Đừng quên những mối hại lâu dài

Posted: July 3, 2015 in Uncategorized
Tags: ,

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) – Cập nhật Facebook, blog, nhiều trang mạng vào những ngày này có lẽ tin tức được nhiều người đón đọc nhất là thông tin về tình trạng sức khoẻ của tướng Phùng Quang Thanh.

� Xem thêm: Trung Quốc ra luật mở rộng phạm vi « an ninh quốc gia » + Đảo Trung Quốc ở Trường Sa : Không có gì để giấu nhưng cấm dòm + Trung Quốc sắp hoàn tất phi đạo trên đảo Đá Chữ Thập + Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt.

Tình trạng sống-chết, mất-còn, bị bệnh hay bị thanh trừng của một lãnh đạo đảng cộng sản, nhất là một người thân Tàu như Phùng Quang Thanh, thật cũng đáng quan tâm và tìm hiểu. Tuy nhiên, giữa dòng xoáy tin đồn liên quan đến cá nhân vài lãnh đạo cộng sản trong cơn lốc đấu đá quyền lực nội bộ đảng, chúng ta đừng để nó cuốn đi những sự kiện khác vốn có hệ luỵ nguy hại lâu dài và to lớn đối với dân tộc.

Dự án sân bay Long Thành được Quốc hội vội vã thông qua trong khi lại chần chừ, loanh quanh đối với việc ban hành Nghị quyết biển Đông. Quyết định dồn trên vai người dân khối nợ hàng ngàn tỷ dễ dàng được các đại diện đảng cử gật đầu hơn việc ra tuyên bố cứng rắn đối với tên đồng chí Trung Cộng luôn âm mưu lấn biển, đánh cướp ngư dân Việt Nam.

Chuyện vay nợ hàng ngàn tỷ để xây dựng sân bay làm tăng gánh nặng cho ngân sách quốc gia và đẩy khối nợ công đến mức khổng lồ dễ dàng đạt được sự đồng thuận mà người dân không có bất kỳ ý kiến gì!

Một công trình khác, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam cũng được Bộ Giao thông Vận tải tái khởi động. Tái khởi động trong khi mọi vấn nạn tiêu cực về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật thực hiện, vốn đầu tư và quản trị chi tiêu, thất thoát… có từ những năm trước, khi đề án này bị bác, vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó là sự quan ngại về chất lượng do nhà thầu Tàu đảm nhiệm cũng tiếp tục bị phớt lờ! Từ “ý chí” của Bộ chính trị và những cái gật đầu nhanh chóng của các đảng viên đại biểu quốc hội, dân tộc Việt Nam lại còng lưng gánh thêm một gánh nặng vài ngàn tỷ khác,

Đây là hai trong số những mối hại lâu dài đối với tương lai gần của người Việt.

Một diễn biến khác lặng lẽ trôi qua trong sự dè dặt của truyền thông lề đảng và ít được quan tâm trên các trang mạng xã hội, đó là việc ký kết khai thác dầu ngoài khơi vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc do Tập đoàn dầu khí Việt Nam công bố hôm 20/06/2015.

Sáu ngày sau khi hiệp định ký kết khai thác, ngày 26/06/2015, giàn khoan HD-981 bắt đầu tiến vào vịnh Bắc Bộ ở khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Tàu.

Tại sao lại là vịnh Bắc Bộ và tại sao HD-981 lại cố ý neo đậu ở khu vực đang phân định hải giới?

Câu trả lời chỉ có thể nhường lại cho các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi qua nhiều đời, đây là lần đầu tiên Việt Nam đồng ý hợp tác khai thác chung với Tàu Cộng ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

Từ khu vực chồng lấn, Cục an toàn Hàng Hải Trung cộng ra lệnh cấm tàu bè và các phương tiện đường thủy không được tiếp cận giàn khoan HD-981 ở cự ly 2000m trở lên.

Còn hành vi tuyên bố chủ quyền nào “hợp pháp” hơn lệnh cấm ngang ngược này từ phía Bắc Kinh mà Hà Nội vẫn im lặng cho đến tận hôm nay?

Tôi đã đi, đã đứng giữa biển người biểu tình phản đối chống lại việc sử dụng giàn khoan HD-981 để xâm lấn vùng biển Việt Nam hồi tháng 5/2014, và tôi thấy cay đắng khi sự xâm lấn này lại diễn ra trong sự im lặng của các lãnh đạo Cộng sản và sự thờ ơ của người dân.

Vận mệnh dân tộc Việt Nam nằm trong tay ai hỡi bạn bè?

Và vì sao chúng ta dễ dàng quên đi những mối hại lâu dài từ Tàu cộng như vậy? Hay chúng ta vẫn nhớ nhưng có những điều gì khác ngăn cản sự lên tiếng và hành động tranh đấu của chúng ta nhằm bảo vệ những gì mà tổ tiên đã đổ mồ hôi xương máu để lại cho thế hệ chúng ta?

Trung Quốc ra luật mở rộng phạm vi « an ninh quốc gia »

Trọng Thành (RFI) – Sau Sách trắng Quốc phòng, cho phép gia tăng sức mạnh quân sự bên ngoài phạm vi lãnh thổ, công bố cuối tháng trước, hôm nay 01/07/2015, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục ra luật mở rộng phạm vi bảo vệ « an ninh quốc gia » ra nhiều khu vực mới, như Bắc Cực, Nam Cực, biển cả và không gian, và kể cả các mạng xã hội. Khái niệm « an ninh quốc gia » hết sức rộng lớn và được định nghĩa mơ hồ trong luật gây nhiều lo ngại.


Phía trước Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, nơi Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua
luật mở rộng phạm vi bảo vệ « an ninh quốc gia » ra nhiều khu vực mới. REUTERS

Theo AFP, luật nói trên được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc – một cơ quan thường được coi chỉ là nơi thông qua các quyết định của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc – với đa số tuyệt đối : 154 phiếu thuận, không phiếu chống, và một vắng mặt.

Trong một phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, một quan chức cao cấp của Quốc hội Trung Quốc tuyên bố, tình hình an ninh quốc gia tại Trung Quốc « đang ngày càng nghiêm trọng hơn ». Theo quan chức này, luật mới sẽ bảo đảm không có chỗ cho « các xung đột, xâm hại hay can thiệp từ bên ngoài ».

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cuối năm 2012, chính quyền Trung Quốc liên tục tiến hành các trấn áp nhắm vào những người ly khai, bất đồng chính kiến. Phạm vi của luật an ninh mới bao trùm một loạt các lĩnh vực, từ quân sự, đến văn hóa, kinh tế, bên cạnh nhiều khu vực địa lý mới.

Theo AFP, nhiều doanh nghiệp nước ngoài và nhà ngoại giao bình luận khái niệm « an ninh quốc gia » trong luật là quá rộng. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch ngay lập tức lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc ra luật mơ hồ để gia tăng đàn áp. Không phủ nhận Trung Quốc có quyền gia luật về an ninh quốc gia, HRW cho rằng trong văn bản luật mới thông qua, có nhiều yếu tố đáng lo ngại. Theo nữ chuyên gia về Trung Quốc, Vương Tùng Liên (Maya Wang), thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, luật mới có thể biến một công dân bình thường thành một mối đe dọa đối với « an ninh quốc gia ».

Một trong các mục tiêu chính của luật này là gia tăng kiểm soát lĩnh vực internet, ngăn chặn các nội dung chính trị khác với quan điểm chính thống của đảng Cộng sản Trung Quốc. Nữ chuyên gia về Trung Quốc Vương Tùng Liên nhận xét : Luật an ninh mới nằm trong một loạt các luật liên quan đến an ninh quốc gia (gồm một dự luật chống khủng bố, hay luật về chống « tà giáo »« các hoạt động mê tín » vừa thông qua tuần trước) mà chính quyền Trung Quốc đưa ra nhằm « triệt hạ khả năng chỉ trích của xã hội dân sự nhắm vào chính quyền ».

Còn theo một số nghị sĩ dân chủ Hồng Kông, mặc dù không được áp dụng trực tiếp tại đặc khu hành chính Hồng Kông, nhưng việc Hồng Kông và Macau được nhắc đến trong luật này « tạo áp lực buộc chính quyền Hồng Kông » phải đặt lại vấn đề thông qua luật riêng về an ninh nội địa, bất lợi cho tiến trình dân chủ hóa. Năm 2003, một dự luật như vậy do chính quyền Hồng Kông đưa ra đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội, khiến khoảng 500.000 người xuống đường phản đối, buộc chính quyền phải rút lại điều luật dự kiến (điều 23 trong Luật cơ bản Hồng Kông, bộ luật được coi là Hiến pháp của đặc khu hành chính này).

Đảo Trung Quốc ở Trường Sa:
Không có gì để giấu nhưng cấm dòm

Trọng Nghĩa (RFI) – Vào lúc Trung Quốc tiếp tục xây cất trên các đảo nhân tạo họ bồi đắp tại Trường Sa, chính quyền Bắc Kinh không cho phép phóng viên đến xem các đảo. Tuy nhiên, một phóng viên đài Truyền hình Mỹ CBS đã trở thành ký giả phương Tây đầu tiên đến được gần sát một trong những đảo đá này.


Đảo Xu Bi. Nguồn : csis.org

Trong bản tin công bố hôm 01/07/2015, CBS cho biết là phóng viên Seth Doane đã xuất phát bằng tàu nhẹ từ đảo Thị Tứ, hiện do Philippines kiểm soát và đóng quân, trực chỉ đá Xu Bi (Subi Reef) cách đấy không đầy 15 hải lý. Đây là một trong những rạn san hô mà đang có các công trường xây dựng crua Trung Quốc.

Bắc Kinh không cho phép hãng tin CBS đến các đảo nhân tạo, vốn có thể trở thành căn cứ quân sự, vì vậy Seth Doane và nhóm của anh đã thuê tàu của một ngư dân Philippines địa phương để có thể đến đá Xu Bi càng gần càng tốt.

Theo ghi nhận của Doane, càng gần đến đá Xu Bi, người ta càng thấy rõ các chiếc cần cẩu trên đảo, trải rộng trong suốt chiều dài của đảo. Theo phóng viên này, anh có cảm tưởng là nhìn thấy một thành phố mọc lên từ giữa biển. Chiều rộng của đảo đủ để chứa một phi đạo cho máy bay hạ và cất cánh.

Qua lớp sương mù, khi tàu tiến lại gần hơn người ta thấy các loại thiết bị một cách mờ mờ.

Thế rồi ngư dân lái tàu thấy tín hiệu từ đèn báo từ phía trước, cho biết là cấm không được tiến lại gần hơn. Thế là thuyền trưởng chiếc tàu chở nhà báo Mỹ trở nên nóng nảy và đã lái tàu quặt đi hướng khác. Người này cho biết là sáp lại gần hơn sẽ rất nguy hiểm, và ông không muốn bị Trung Quốc bắt giữ.

Trung Quoc hanh xu xau xi: Con nhieu nguy hiem hon the...
Hình ảnh Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp các đảo, bãi đá Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Báo Đất Việt

Trở lại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời nhà báo Mỹ về lý do tại sao các nhà báo không được đến các đảo để đích thân đưa tin về công việc xây dựng.

Thế mà bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn mạnh miệng tuyên bố : « Tôi có thể bảo đảm rằng chính quyền Trung Quốc không có gì để che giấu cộng đồng quốc tế ».

Trung Quốc sắp hoàn tất phi đạo trên đảo Đá Chữ Thập

Tú Anh (RFI) – Một phi đạo dài 3000 mét do Trung Quốc xây trên đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trong quần đảo Trường Sa gần như đã xong. Hình ảnh vệ tinh quan sát của Mỹ chụp ngày 28/06/2015 cho thấy Trung Quốc tăng tốc hoàn tất tiền đồn tại Biển Đông bất chấp phản ứng của Mỹ và các nước trong khu vực.


Đảo Đá Chữ Thập- Fiery Cross Reef. Reuters

Từ thập niên 1980, Bắc Kinh đã có chủ ý biến đảo Đá Chữ Thập làm tiền đồn ở Biển Đông sau khi chiếm được Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường sa năm 1988 từ tay Việt Nam.

Kế hoạch cải tạo một số đảo đá ngầm thành căn cứ quân sự được gấp rút thực hiện trong những tháng gần đây theo như nhận định của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS của Mỹ.

Theo ảnh vệ tinh chụp ngày 28/06 vừa qua, trên đảo Đá Chữ Thập, Trung Quốc đã làm xong đường băng, đặt mốc dẫn đường, xây xong bãi đậu xe và đường giao thông.

Hai tuần trước, Trung Quốc công bố một số hình ảnh tuyên truyền hoàn toàn làm chủ đảo Đá Chữ Thập với nông trại trồng rau, một bầy lợn và một nhóm nữ binh không rõ là quân nhân thực thụ hay người mẫu. Trái lại, theo AFP, hình ảnh do vệ tinh của Mỹ cung cấp không có một bóng người. Tuy nhiên, có một hồ nước giữa đảo và một hải cảng đã hoàn thành. Ít nhất một đai ra-đa và 10 « an-ten » liên lạc với vệ tinh viễn thông đã được trang bị.

Theo AFP, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc ngưng công trình bồi đấp đảo và xây dựng căn cứ quân sự. Nhưng chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS nhận định là Bắc Kinh không có ý định tuân thủ. Kế hoạch quân sự hóa đảo Chữ Thập chỉ có thể tạm chậm lại trong mùa hè này hoặc vì bão tố ở Biển Đông hoặc vì chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình vào tháng 9/2015. Sau đó, Trung Quốc sẽ tăng tốc độ thực hiện kế hoạch xây dựng tiền đồn chiếm giữ Biển Đông.

Hồi đầu năm nay, thành phần chủ chiến tại Hoa Lục kêu gọi sử dụng căn cứ không quân đảo Chữ Thập « tấn công Việt Nam ».

Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt

Thiên Hà (MTG)theo CBS News – Bắc Kinh đã tuyên bố “hoàn thành” công việc xây dựng trái phép của mình trên quần đảo Trường Sa, nhưng sự thật lại không như vậy theo phóng viên của CBS News, thì chỉ trong 2 tháng, diện tích đất bồi đắp đã tăng đến 74% trong khi ở một số đảo, Trung Quốc mở rộng phi pháp mỗi ngày 3,2 ha trên Biển Đông và đó là chỉ tính riêng một hòn đảo.


Trung Quốc vẫn không ngừng xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông

Phóng viên Seth Doane của CBS News đã cố gắng tiếp cận đảo đá Subi, một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông với tốc độ nhanh “kinh hoàng”.

Trung Quốc cấm các nhân viên của  CBS News đến gần các đảo nhân tạo, vì vậy  Doane cùng các đồng nghiệp đã thuê người Philippines để giúp họ đến càng gần hòn đảo càng tốt.

Theo phóng viên của CBS News, một trong những lý do mà trung Quốc “thèm khát” độc chiếm Biển Đông là khu vực này có rất nhiều khoáng sản đặc biệt là dầu, ít nhất trữ lượng dầu đã được thăm dò là 7 tỉ thùng tương đương tổng lượng dầu mà nước Mỹ sử dụng trong một năm.

Ngoài sa, ngành khai thác hải sản cũng rất phát triển vì vùng biển này rất giàu hải sản, cũng như đây là tuyến đường biển hàng đầu thế giới khi mà khối lượng hàng hóa đi qua Biển Đông gấp tới 5 lần qua kênh Panama.

Đến gần Đảo đá Subi, nhìn từ xa có thể thấy hàng loạt công trình đang xây dựng với tốc độ kinh hoàng trên cả đảo nhân tạo, nhiều cần cẩu lớn được trải dài khắp hòn đảo nhân tạo.

Hình ảnh vệ tinh vào đầu tháng sáu cho thấy tốc độ bồi đắp kinh khủng những hòn đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng. Trong hai tháng, diện tích đất bồi đắp đã tăng tới 74% . Trên một số đảo, Trung Quốc mở rộng mỗi ngày 3,2 ha đảo trên Biển Đông.

Nó trông giống như những thành phố nổi đang mọc lên trên biển. Nơi này có đủ không gian cho một đường băng lớn, cũng như hàng loạt công trình lớn nhỏ khác.

Tuy nhiên, phóng viên của CBS News đã không thể tiếp cận hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây, vì những ngư dân Philippines mà họ thuê sợ bị Trung Quốc bắt giữ.

Trở lại, Bắc Kinh phóng viên của CBS News đã hỏi lý do vì sao Trung Quốc không cho các nhà báo tiếp cận những hòn đảo “hòa bình” của họ nhưng không nhận được câu trả lời thích đáng.

“Tôi có thể cam đoan chắc chắn chắn rằng chính phủ trung Quốc không có gì để che giấu cộng đồng quốc tế”, Bà Hoa Xuân Oánh phát ngôn viên của Trung Quốc né tránh vấn đề.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.