Lãng phí ngân sách nuôi Hội đoàn nhà nước

Posted: June 12, 2016 in Uncategorized
Tags:

Nam Nguyên (RFA) – Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Viện Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố báo cáo cho thấy, Nhà nước đã bao cấp 14 ngàn (14.000) tỷ đồng mỗi năm cho các tổ chức quần chúng công, điển hình như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và Công đoàn. Ước tính phần chi ngân sách cho các tổ chức quần chúng công cao gấp đôi dự toán ngân sách cho Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và gấp 5 lần cho Bộ Khoa học Công nghệ.

� Xem thêm: Các hội, đoàn thể tiêu tốn hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm + Ngân sách mất 1.200 tỷ mỗi năm để ngành đường sắt thu về 350 tỷ.


Văn phòng Hội cựu chiến binh Quảng Ngãi. RFA photo

Không làm được gì cho lợi ích của nhân dân

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập, về vấn đề liên quan. Từ Sài Gòn, trước hết TS Phạm Chí Dũng nhận định:

TS Phạm Chí Dũng: Tôi thấy về cơ bản số tiền chi như vậy là vô ích, tại vì từ rất nhiều năm qua các hội đoàn nhà nước đã gần như không làm được gì cho lợi ích của nhân dân, đơn cử là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Từ trước tới giờ chưa bao giờ họ chủ động tổ chức một cuộc đình công, lãn công nào để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại nghiễm nhiên được hưởng ít nhất là 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp, một con số rất lớn, vừa rồi ngay cả một vài tờ báo nhà nước cũng phải phản ứng về chuyện này.

   Tôi thấy về cơ bản số tiền chi như vậy là vô ích, tại vì từ rất nhiều năm qua các hội đoàn nhà nước đã gần như không làm được gì cho lợi ích của nhân dân, đơn cử là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
– TS Phạm Chí Dũng   

Cho nên việc các tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ… mà nhận được số tiền khủng khiếp như vậy trong tình hình hiện nay ngân sách vô cùng khó khăn và dân vẫn phải nai lưng ra đóng thuế để bổ túc vào ngân sách như vậy, thì có thể nói đó là việc rất là nhẫn tâm. Tôi cho rằng các tổ chức như vậy nếu mà biết tự trọng thì nên chấm dứt sự hoạt động. Tại vì họ hoạt động như một sự vô nghĩa, nói như vậy chắc chắn sẽ đụng chạm tự ái của họ, nhưng mà tôi cho rằng liêm sỉ còn cao hơn cả tự ái.

Nam Nguyên: Quan niệm về xã hội dân sự độc lập còn quá mới mẻ và bị ngăn cấm ở Việt Nam, trong khi các tổ chức như Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên hay Hội Nông dân được mô tả là cánh tay nối dài của Đảng, công cụ của Đảng nên tự thân không phải là những tổ chức xã hội dân sự như đúng ý nghĩa của nó, ngân sách nhà nước chi như Tiến sĩ vừa nói  là từ tiền thuế của người dân. Nhưng đây là cơ chế mà Đảng Cộng sản, chế độ cộng sản lập ra, thì cho đến khi nó còn tồn tại liệu có khả năng cải cách sửa đổi được hay không?

TS Phạm Chí Dũng: Tôi cho rằng có một ít phần trăm có thể thay đổi, thay đổi chẳng qua là vì sức ép của quốc tế, bởi các định chế mà Việt nam tham gia ký kết như là vấn đề TPP. Chẳng hạn nếu tham gia vào TPP Việt nam sẽ phải thay đổi cơ chế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Có nghĩa là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không còn độc quyền với nhiệm vụ gọi là “bảo vệ quyền lợi lợi ích hợp pháp của công nhân” nữa mà sẽ phải san sẻ một phần cho công đoàn độc lập.

Tôi cũng nghĩ rằng, các tổ chức nhà nước như vậy đã xài một số tiền quá lớn, thật ra số tiền 14.000 tỷ chi cho họ nhưng mà đổi lại được cái gì? Tại vì những vấn đề thiết thân, thiết thực như chủ quyền quốc gia thì họ hầu như không đụng chạm tới. Chúng ta có thể điểm lại vấn đề phản đối Trung Quốc gây hấn, những tổ chức của nhà nước hoàn toàn không dám lên tiếng. Vấn đề cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, họ cũng không lên tiếng. Rất nhiều vấn đề khiếu kiện của nông dân, của công nhân, các tổ chức nhà nước không hề lên tiếng. Họ như bị níu kép theo não trạng sợ sệt, sợ hãi và thủ thế, chỉ biết có lợi ích bản thân mà thôi. Thành thử tôi nghĩ rằng khả năng thay đổi sắp tới của họ là do áp lực, chủ yếu từ quốc tế, những định chế quốc tế mà Việt Nam phải tham gia, chứ không phải bản thân họ muốn thay đổi. Khả năng thay đổi trong thời gian sắp tới của họ, theo tôi, tối đa chỉ vào khoảng từ 5% tới 10% mà thôi.

Nam Nguyên: Trong thời gian qua, Quốc hội khoá trước, Dự luật về Hội  khi được bàn thảo cho thấy có ghi rõ là không chi phối các tổ chức quần chúng công như Tổng Liên đoàn lao động, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ , Đoàn Thanh niên ..v..v Tiến trình Việt nam hội nhập thế giới đòi hỏi phải có Luật về hội. Nhưng ghi rõ như thế cho thấy Việt Nam muốn duy trì quan niệm bao cấp các tổ chức này để phục vụ Đảng và Nhà nước. Rõ ràng là vấn đề này không phù hợp với tiến trình cải cách mà người ta nói tới. TS nhận định gì?

TS Phạm Chí Dũng: Tôi cho đó là sự khiên cưỡng và chủ ý rõ ràng là cánh tay nối dài của Đảng. Cho dù Quốc hội, Luật không chi phối nhưng mà Đảng chi phối. Và như ông Nguyễn Phú Trọng nói trước đây là Cương lĩnh Đảng còn quan trọng hơn cả Hiến pháp, thì việc Đảng chi phối những tổ chức như Mặt trận, các đoàn thể như vậy là đương nhiên và mặc dầu Đảng vẫn phải có lộ trình mở dần từng chút về hướng dân chủ hóa và đáp ứng những điều kiện của phương Tây, nhưng mà Đảng vẫn muốn các tổ chức do Đảng lập ra chiếm phần chi phối ở trong đó, chứ không phải các tổ chức xã hội dân sự của dân tự phát hoạt động.

Tôi nghĩ sắp tới là một tiến trình phức tạp hỗn mang và giao thoa lẫn nhau và nếu như muốn phát triển được, thì xã hội dân sự Việt Nam phải có sự thống nhất. Hiện nay chưa có sự thống nhất cao, chỉ có sự thống nhất cao thì mới có thể đối trọng với các tổ chức hội đoàn nhà nước và có thể thu hút được quần chúng mà thôi.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Phạm Chí Dũng đã trả lời phỏng vấn.

Các hội, đoàn thể tiêu tốn
hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm

Bích Diệp (Dân trí) – VEPR tính toán, các tổ chức quần chúng công mỗi năm tiêu tốn từ 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng mỗi năm, ước bằng 1,7% GDP của cả nước (năm 2014). Trong đó, khoản chi từ ngân sách nhà nước khoảng 14.023 tỷ đồng.

Ngân sách Nhà nước “rót” xuống hơn 14.000 tỷ đồng

Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam” cho biết, tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế), ước tính vào khoảng 338.000 người.

Nhóm các tổ chức này bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị – xã hội, còn gọi là đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh), cùng 28 hội đặc thù. Các nhóm tổ chức này, do mang tính quần chúng rộng lớn và có bản chất chính trị gắn với nhà nước, được Nhà nước hỗ trợ toàn phần hay một phần kinh phí hoạt động.


Tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức
quần chúng công tối thiểu hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm

Theo VEPR, chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công bao gồm: Chi phí thực tế của xã hội dành cho các tổ chức này từ ngân sách nhà nước, hội phí, phí tín thác và nguồn thu từ các đơn vị kinh tế trực thuộc. Bên cạnh đó còn phải tính đến chi phí cơ hội và chi phí ẩn từ tài sản cố định và nguồn nhân lực.

VEPR tính toán, tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công dao động trong khoảng 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng, ước bằng 1,7% GDP của cả nước (năm 2014). Trong đó, khoản tiêu tốn từ ngân sách Nhà nước khoảng 14.023 tỷ đồng.

Riêng nguồn ngân sách Trung ương dự toán dành cho Trung ương hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và năm tổ chức chính trị – xã hội trong năm 2014 là trên 1.200 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2006, khoản ngân sách này tăng hơn gấp đôi (từ khoảng 530 tỷ đồng).

Trong đó, bốn tổ chức chính trị – xã hội nhận được phân bổ ngân sách (dự toán) nhiều nhất trong năm 2014 là Hội Nông dân Việt Nam (hơn 401 tỷ đồng), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (khoảng 360 tỷ đồng), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (hơn 270 tỷ đồng) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (gần 155 tỷ đồng).

Xét theo số ngân sách quyết toán, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức có mức tăng ngân sách nhanh nhất, gấp 4,5 lần trong vòng 6 năm (2006 – 2012), từ khoảng 76 tỷ đồng năm 2006 lên gần 344 tỷ đồng năm 2012 (GDP của Việt Nam trong giai đoạn này tăng gấp 2,3 lần).

Cần xây dựng một Luật riêng về các tổ chức quần chúng công

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chi phí của ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp cấp Trung ương tăng mạnh trong giai đoạn 2006 – 2014. Cụ thể, nếu khoản ngân sách dành cho nhóm này năm 2004 là 249 tỷ đồng, thì nó đã tăng gần gấp bốn lần và đạt đỉnh vào năm 2010 với 936 tỷ đồng; dự toán đạt hơn 638 tỷ đồng vào năm 2014.

Trong giai đoạn 2006 – 2010, các hội đặc thù nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (80,7 tỷ đồng trong năm 2009), Hội Chữ thập đỏ (51,6 tỷ đồng trong năm 2009), Hội Nhà văn Việt Nam (24,3 tỷ đồng trong năm 2009), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (20,1 tỷ đồng trong năm 2009). Từ năm 2010 trở đi, quyết toán và dự toán ngân sách Nhà nước không ghi cụ thể tên từng hội, tổ chức đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho trung ương hội của các tổ chức quần chúng công trong giai đoạn 2006 – 2014 tăng từ hơn 781 tỷ đồng (2006) lên xấp xỉ 1.900 tỷ đồng (dự toán 2014) chiếm khoảng 1,1% dự toán tổng chi ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương trong năm 2014.

VEPR đánh giá, đây là khoản tiền tương đương với mức dự toán chi cho Bộ Kế hoạch Đầu tư (gần 1.900 tỷ đồng), bộ Khoa học Công nghệ (hơn 1.700 tỷ đồng), và Bộ Công Thương (hơn 1.900 tỷ đồng). Trong năm quyết toán 2012, tổng số tiền này là gần 2.200 tỷ đồng.

Theo đánh giá của VEPR, các tổ chức quần chúng công được phân bổ một lượng ngân sách Nhà nước và hưởng nhiều chính sách ưu đãi, tuy vậy hiệu quả hoạt động của nhóm tổ chức này vẫn là một dấu hỏi.

Báo cáo đưa ra kiến nghị, cần bãi bỏ chính sách cấp ngân sách hoạt động cho hội đặc thù theo biên chế, chỉ cấp ngân sách Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có). Từng bước đưa các tổ chức này ra khỏi sự bao cấp của ngân sách nhà nước, hoạt động theo cơ chế tự nguyện như những tổ chức xã hội khác.

VEPR cũng đề xuất, cần xây dựng một Luật riêng về các tổ chức quần chúng công, hoặc một phần quan trọng trong Luật về hội nói chung. Bên cạnh đó, cần các tổ chức này công khai, minh bạch chi tiêu trong báo cáo tài chính trước ban giám sát và công chúng.

Ngân sách mất 1.200 tỷ mỗi năm để ngành đường sắt thu về 350 tỷ

Lệ Thúy (cand.com.vn) – Đây là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (ĐS), do Bộ Tài chính tổ chức.

Đường sắt ”ôm” 6000ha đất công, Ngân sách không thu được đồng nào

Việt Nam có kết cấu hạ tầng ĐS được xây dựng và đưa vào khai thác đến nay đã hơn 100 năm, với khoảng hơn 3.000km đường, 287 ga, 1.818 cầu lớn nhỏ, 39 hầm, 5.735 điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS và các công trình phụ trợ lớn; quỹ đất thuộc tài sản kết cấu hạ tầng ĐS trên 6.000ha.

Đây là khối tài sản nhà nước đặc biệt lớn, có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông ĐS và công tác quản lý kết cấu hạ tầng ĐS của nước ta còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, tính kết nối thấp, hiện đang bị coi là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.

Theo thống kê, hàng năm, ngành ĐS chỉ thu về được 350 tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện bảo trì…


Cần huy động nguồn vốn lớn để hiện đại hóa hệ thống đường sắt. Ảnh: CTV.

Nguyên nhân đẩy ngành ĐS Việt Nam vào tình cảnh trên, theo bà Nguyễn Thị Thoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) là do trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng ĐS không những không được đầu tư phát triển mở rộng, mà còn bị thu hẹp do bị tháo gỡ một số tuyến.

Mặc dù là phương thức vận tải có rất nhiều lợi thế (chỉ đứng sau vận tải thuỷ) do có giá thành vận tải thấp, vận chuyển được hàng hóa có khối lượng lớn, an toàn…, nhưng năng lực vận tải hiện nay đạt rất thấp, chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.

Trong khi đó, với tổng diện tích đất khá lớn trên 6.000ha, đây là một lợi thế cần có giải pháp để khai thác nguồn lực từ quỹ đất này phục vụ cho đầu tư phát triển hạ tầng ĐS. Tuy nhiên, thực tế sự phân bố và sử dụng quỹ đất này chưa đồng đều và hiệu quả, chưa có sự thống nhất về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng ĐS, việc tách bạch mục đích sử dụng quỹ đất này lại chưa rõ ràng, dẫn đến áp dụng thu đối với từng loại tài sản hạ tầng chồng chéo, khó kiểm soát.

Hiện, trong 6.000 ha đất công được giao, quỹ đất công trình hạ tầng ĐS chiếm tới 90%. Quỹ đất sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết để tạo vốn phát triển ĐS chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,16%.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng với quỹ đất phục vụ mục đích công cộng, chỉ thu tiền đất sử dụng vào mục đích sản xuất – kinh doanh. Thế nhưng, do thiếu tách bạch giữa đất phục vụ hạ tầng và đất phục vụ kinh doanh, nên quỹ đất của ngành ĐS quản lý được bao cấp hoàn toàn.

Bên cạnh đó, cơ chế thu hút nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước để chia sẻ gánh nặng với Nhà nước về nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh.


Đường sắt cần 10 tỷ USD để bảo trì hạ tầng đến 2020.

Hiện tại nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hạ tầng ĐS tính đến năm 2020 khoảng 10 tỷ USD; nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng ĐS mới theo Chiến lược phát triển đến năm 2030 đã được phê duyệt cần khoảng 100 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần thiết phải có giải pháp đủ mạnh, nhằm thu hút được nguồn lực đủ lớn, để đạt được mục tiêu phát triển hạ tầng ĐS mà Nhà nước đã đặt ra.

Xã hội hóa hạ tầng đường sắt

Trước thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng cần xã hội hóa hạ tầng ĐS. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải khẩn trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến giao thông ĐS; cũng như đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác hạ tầng hiện có, nhằm duy trì năng lực phục vụ hiện tại và kéo dài tuổi thọ của các công trình.

Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng ĐS được xây dựng với mục tiêu nhằm tách bạch rõ giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định tại Luật ĐS năm 2005 (khắc phục các nhược điểm khi giao cho 1 đơn vị là Tổng công ty ĐS Việt Nam (VNRC) quản lý, sử dụng và kinh doanh khép kín nhưng không thực hiện nghĩa vụ về thuê đất với Nhà nước…) chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật đất đai.

Điểm mới của dự thảo là tách bạch quan hệ về tài sản giữa đại diện chủ sở hữu là nhà nước khi giao tài sản gắn liền với giao vốn cho doanh nghiệp, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; giao tài sản của nhà nước không gắn với giao vốn, đại diện chủ sở hữu phần vốn và tài sản của Nhà nước có quyền định đoạt, quản lý điều hành tài sản, được quyền giao cho doanh nghiệp sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng ĐS.

“Lịch sử phát triển ngành ĐS của các quốc gia đã chỉ ra với trình độ phát triển và quy mô của nền kinh tế hiện nay của Việt Nam, Nhà nước cần tiếp tục là đại diện chủ sở hữu thực hiện các dự án đầu tư, cung cấp các dịch vụ vận tải ĐS và từng bước xây dựng cơ chế mở để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ xã hội”, bà Trần Thị Hồng Nga (Cục Quản lý Công sản) góp ý.

Theo ông David Bray – chuyên gia tư vấn quốc tế, hướng đi tương lai đối với VNRC đó là các công ty vận hành đoàn tàu cần đóng vai trò trung tâm trong ngành ĐS, chứ không phải là công ty hạ tầng; Công ty cổ phần Vận tải ĐS Hà Nội và Sài Gòn không nên làm công ty con của VNRC, và phải sở hữu tất cả các tài sản mà họ cần để cung cấp dịch vụ tàu hỏa; cần xây dựng các công ty cạnh tranh trên toàn quốc hoặc trong khu vực để hỗ trợ cho ngành đường sắt; số lượng các công ty con cần giảm mạnh, luôn sử dụng đấu thầu cạnh tranh trừ trường hợp sửa chữa cần thiết.

“Đối với việc quản lý tài sản của VNRC, cần triển khai một hệ thống quản lý tài sản chính thức để giảm thiểu chi phí duy trì các tài sản hiện tại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo cơ sở để lập kế hoạch đầu tư trong tương lai, thực tế có thể mất 10 năm để hoàn thành nhiệm vụ này”, ông David Bray nhận định.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.