ người nào mà dấn thân cũng đều chuẩn bị. Tôi nghĩ, thực tế, đi tù cũng không đáng sợ như mình nghĩ. Không ai thích đi tù nhưng nếu phải trả giá để mà có tự do thì tôi sẵn sàng thôi.

Chân Như: Vâng, một lần nữa xin cảm ơn blogger Mẹ Nấm cũng như Phạm Thanh Nghiên đã bỏ thời gian để đến với chương trình DĐBT trong ngày hôm nay. Luôn cầu chúc mọi điều may mắn đến cho hai bạn. Và Chân Như cũng cảm ơn quí thính giả đã lắng nghe chương trình. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình DĐBT vào tuần tới.

Công bất an, chết bất thường

pro&contra – Phúc trình vừa công bố hôm 16/9/2014 của Human Rights Watch “Công bất an – Những vụ tử vong khi bị tạm giam, giữ và vấn nạn công an bạo hành ở Việt Nam” (bản tiếng Anhbản tiếng Việt, xem thêm Thông cáo báo chí bản tiếng Anhbản tiếng Việt) trình bày tình trạng được đúc kết bằng câu nói trong dân gian “Bình thường như chết ở công an phường” tại Việt Nam bốn năm qua, từ tháng Tám 2010 đến nay. 28 trường hợp tử vong được đề cập, trong đó 14 vụ công an giết dân và 14 vụ người dân chết bất thường trong vòng tay của công an mà theo tuyên bố từ phía chính quyền là vì tự tử, bệnh tật hay những nguyên nhân chưa rõ ràng. Song đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Con số thật chưa bao giờ được công bố.

Danh sách sau đây, do một cộng tác viên gửi đến pro&contra, là một bổ sung trong giới hạn có thể cho bản phúc trình đau xót nói trên. Phần lớn các trường hợp này chỉ được báo chí nhắc đến trong một bản tin vài dòng ngắn ngủi, rồi mất hút trong vòng xoáy bạo lực mà dường như người ta đã quen đến mức không còn bận tâm nhiều nữa. Theo đó, 36/67 trường hợp tự tử, cách phổ biến nhất mà 29 người đã chọn là treo cổ ngay tại trụ sở hoặc trong nhà giam của công an. Những người bỗng chết vì bệnh, thường là bệnh tim, lại còn rất trẻ, có người mới 17 tuổi. Còn lại là những cái chết chưa rõ nguyên nhân. Bất thường đã trở thành bình thường.

  1. Lê Hoài Thương (21 tuổi), ngày 18/8/2014 tại TP Pleiku, Gia Lai: tự gây tai nạn giao thông dẫn đến tử vong khi bị CSGT truy đuổi vì không đội mũ bảo hiểm;
  2. Bùi Tấn Hoàng (27 tuổi), ngày 18/8/2014 tại TP HCM: tự ngã dẫn đến tử vong sau khi vào trụ sở công an cầu cứu;
  3. Nguyễn Tiến Thọ (29 tuổi), ngày 16/8/2014 tại Sơn Tây, Hà Nội: nhảy xuống sông chết đuối khi bị công an giải về trụ sở;
  4. Trần Giang Nam (43 tuổi), ngày 5/8/2014 tại huyện Hưng Hà,Thái Bình: treo cổ tự tử trong đồn công an sau khi bị bắt vì nghi án ăn trộm 21 con gà;
  5. Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi), ngày 5/8/2014 tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: tự ngã dẫn đến tử vong khi bỏ chạy do không đội mũ bảo hiểm, bị CSGT kiểm tra và đánh bằng dùi cui;
  6. Phạm Duy Quý (21 tuổi), ngày 4/8/2014 tại Hải Dương: treo cổ tự tử trong trại tạm giam của công an tỉnh sau khi đến đầu thú về vụ giết 4 người trong gia đình;
  7. Nguyễn Văn Chín (44 tuổi), ngày 25/6/2014 tại TP HCM: bị “người lạ” đánh đến chết sau khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn;
  8. Lê Văn Nam, ngày 19/6/2014, tại TP Phan Thiết, Bình Thuận: chết đuối khi chạy trốn khỏi nhà tạm giữ của công an;
  9. Nguyễn Thị Gái (30 tuổi), ngày 17/6/2014 tại TP HCM: chết chưa rõ nguyên nhân khi bị tạm giữ tại công an phường;
  10. Trần Đình Toàn (54 tuổi), ngày 11/6/2014 tại TP Nam Định: chết do sốc ma tuý tại trụ sở công an phường;
  11. Bùi Thị Hương (42 tuổi), ngày 18/3/2014 tại Thị xã Đồng Xoài, Bình Phước: treo cổ tự tử trong trụ sở công an phường;
  12. Huỳnh Nhất Trung (20 tuổi), ngày11/3/2014  tại huyện Vân Canh, Bình Định: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an huyện;
  13. Trịnh Hoàng Dương (23 tuổi), ngày 7/2/2014 tại TP Hòa Bình: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an thành phố;
  14. Nguyễn Văn Hải (44 tuổi), ngày 20/1/2104 tại huyện Thanh Hà, Hải Dương: nhảy lầu tự tử tại trụ sở công an huyện;
  15. Lầu Nguyên Sầu (39 tuổi), ngày 4/1/2014 tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai: bị bắn chết vì súng của cảnh sát bị cướp cò trong khi vây sòng bạc;
  16. Nguyễn Văn Pha (60 tuổi), ngày 3/1/2014 tại Phú Yên: chết do nhồi máu cơ tim trong trại tạm giam của công an tỉnh;
  17. Đỗ Duy Việt (48 tuổi), ngày 23/12/2013 tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công huyện;
  18. Đinh Ngọc Hóa (36 tuổi), ngày 21/12/2013 tại thị xã Dĩ An, Bình Dương: treo cổ tự tử tại trụ sở công an phường;
  19. Y Beo Ksơr (17 tuổi), ngày 14/12/2013 tại Đắk Lắk: chết vì bệnh tim trong nhà tạm giam của công an tỉnh;
  20. Trần Mạnh Viễn (26 tuổi), ngày 26/10/2013 tại Hà Nội: bị hai công an đánh chết trong một vụ ẩu đả tại quán nhậu;
  21. Trần Thị Hải Yến (31 tuổi), ngày 7/10/2013 tại huyện Tụy An, Phú Yên: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an huyện;
  22. Lê Duy Định (46 tuổi), ngày 23/9/2013 tại Hà Nội: chết chưa rõ nguyên nhân sau khi bị công an bắt về đồn;
  23. Nguyễn Đăng Cự (41 tuổi), ngày 12/5/2013 tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an huyện;
  24. Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi): ngày 19/8/2013 tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng: treo cổ tự tử sau khi bị công an lấy cung;
  25. Trần Kim Phụng (59 tuổi), ngày 14/4/2013 tại TP HCM: chết vì phù phổi cấp trong nhà tạm giữ của công an quận;
  26. Lê Quốc Đạt, ngày 13/4/2013 tại TP HCM: chết trong trại giam của công an vì tiêu chảy kéo dài do bệnh AIDS;
  27. Trần Văn Hiền (42 tuổi), ngày 09/4/2013 tại TP HCM: bị “người lạ” đánh chết sau khi cãi vã với CSGT;
  28. Nguyễn Văn Quệ (47 tuổi), ngày 7/4/2013 tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: chết vì bệnh tim khi bị công an vây bắt;
  29. Trần Bá Lộc (24 tuổi), này 04/1/2013 tại thị trấn Sông Đốc, Cà Mau: treo cổ tự tử tại trụ sở công an tỉnh;
  30. Đoàn Vũ Hòa (33 tuổi), ngày 19/12/2012 tại TP Hải Phòng: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an thành phố;
  31. Phạm Thế Hiền (28 tuổi), ngày 18/9/2012 tại huyện Tiểu Cần, Trà Vinh: treo cổ tự tử tại trụ sở công an huyện;
  32. Nguyễn Trung Giảng, ngày 11/9/2012 tại Lâm Đồng: tự tử trong trại giam;
  33. Hồ Long Giang (27 tuổi), ngày 14/9/2012 tại thị xã Long Khánh, Đồng Nai: treo cổ tự tử tại nhà tạm giam của công an thị xã;
  34. Dương Mỹ Linh (54 tuổi), ngày 6/8/2012 tại Cà Mau: treo cổ tự tử trong trại tạm giam của công an tỉnh;
  35. Lê Thanh Tuấn (49 tuổi), ngày 2/5/2012 tại Vĩnh Long: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an tỉnh;
  36. Phan Thanh Dương (18 tuổi), ngày 6/4/2012 tại Cần Thơ: tự tử (không rõ bằng cách nào) trong trại giam của công an;
  37. Tăng Hồng Phúc (26 tuổi), ngày 2/4/2012 tại TP HCM: chết do tràn dịch màng phổi trong trại tạm giam của công an thành phố;
  38. Hoàng Gia Đạt Phước (35 tuổi), ngày 19/2/2012 tại TP HCM: chết do phù thủng cấp tính trong trại tạm giam của công an thành phố;
  39. Võ Tấn Tâm (27 tuổi), ngày 1/2/2012 tại TP Đà Nẵng: chết do bệnh lý về tim mạch, có dấu hiệu bị đánh;
  40. Ngô Tuấn Khanh (22 tuổi), ngày 30/12/2011 tại huyện Cần Đước, Long An: chết trước phiên phúc thẩm trong trại giam, chưa rõ nguyên nhân;
  41. Nguyễn Văn Nhẫn (20 tuổi), ngày 19/12/2011 tại huyện Yên Định, Thanh Hóa: treo cổ tự tử tại nhà tạm giữ của công an huyện;
  42. Nguyễn Minh Tâm (29 tuổi), ngày 23/11/2011 tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam: chết trong nhà tạm giam của công an huyện vì bệnh tim;
  43. Đoàn Văn Chí (36 tuổi), ngày 8/11/2011 tại huyện Bù Gia Mập, Bình Phước: chết khi bị công an giam giữ, không rõ nguyên nhân;
  44. Nguyễn Văn Hận (19 tuổi), ngày 23/10/2011 tại TP Biên Hòa, Đồng Nai: chết trong nhà tạm giữ của công an thành phố, chưa rõ nguyên nhân;
  45. Ngô Văn Cường (43 tuổi), ngày 12/10/2011 tại huyện An Dương, Hải Phòng: chết sau một phát súng chỉ thiên của công an xã;
  46. Nguyễn Văn Sậm (62 tuổi), ngày 10/10/2011 tại TP Cần Thơ: chết không rõ nguyên nhân trong nhà tạm giữ của công an;
  47. Trương Mạnh Tuấn (51 tuổi), ngày 5/10/2011 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa: chết do nhảy lầu tự tử tại trụ sở công an phường;
  48. Nguyễn Gia Trung (29 tuổi), ngày 11/9/2011 tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng: đập đầu tự tử trong trại giam;
  49. Trần Thị Vượng (49 tuổi), ngày 8/8/2011 tại TP Thái Bình: nhảy lầu tự tử tại trụ sở công an thành phố;
  50. Đặng Phi Vũ (35 tuổi), ngày 17/7/2011 tại TP Cà Mau: treo cổ tự tử tại phòng tạm giữ của công an thành phố;
  51. Lê Anh Thắng (34 tuổi), ngày 25/4/2011 tại Phú Yên: treo cổ tự tử trong nhà tạm giữ của công an thành phố;
  52. Đặng Ngọc Trung (48 tuổi), ngày 15/3/2011 tại thị xã Đồng Xoài, Bình Phước: treo cổ tự tử tại trụ sở công an xã;
  53. Ngô Quang Phái (59 tuổi), ngày 6/3/2011 tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: treo cổ tự tử tại trại giam của công an huyện;
  54. Nguyễn Lập Phương (46 tuổi), ngày 6/3/2011 tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: chết vì bệnh tim tại trụ sở công an huyện;
  55. Trần Văn Trường (30 tuổi), ngày 25/2/2011 tại Bắc Giang: chết trong trại tạm giam của công an tỉnh vì suy thận và suy gan nặng;
  56. Võ Đức Duy (28 tuổi), ngày 23/2/2011 tại TP Đà Nẵng: chết vì bệnh lý trong trại tạm gaim của công an thành phố;
  57. Lê Bá Thụ (25 tuổi), ngày 27/1/2011 tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa: treo cổ tự tử tại trụ sở công an huyện;
  58. Đặng Văn Đen (32 tuổi), ngày 17/12/2010 tại TP Long Xuyên, An Giang: chết vì bệnh lý tim, phổi cấp tính sau khi ở trụ sở công an về;
  59. Nguyễn Văn Thăng (33 tuổi), ngày 3/12/2010 tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: nuốt bả chó tự tử tại trụ sở công an xã;
  60. Nguyễn Nam Hà (33 tuổi), ngày 24/11/2010 tại Khánh Hòa: treo cổ tự tử trong trại tạm giam của công an tỉnh;
  61. Trần Minh Tình (27 tuổi), ngày 20/10/2010 tại Phú Yên: treo cổ tự tử trong trại giam của công an tỉnh;
  62. Bùi Đinh Thanh Huy (20 tuổi), ngày 17/10/2010 tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang: treo cổ tự tử tại trụ sở công an phường;
  63. Liên Triều Ân, ngày 12/10/2012 tại TP Phan Thiết, Bình Thuận: treo cổ tự tử tại trụ sở công an thành phố;
  64. Huỳnh Văn Thâm (32 tuổi), ngày 9/10/2010 tại huyện Châu Thành, Tiền Giang:  treo cổ tự tử tại trụ sở công an xã;
  65. Lê Vĩnh Lân (21 tuổi), ngày 2/10/2010 tại TP Đà Nẵng: chết tại trụ sở công an quận do bệnh lý;
  66. Trần Ngọc Đường (52 tuổi), ngày 9/9/2010 tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai: treo cổ tự tử tại trụ sở ủy ban xã;
  67. Trần Duy Hải (32 tuổi), ngày 8/8/2010 tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang: treo cổ tự tử tại nhà tạm giữ của công an huyện;

© 2014 pro&contra

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.