Dân trí mình đúng thấp thật rồi, cảm ơn đảng và nhà nước!

Posted: June 29, 2015 in Uncategorized
Tags:

TP (THĐP) – Câu nói của ông đại biểu: “Dân trí nước ta còn thấp.” Bị người dân, chủ yếu dân mạng phản đối ầm ĩ. Còn lại đa phần số đông, những người dân, người lao động không bao giờ online thì chẳng biết, chẳng bận tâm. Mà cho dù có biết đi chăng nữa thì cũng kệ vì chả thấy liên quan gì tới mình. Đấy, mình bị cái đứa mình nuôi nó chửi thẳng mặt là ngu mà cũng không biết, không quan tâm, thì thử hỏi mình có ngu thật hay không?

� Xem thêm: Sự nhẫn nại của chúng ta + Hỡi những ký giả Việt Nam.

Chưa kể,

Dân trí cao cỡ nào khi mà ngoại trừ những người quan tâm chính trị ra thì còn mấy ai biết cụ thể công việc, trách nhiệm của những chức danh như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy ban mặt trận Tổ Quốc… là cái gì? Họ làm những công việc gì? Trách nhiệm của họ đến đâu? Tại sao ông Đại Tướng chẳng bao giờ thấy mặt mũi trên các thông tin chiến trận ngoại trừ có mặt ở một vài cuộc họp vớ vẩn với ngoại bang? Tại sao những vụ doanh nghiệp Nhà Nước thua lỗ động trời không một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm hay nói một lời xin lỗi?

Dân mù tịt không biết đâu mà lần, thậm chí cũng là không quan tâm chút nào hết. Thế thì hỏi có là ngu không? Ngu vì không được dạy hay ngu vì không biết tự tìm hiểu hay ngu vì tìm hiểu mãi cũng không ra… Dù cho là ngu vì bất cứ lý do gì thì vẫn là ngu. Ngu thì là dân trí thấp. Đúng quá rồi còn gì.

Dân trí có cao không khi đa phần người dân không hề muốn nghe muốn nói đến chuyện chính trị vì cho rằng nó không liên quan tới cuộc sống của mình. Không hề biết rằng chuyện chính trị chính là quyền của mình để lập ra một chính phủ có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của mình.

Chính trị chính là nội dung giáo dục con cái mình nên người. Chính trị chính là niềm tự hào dân tộc của dân mình khi bước ra khỏi đất nước. Chính trị chính là liều thuốc con mình tiêm vào người, là con đường mình đi, là hàng hóa mình tiêu thụ, là không khí mình hít thở, là sức khỏe của chính mình và gia đình mình?

Tách rời chính trị khỏi cuộc sống và trách nhiệm của bản thân trong khi nó ảnh hưởng sâu sắc và gắn liền mật thiết đến nhau. Cho rằng nó thì không liên quan đến mình, mình thì không làm gì được nó, thì thử hỏi có ngu không, có dân trí thấp không?

Dân trí cao cỡ nào mà để cho Trung Quốc nó ngang nhiên chiếm đảo chiếm đất xây dựng sân bay, công trình mà vẫn im lặng không nói một lời.

Dân trí cao chắc chắn sẽ phải biết biểu tình và giữ im lặng khi bị bắt là hai trong những quyền cơ bản nhất của con người trên bất cứ vùng đất văn minh nào.

Dân trí cao thì đâu thể im lặng đi trên những cây cầu mới xây đã sập, bê tông cốt tre, đường cao tốc sóng trâu, công trình trăm ngàn tỷ vừa khánh thành đã hư hỏng, đập nước bờ kè mưa một trận đã sụt lún…

Dân trí cao thì nỡ nào mà để người dân mình tự lừa đảo người mình, tự đầu độc dân mình, tự làm hại đồng bào mình. Giúp người ta tiêu thụ hóa chất độc hại, nông sản độc hại còn nông sản của dân mình thì phải đổ bỏ đi vì thừa mứa và rẻ mạt.

Dân trí cao thì sao để chính quyền tự ý lấy thuế xây cái miếu vài trăm tỷ thờ một ông học giả ngoại bang rồi còn trơ trẽn tuyên bố xây thế thôi chứ chưa quyết định thờ ai. Hẳn là chính quyền dư nhiều tiền lắm. Nhưng dư tiền sao lại phải đi vay Trung Quốc tiền xây cái đường tàu cao tốc để rồi bị họ chèn ép. Dư tiền sao lại phải đi vay viện trợ bảo vệ môi trường trong khi tiền phí bảo vệ môi trường thì tận thu từ trong giá xăng giá điện?

Dân trí cao thì sao mà có mấy chuyện hy hữu cười ra nước mắt rằng cuộc sống của ta là hạnh phúc nhất, yên bình nhất.

Dân trí cao làm sao chịu nổi khi chính quyền làm được một việc nhỏ thì bắt dân mang ơn, tạc tượng. Còn khi chính quyền làm sai những việc tày đình thì không cần xin lỗi, từ chức, chịu trách nhiệm, chỉ cần rút kinh nghiệm là xong?

Dân trí cao thì hẳn đã chẳng phải xấu hổ khi dân ta ra nước ngoài mang bao tiếng xấu, trộm cắp, mại dâm, vô ý thức vô văn hóa.

Nếu dân trí mà có cao thì phụ nữ Việt đã chẳng phải lũ lượt ra nước ngoài bán dâm, bị mua làm vợ, bị hành hạ, bị xúc phạm. Người dân Việt đã chẳng phải qua Cam, qua Lào làm giúp việc, lao động nặng nhọc, chui nhủi.

Nếu dân trí mà không thấp thì hàng trăm ngàn sinh viên thạc sĩ tiến sĩ ra trường hẳn đã phải có công ăn việc làm, có những đồ án, công trình giúp ích cho cộng đồng chứ không xếp hàng dài thất nghiệp ăn bám gia đình xã hội.

Nếu dân trí cao thì hẳn phải biết đất nước đã đi thụt lùi thế nào sau những năm tháng “giải phóng”. Từ một nước tự sản xuất được xe hơi nội địa thành một nước không sản xuất được con ốc con vít. Từ một nước được miễn phí học hành, y tế biến thành có nhiều tiền cũng chưa chắc có được môi trường học hành, y tế đủ tốt. Từ một nước được bao nước thèm muốn, ước ao trở thành một nước bị xem thường.

Nếu dân trí cao hẳn đã phải nhận ra những mâu thuẫn, nhìn thấy những sự thật đang được giấu kín thay vì nói gì biết đấy, kêu gì làm đấy.

Nếu dân trí cao liệu có để cho các ngài lãnh đạo xem như trò hề, muốn làm gì thì làm, muốn chặt cây thì chặt, hứa một đằng làm một nẻo, muốn thay cây gì thì thay, muốn bán đất cho ai, bán tài nguyên cho ai, cho ai thuê đất bao lâu thì cho.

Nếu dân trí cao hẳn không thể để mặc cho những người được mình ủy quyền lộng hành tác oai tác quái. Sâu mọt khắp nơi từ trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài, từ lớn đến bé, từ xưa đến nay mà không một động thái ngăn cản.

Nếu dân trí cao người ta hẳn sẽ phải thích đọc sách hơn xem truyền hình, thích nghiên cứu tìm hiểu hơn là đọc tin tức giải trí. Nhưng xem kìa, Việt Nam là một trong những nước đọc sách ít nhất thế giới.

Nếu dân trí cao thì hẳn sẽ không cười xòa khi đọc tin tức “Cá mập cắn đứt cáp” “Nhím gà dê hỗ trợ nông dân đi lạc vào nhà bí thư, chủ tịch”.

Nếu dân trí cao hẳn người dân phải biết hợp sức lại, biết cất tiếng nói của mình, biết liên kết với nhau tạo nên sức mạnh.

Và quan trọng nhất, nếu dân trí cao thì người dân chắc chắn phải biết chuyện gì đang xảy ra với đất nước mình, với dân tộc mình.

Đấy, xin mời các bạn xem lại, tự vấn lại bản thân một chút. Rằng so với một vài biểu hiện của dân trí cao như trên, thì tự xem dân trí của mình có cao không? Nếu có, thì xem tiếp, xung quanh mình có bao nhiêu người có dân trí cao giống mình trên tổng số người mình quen biết và tiếp xúc hàng ngày? Còn nếu không, thì thôi, ông đại biểu nói đúng, dân trí mình thấp thật, nói thẳng tuột, mình thật là ngu, dân mình cũng ngu, rất ngu, đấy là sự thật không còn nghi ngờ và bàn cãi gì nữa.

Ấy thế thì, thay vì phản bác và chê trách ông đại biểu, người dám nói dân trí ta thấp, thì có lẽ, nên tuyên dương ông. Vì dám nói ra sự thật, sự thật mà các ngài lãnh đạo đều biết nhưng chưa ai có can đảm nói. Nhưng mà cũng không được, vì ông đại biểu này khi bị phản đối đã lại kịp có bài thanh minh rằng ông ta không nói ra điều đó. Ý ông không phải vậy, dân hiểu lầm ý ông rồi. Đấy, lại một lần nữa, dân trí thật thấp, thật ngu, lãnh đạo phát biểu gì người dân cũng hiểu lầm hết.

Từ “dân trí thấp” “quyền im lặng và biểu tình là nguy hiểm” “xu thế ghét Trung Quốc là nguy hiểm cho dân tộc” “nước ta còn dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản” “đa số người dân ủng hộ chặt cây” “chưa quyết xem thờ ai trong miếu” “chúng ta phải cố gắng xây dựng quân đội mạnh như Triều Tiên” “dân sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai”…

Đấy, câu phát ngôn nào cũng bị người dân hiểu lầm. Thế thì giờ sao? Lãnh đạo phải coi lại cách phát biểu sao cho dân hiểu. Hay người dân phải cố mà hiểu cho đúng ý lãnh đạo? Ôi tôi cũng không biết nữa, vì như đã nói, dân trí tôi thấp lắm. Sao hiểu được ý mấy ông. Nhưng mà dù dân trí tôi thấp đi chăng nữa, thì có một điều tôi dám cam đoan, rằng bất kể chuyện gì xảy ra bất kể kết quả thế nào, cũng là nhờ ơn Đảng và Nhà Nước. Nên dù cho cả nước có bị dân trí thấp, tôi cũng xin thay mặt toàn dân, cảm ơn Đảng và Nhà Nước!

Sự nhẫn nại của chúng ta

Benjamin Ngô (VNTB) theo Pháp luật TP.HCM – Liên tiếp trong một thời gian ngắn, xăng và điện tăng giá, một số thành phố sẽ thu phí đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-7 tới…

Đó là chưa kể những phát ngôn trời ơi từ nghị trường, người Việt vẫn giữ được sự nhẫn nại cố hữu trước những thử thách này.

Thử hỏi nếu không có mạng xã hội, người dân biết thở than vào đâu khi nỗi bức bối từ gánh nặng cơm áo gạo tiền đang ngày ngày chất chồng? Tiền điện tăng 100%, giá xăng dầu được dự báo vẫn theo chiều hướng tăng vọt dù giá nhập giảm tới… 40%, nồi cơm của nhiều gia đình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi thu nhập không tăng kịp theo tương xứng. Nhiều bà nội trợ chắc chắn sẽ chật vật vì phải cắt khoản chi tiêu này, giảm khoản kia để tổ ấm của mình tồn tại.

Người dân vẫn nhận về phần thiệt thòi

Tuần qua, một tờ báo điện tử có bài về chất lượng sống tại Việt Nam thấp hơn Lào. Đây là kết quả cuộc khảo sát trực tuyến của website Numbeo.com – trang web dữ liệu lớn nhất về các TP và quốc gia, dựa trên các tiêu chí: mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, mức độ ô nhiễm và giá nhà đất so với thu nhập.

Bình luận về sự kiện này, một doanh nhân ngành địa ốc chia sẻ rằng từ trải nghiệm của mình, ông nhận thấy người dân Lào, Campuchia không lo sợ mất trộm, không sợ lừa đảo, không sợ thức ăn bẩn và nhiễm độc, không sợ cướp giật, ra đường cũng không sợ TNGT như ở nước ta. Việt Nam có thể giàu hơn Campuchia, Lào, thu nhập bình quân đầu người có thể hơn nhưng cuộc sống kém hơn, người không tin người, ra đường như ra trận, chất lượng sống thấp, đặc biệt sự an toàn đã xuống quá thấp. Đáng quan ngại là ma trận thực phẩm bẩn, độc với rau tắm hóa chất, thịt thối, lạm dụng các chất bảo quản… khiến người ta chết từ từ.

Trong bối cảnh cơ chế chính sách với các mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống như điện, xăng dầu thiếu minh bạch, người dân vẫn nhận về mình phần thiệt thòi và không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế.

Sự chịu đựng nào không có giới hạn?

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vào ngày 26-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là kỳ họp thành công, hợp lòng dân và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh. Tuy vậy, trên Facebook có người vẫn băn khoăn khi một tờ báo dẫn lời Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng bình luận rằng: “Không phải Quốc hội là làm luật”. Theo tờ báo này, ông Dũng ví von: “Giống như con về xin cưới cô này, bố mẹ có thể cho hay không cho nhưng không bảo là phải cưới cô khác. Quốc hội thẩm định luật được hay không được, chứ không phải là Quốc hội lại đưa ra một chính sách mới để yêu cầu thực hiện”.

Trước đó người dân đã từng nhiều phen ngỡ ngàng khi nghe được những phát ngôn trời ơi của một số ông nghị và hoang mang tự hỏi những nhân vật này đại diện cho ý chí cũng như nguyện vọng gì của nhân dân?

Khi đề cập đến thực trạng của xã hội, một doanh nhân đề nghị cần có cuộc vận động từ chính quyền, đoàn thể, tổ chức nhằm nâng cao dân trí, dân khí để mỗi người dân thoát khỏi sức ì, nhìn thấy mình đang sống trong thiệt thòi, nhận biết nghèo đói, tụt hậu là nỗi nhục và cần phải thay đổi một cách nhanh chóng.

Trong cuộc sống sự nhẫn nại là một đức tính tốt nhưng vấn đề là nhẫn nại của chúng ta có giới hạn không?

Hỡi những ký giả Việt Nam

Kantcer (Basam) theo THĐP – Bạn có thấy báo chí Việt Nam hiện nay như đống giấy lộn? Tất cả đều không có một chút gì ý nghĩa. Nếu so sánh báo chí Việt Nam là một biển thông tin thì những thứ vô bổ trôi dạt lên, những thứ có ý nghĩa vì nhiều lý do bị chìm xuống.

Ảnh: Drew Coffman

Trên các trang tin trực tuyến, những cái tít luôn luôn nổi bật là cướp giật, hiếp dâm, lộ hàng, ngắm vòng 1 siêu khủng… Có bao giờ bạn tự hỏi: “Sao những chuyện như vầy mà cũng viết được thành bài báo?” Ví dụ như bản tin về một người đẹp đang xách chiếc túi trị giá vài ngàn USD, nội dung dài nhưng chỉ xoay quanh chuyện chiếc túi thì đắt tiền và người đẹp sang trọng bỏ tiền ra mua nó. Rồi chuyện gần đây một thiếu gia Trung Quốc xấu xí tên Trần Sơn với nhiều trò ngu cũng được nhiều tờ báo thèm thuồng khai thác, tung hô. Thế mới biết, có tiền, nhiều kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm.

Lại nói thêm về cách sử dụng từ ngữ. Những kiểu chữ nghĩa câu khách rẻ tiền như “Đắng lòng” “Lặng người” “Chết lặng”… nhà báo Việt Nam bây giờ lấy ở đâu ra? Ở Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền dạy họ ư? Vậy mà cũng nhiều người, nếu không nói là hầu hết, chủ yếu là giới trẻ thích thú khen hay, like, và áp dụng luôn vào cuộc sống hằng ngày như một cái mốt thời thượng.

Ngập trong đống thông tin vô nghĩa, thật tội cho những người độc giả chân chính, họ phải lọc bỏ hàng đống tạp chất mới tìm thấy cái họ cần. Trong những bài viết có ý nghĩa hiếm hoi, họ đăng lên ý kiến, giải pháp của mình, hy vọng là những người có trách nhiệm trong vấn đề đó sẽ lưu ý, nhưng tiếc là chẳng ai thèm quan tâm tới ý kiến của họ. Giáo sư Ngô Bảo Châu đưa ý kiến nhiều lần mà chính phủ còn không thèm đếm xỉa thì nói chi dân đen.

Toàn những chuyện lá cải tầm phào đầy rẫy trên các trang tin tức. Có những chuyện cần chia sẻ, cần phẫn nộ thì bị chìm ngập và lãng quên trong cái thế giới báo chí bẩn thỉu này. Như vụ Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên (2014) bị 5 công an viên bức cung, nhục hình, giết chết bất chấp nạn nhân kêu oan. Những đứa trẻ đeo khăn tang, người vợ mang bức hình thi thể dập nát của chồng mình kêu oan trước những ánh mắt nhân viên an ninh trừng trừng vô hồn đe dọa.

Những tin như vầy thì báo chí không dám đưa, nếu có thì cũng sẽ dùng từ ngữ ma mị bao che cho tội ác của công an viên. Những bản tin một chiều, bị kiểm duyệt, thậm chí bị bóp méo một cách trắng trợn vì nhắm “đụng chạm” tới chính quyền. Chính quyền là luôn đúng mà. Báo chí phải là một kênh tuyên truyền của Đảng.

Nói đến báo chí Việt Nam hiện nay là nói lên tính cách người Việt và mối quan tâm của họ ở thế kỷ 21 này. Xã hội Việt Nam hôm nay chỉ toàn là những người vô cảm, họ thấy nỗi đau của đồng loại mình trước mắt mà không mảy may động lòng. Ngay cả khi đó là đồng bào của mình. Thậm chí có người biểu tình chống chặt cây xanh bị côn đồ – nhân viên an ninh chìm kiếm chuyện đánh đập phải nhập viện có những đứa trẻ trâu hay già trâu vào bình luận như thế này: “Lấy máu lợn thoa lên giả tạo à. Thù oán ai bị chúng đánh rồi đổ lỗi cho công an tụi tao hả. Những thằng như mày không tử hình là may rồi đấy.

Cả một thế hệ bị tẩy não chỉ biết nghe theo lời nhà nước với chiêu bài chụp mũ tất cả những ai đụng chạm tới quyền lực của họ là “phản động”, là sản phẩm của thế lực thù địch, bị xúi giục, được trả tiền để gây mất ổn định cho đời sống bình yên tại quê hương.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là không có những nhà báo có lương tâm. Chỉ là vì họ luôn bị áp lực, sách nhiễu, trấn áp. Những tấm gương như Kim Quốc Hoa hay Tạ Phong Tần là quá đủ cho họ sợ hãi.

Kim Quốc Hoa – Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi bị khởi tố, vì cho đăng bài động tới ông thanh tra gì gì đấy, cậu công tử ra Hoàng Sa gì gì đấy mà tôi cũng sợ nên không dám nêu tên ra ở đây. Sự thật là tôi cũng sợ sẽ đi tù như ông Kim Quốc Hoa khi đụng tới mấy người này.

Tạ Phong Tần từng là một nhà báo, một chiến sĩ công an, nhưng vì viết những bài viết chống tham nhũng trên blog mà bị cho thôi việc, bị bắt tù đày. Những người ra lệnh bắt cô ở Bạc Liêu là ai? Chính là những kẻ mà cô cáo buộc tham nhũng.

“Viết Công Lý – Sự Thật
Tù mười năm khổ sai
Viết “thư” dâng biển đảo 
Tù ấy mấy vạn ngày?” (- Phạm Văn Đồng, 1958)

Hỡi những nhà báo chân chính, đừng sợ hãi nữa, hãy liên minh lại với nhau. Chúng tôi, những độc giả luôn trung thành, ủng hộ các bạn muốn thấy có một ngày “Ký giả đi ăn mày II” trên quê hương này.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.