Hội thảo làm thế nào để “Thoát Trung”?

Posted: June 8, 2014 in Uncategorized
Tags:

Thanh Trúc (RFA) – Buổi hội thảo “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 vừa qua do Quĩ Văn Hóa Phan Chu Trinh và Nhà Xuất Bản Trí Thức tổ chức, đã qui tụ một số đông học giả, trí thức và đặc biệt nhiều người trẻ đến với vấn đề làm thế nào để thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, đất nước đang gây khó khăn cho Việt Nam về nhiều mặt mà nhất là vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 từ tháng trước.


.
Xem thêm: Tọa đàm ‘‘thoát Trung’’: Trước hết phải thoát khỏi chế độ toàn trị + Tuyên truyền, sự thật và lòng can đảm

Nhiều người hưởng ứng

photo5-305.jpg/imageCác vị học giả và người dân tham dự Buổi hội thảo “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 tại 53 đường Nguyễn Du thành phố Hà Nội.Courtesy Nguyễn Xuân Diện Blog

Buổi hội thảo ngày 5 tháng 6 diễn ra tại 53 đường Nguyễn Du thành phố Hà Nội, được coi là diễn đàn của giáo sư Chu Hảo và Quĩ Văn Hóa Phan Chu Trinh.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, nguyên trưởng nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao, nói rằng buổi hội thảo “Thoát Trung” này là một sự kiện đặc biệt:

“Sở dĩ nó đặc biệt vì ngày cả cái đề tài đã gây tranh luận, chưa bao giờ có chuyện là có người đứng cả dưới sân, chúng tôi đã phải chuyển từ tầng ba lên tầng bốn. Người đến rất đa dạng, những vị trí thức hàng đầu, đặc biệt lần này rất đông đảo các sinh viên học sinh. Sự hưởng ứng của mọi người nói lên cái bức xúc, cái khát vọng của mọi người Việt Nam muốn được có thông tin, muốn được biết thông tin trong những ngày nước sôi lửa bỏng này.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương là diễn giả chính, giáo sư Trần Ngọc Vương, tiến sĩ Minh và tôi là người phản biện.”

Thoát Trung, theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, là một đề tài rộng lớn, sâu sắc, liên quan đến nhiều lãnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, triết học, tư tưởng… mà nếu chỉ bàn có một buổi thì không thể nói hết được.

Nhìn vấn đề từ góc độ là thoát những ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Quốc, diễn giả Giáp Văn Dương cho rằng thoát Trung ở đây không phải là bài Trung, càng không phải là chống Trung. Ông nói một đất nước như Việt Nam với lịch sử với tiền nhân như đã biết thì Việt Nam đã quá gắn bó với văn minh Trung Hoa, quá gắn bó với tư tưởng Trung Hoa mà trên thức tế nền văn minh đó có rất nhiều điều hay đẹp cần nghiên cứu cần học hỏi.

Còn cái mà Việt Nam cần thoát ra ở đây, cần bài ở đây, tiến sĩ Giáp Văn Dương khẳng định, chính là bài cái tư tưởng bành trướng, bá quyền, nước lớn của ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc. Nói một cách khác, buổi hội thảo không bàn đến tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, không bàn đến những giá trị tư tưởng hay giá trị văn minh của nền học thuật Trung Hoa.

Về quan điểm của diễn giả Giáp Văn Dương, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhận xét:

“Tiến sĩ Giáp Văn Dương là một PhD candidate còn rất trẻ, tôi cho rằng Giáp Văn Dương có một bước rất trưởng thành, bởi vì cách đây năm 2011 thì lúc bấy giờ anh đã nhấn mạnh những vấn đề cấp bách của nhu cầu phải thoát Trung. Từ 2011 đến giờ, nghĩa là sau 4 năm, với 3 tiên đề và 7 trụ cột mà anh nêu lên như là bảy biện pháp để thoát Trung thì tiến sĩ Giáp Văn Dương đã xây dựng được một luận án để thoát Trung. Tóm lại, kết luận của diễn giả chính là nêu lên được một luận án để thoát Trung.”

photo7-250.jpg/imageTS Phạm Gia Minh (trái) và Tiến sĩ Giáp Văn Dương tại Buổi hội thảo “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 ở Hà Nội. Courtesy Nguyễn Xuân Diện Blog.

Trong tư cách người phản biện, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng khẳng định khát vọng thoát Trung và quyết tâm thoát Trung đặt ra lúc này là đúng lúc:

“Nhưng với bối cảnh hiện nay thì nó vẫn là một nhiệm vụ phải nói là đội đá vá trời. Tôi cho rằng những người đang thúc đẩy chuyện này chính là người đang đội đá vá trời. Bảy cái trụ cột mà tiến sĩ Giáp Văn Dương nêu ra thì hôm nay cũng đã có nhiều người nêu lên trong hội thảo, là chỉ cần một trong hai hay ba trụ cột trong đấy: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân… chưa chắc đã được nhà nước hoan nghênh. Ba cái trụ cột đấy nếu mà làm được thì Việt Nam có thể bước lên trên con đường phát triển, và ý của tiến sĩ Giáp Văn Dương là muốn thoát Trung thì phải phát triển, muốn thoát Trung là Việt Nam phải tiếp cận đến ngưỡng của các nước phát triển. Còn nếu chúng ta lạc hậu nghèo nàn nghèo đói thì mãi mãi thoát Trung chỉ là một giấc mơ.”

Sau khi trình bày ý nghĩa tiêu cực trong phần phản biện của mình, ông Đinh Hoàng Thắng chuyển sang mặt tích cực liên quan thời điểm mà Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981:

“Ngay như chiều qua là Trung Quốc đe dọa sẽ đặt HD 982 hiện nay đang ở cảng Đại Liên mà sắp tới đây sẽ đặt tiếp. Thế thì tôi nói rằng động cơ nào đằng sau việc Trung Quốc đặt giàn khoan và tôi gợi một ý để có thể suy nghĩ tích cực về vấn đề thoát Trung. Đó là hãy xem trả lời phỏng vấn ở trên báo Tuổi Trẻ của Phùng đại tướng nói về cảng Cam Ranh, hãy xem những tin cũng trên báo chí lề phải khi nói về dự án Phú Quốc. Đây là những sự kiện riêng lẻ nhưng mà đối lại đây chính là hướng thoát Trung rất tích cực, rất thực tiễn.”

Có thể thay đổi?

Lên tiếng tại buổi hội thảo, giáo sư Trần Ngọc Vương, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, nhấn mạnh rằng sự lệ thuộc, sự ràng buộc vào Trung Quốc không phải là định mệnh của dân tộc của cộng đồng Việt:

“Nghĩa là điều đó có thể thay đổi được, bằng chứng là trong các nước gọi là đồng văn truyền thống như Nhật Bản như Hàn Quốc thì người ta đã thoát khỏi cái sự ràng buộc ấy một cách ngoạn mục để trở thành những nước công nghiệp phát triển hoặc là những nước có trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa rất cao. Cho nên chuyện bị lệ thuộc vào Trung Quốc quyết không phải là đinh mệnh của Việt Nam.

    Thoát đầu tiên là thoát khỏi cái dã tâm của giới cầm quyền Trung Hoa chứ không phải tình hữu nghị hoặc là quan hệ giữa hai cộng đồng láng giềng, hai chuyện đó khác nhau.
-GS Trần Ngọc Vương   

Đấy là ý thứ nhất. Ý thứ hai, thoát Trung là thoát cái gì? Văn minh Trung Quốc là một nền văn minh có sức sống dẻo dai nhất trong lịch sử nhân loại cùng với nền văn minh Ấn Độ, có những thành tựu rất là kỳ vĩ. Chúng ta cũng không đặt vấn đề thoát khỏi cái đó, không quay lưng lại với nó. Đây không phải là bài Trung nhưng cái cần thoát ra thì đầu tiên tôi khẳng định thoát ra khỏi cái dã tâm của giới cầm quyền Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử. Cái xứ sở ngày nay là Việt Nam, cho đến tận ngày nay chưa bao giờ giới cầm quyền trên đất Trung Hoa, kể cả giới cầm quyền cộng sản, muốn có bên cạnh mình một quốc gia phát triển bình đẳng ngang tầm chứ chưa nói là vượt trội với Trung Quốc.

Tôi cho rằng cái thoát đầu tiên là thoát khỏi cái dã tâm của giới cầm quyền Trung Hoa chứ không phải tình hữu nghị hoặc là quan hệ giữa hai cộng đồng láng giềng, hai chuyện đó khác nhau.”

Mỗi một người Việt Nam, giáo sư Trần Ngọc Vương cả quyết, phải chống chọi lại âm mưu đồng hóa của giới cầm quyền Trung Quốc.

“Cho nên ý thứ ba mà tôi nói đến thoát Trung là thoát khỏi cái chất Trung Hoa ở trong mỗi người Việt Nam, thí dụ cái tâm lý “Nam Nhân Bắc Hướng”, ở phương Nam nhưng bị tuyên truyền rằng cội nguồn của anh giá trị của anh ở phương Bắc.”

Với câu hỏi liệu điều ông đang trình bày có dễ thay đổi không, giáo sư Trần Ngọc Vương phân tích rằng tất cả nằm trong ý chí khẳng định cái nguồn gốc thực sự của mình:

“Những thiết kế tư tưởng, những thiết kế quyền lực trong đó có những cái hướng theo Trung Hoa nhiều quá thì đánh mất bản tính và điều kiện kiến tạo nhân dạng hay căn cước của mình.

Tham dự buổi hội thảo thoát Trung do Quĩ Văn Hoa Phân Chu Trinh và Nhà Xuất Bản Trí Thức tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn Đàn Các Xã Hội Dân Sự, phát biểu ông tâm đắc với việc làm của hai tổ chức xã hội dân sự này:

“Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng điểm mấu chốt có cùng với nhau là không một cách nào khác để thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc từ xa xưa cho đến bây giờ bằng cách phải tự thoát được khỏi sự suy nghĩ của chính mình.”

Điều quan trọng nhất rút ra được từ buổi hội thảo này, tiến sĩ Nguyển Quang A kết luận, một chính thể dân chủ và đa nguyên thì mới mong thoát được tầm ảnh hưởng xấu của Trung Quốc.

Tọa đàm ‘‘thoát Trung’’ : Trước hết phải thoát khỏi chế độ toàn trị

Trọng Thành (RFI) – Chiều 05/06/2014, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra một cuộc hội thảo mang tên « Làm sao để thoát Trung ? ». Hội thảo do Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức. Để chuyển đến quý vị các thông tin về cuộc hội thảo, RFI phỏng vấn nhà giáo Phạm Toàn (Hà Nội), một người có mặt tại chỗ.

Cử tọa tham gia cuộc hội thảo “Làm sao để thoát Trung?”, ngày 5/6/2014. – Ảnh : Blog xuandienhannom.blogspot.f

Là chủ đề của một sinh hoạt tọa đàm thường kỳ của Quỹ, buổi hội thảo hôm 05/06 được công chúng đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh từ hơn một tháng nay, giàn khoan Trung Quốc thăm dò dầu khí cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, nằm sâu trong khu vực mà Việt Nam khẳng định là vùng đặc quyền kinh tế (có thể tham khảo bài tường thuật trên trang blog Nguyễn Xuân Diện).

RFI : Xin ông cho biết ý nghĩa chính của cuộc hội thảo này.

Phạm Toàn : Từ lâu rồi, thường là cứ chiều thứ Sáu, anh em gặp nhau để thảo luận về những vấn đề mà mọi người quan tâm. Những buổi đầu còn lưa thưa, nhưng trong khoảng mấy tháng nay, các hội thảo rất đông người tham gia. Đặc biệt buổi « thoát Trung », ngồi xuống đất, đứng đằng sau, chen chúc nhau.

Vấn đề « thoát Trung » bây giờ là vấn đề thiết thân của mọi người, những người nào biết lo cho đất nước. Vì những vấn đề vặt vãnh của gia đình, của cuộc sống thì có thể quên, còn thì chuyện này nó hiện diện lù lù ra trước mọi người : từ hàng hóa Trung Quốc, tin tức… đặc biệt là cái giàn khoan, đặc biệt là sự hống hách của người Tàu.


.
RFI : Thưa ông,  xin ông cho biết cụ thể về các diễn giả.

Phạm Toàn : Tôi ấn tượng với anh Giáp Văn Dương, vốn là giảng sư đại học Singapore. Nhưng anh ấy bỏ hết, anh ấy về nước mở trường, lập trường trên mạng, tham gia vào những hoạt động xã hội. Bài tường trình diễn giải mở đầu của anh ấy hay lắm. Anh ấy lập luận chặt chẽ. Trước hết anh ấy nói rằng : « chúng ta thoát Trung, chứ không phải bài Trung ». Xác định giới hạn rõ ràng ! Rõ ràng đấy là những con người lịch sự, chứ không phải là làm cho người ta có thể khó chịu.

Và đặt ra vấn đề là, « thoát Trung » thì thoát đi đâu ? thoát để làm gì ? thoát bằng cách gì ? Trước đó, tôi có nói với anh ấy : « đầu đề của anh là ‘‘Làm sao’’ để thoát Trung, chứ không phải làm ‘‘Làm gì’’ ? ». Anh ấy nói là « Làm sao ? » chứ, nêu ra vấn đề lớn như thế đã ! Chứ còn « Làm gì ? » thì từng người, từng tổ chức, từng mắt xích một, phải nghĩ xem mình làm gì và mình phải làm thế nào cho nó thiết thực ! Thế còn (việc) bây giờ là phải xới vấn đề ra !…

Sau đó, đến lúc mọi người phát biểu, thì hay lắm. Anh Nguyễn Vi Khải – nguyên là cố vấn trong nhóm cố vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây (dàn cố vấn đã bị giải tán) – nói : Hôm nay, tôi nói chuyện với tư cách một người cách đây bảy mươi mấy năm đã ra đời ở Thượng Hải. Ông ấy bảo, không nên coi thường người Trung Quốc, người ta thật sự đang hiện đại hóa, người ta thật sự đang lớn mạnh, thế nhưng mà, trong sự lớn mạnh, hiện đại của người Trung Quốc, hàm chứa nhiều điều mà anh ấy gọi là « bí ẩn »… Như thế đặt ra vấn đề mình phải nghiên cứu họ.

Tôi thấy có các ý kiến của anh Trần Vũ Hải, của anh Nguyễn Quang A, của anh Phạm Khiêm Ích hay lắm… Anh Phạm Khiêm Ích đem Hiến pháp ra nói : đảng Cộng Sản Việt Nam đã có lần đưa vào Hiến pháp, coi Trung Quốc – có máu « bành trướng », « Đại Hán » – là « nguy cơ thường trực », « nguy cơ đại họa ». Thế nhưng mà, giải pháp mà (chính quyền Việt Nam dùng – ndr) để chống nguy cơ ấy là phải xây dựng « chuyên chính vô sản ». Anh Phạm Khiêm Ích, anh ấy chỉ ra một căn bệnh (của chính quyền Việt Nam – ndr) là dùng phương thuốc sai. « Đáng nhẽ lấy nước dập lửa, thì lại lấy lửa dập lửa ; đáng nhẽ lấy thuốc giải độc để giải độc, thì lại lấy độc trị độc ». Thế thì khó lắm ! Nói chung là lúng ta lúng túng.

Cuộc họp diễn ra ở một hội trường, có một khẩu hiệu to đùng (Khẩu hiệu “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm” – ndr). Tôi cố tình đưa ảnh ấy lên trên mạng. Còn có cả tượng (tượng Hồ Chí Minh – ndr)… Mọi người cứ cười. Anh Nguyễn Quang A nói rất vui : Cái hội trường này hình như nó không đủ chứa, lần sau chúng ta phải ở một hội trường chỗ khác thôi. Thế là tất cả đều cười bò ra. Mọi người đều hiểu nhau. Cho nên, tôi phải nói rằng, cử tọa, công chúng, con người ở Việt Nam bây giờ khôn lắm, cực kỳ thông minh rồi đấy.

Nhưng tôi chỉ hơi đáng buồn là thanh niên tham gia ít quá… Một em thanh niên nêu các vấn đề ra, rồi nói « chúng tôi là những người hoang mang »… Tôi có nói với lại, các cậu làm đi, việc gì phải chờ mấy ông già, mấy ông ấy dậy… Các cậu làm đi, sợ cái gì ?! Tất cả giống hệt như các nội dung mà anh Giáp Văn Dương đã chuẩn bị. Con người là con người tự do, tự do làm những điều theo trách nhiệm của mình. Anh Giáp Văn Dương nói, muốn thoát Trung thì thoát từ từng con người, với tư cách là « người tự do và có trách nhiệm », chứ không phải là cứ chờ đợi.

Và cái kết luận lúc cuối cùng cũng là gần như thế. Là mỗi người phải tìm ra những gì mình cần làm, những gì mình tin rằng mình làm được, tính khả thi của mọi kế hoạch. Tôi nghĩ rằng những lần họp sau, những hội thảo tiếp theo, nếu có thì có những phương án thực thi, tôi tin như thế.

RFI : Thưa ông, những điều ông nói có nhiều hương vị lạc quan, tuy nhiên, một số bài tham luận hội thảo, cụ thể là bài của Tiến sĩ, cựu đại sứ Đinh Hoàng Thắng, có nói đến « bóng ma » ám ảnh của « Thành Đô-2 » (tức một thỏa thuận bí mật có thể xẩy ra giữa ban lãnh đạo hai đảng CS Việt Nam và Trung Quốc), gây lo ngại. Về vấn đề này, xin ông cho biết ý kiến.

Phạm Toàn : Nếu chúng ta đọc “Hồi ký” của Trần Quang Cơ, chúng ta có thể hiểu một chút. Nhưng vì không có sự minh bạch, nên không thể nào biết được nội dung thực sự của những thỏa thuận ngầm, « đi đêm » là những gì. Tại làm sao sau khi bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào mình chết như thế, mà lại có thể lờ tảng những chuyện đó đi ? Thậm chí những đài tưởng niệm ở biên giới bị đục bỏ, rồi những chuyện khác… Coi như không có gì nữa. Rồi lại trở lại bao nhiêu « chữ vàng », bao nhiêu « 4 tốt », bao nhiêu vớ vẩn… Cái đó vẫn là một quá trình. Anh Đinh Hoàng Thắng anh ấy gợi ra là sẽ có thể có « một Thành Đô » nữa.

Tôi thấy rằng, cái không khí của việc thảo luận là người nào cũng nghĩ thầm trong đầu là : thoát Hán chỉ như là một cái « biển hiệu » thôi, muốn thoát Hán thì phải thoát Cộng, mà thoát Cộng, thì cực kỳ khó khăn, phải từ từ. Thế và, có một diễn giả cũng nói rất là giữ kẽ, là « Thoát tính toàn trị chứ không phải là thoát Cộng ». Thế nhưng, thoát toàn trị, giả định đã là cái kia rồi.

Nói chung là mọi người cũng rất là dè dặt, cực kỳ dè dặt. Đặc biệt là sau khi hội nghị đã tan, mọi người còn ở lại ít nhất là một tiếng đồng hồ. Và có một câu hỏi cứ lởn vởn : hôm nay có bao nhiêu an ninh theo dõi ? Thế nhưng, rất là may, hôm nay (07/06), có một người làm việc ở chỗ Quỹ Phan Chu Trinh gọi điện cho tôi nói chuyện là, hôm qua, Ban Tuyên giáo có gọi điện cho anh Chu Hảo là hoan nghênh cuộc thảo luận đó. Tôi chưa xác minh lại thông tin này. Tuy thế, nhưng mà trước khi tổ chức, thì có những người yêu cầu là phải làm thật gọn, không được lan man, và làm đúng 4 giờ rưỡi là phải giải tán, không được ở lại thêm, không được tụ tập lâu hơn.

Tôi cho rằng, tóm lại, ở Việt Nam bây giờ đương rất là lộn xộn, không biết thế lực nào là thế lực chính, không biết người nào là người nói thật, và không biết người nào là người nói thật và làm thật. Thế lực mà đang nói thật được, nhờ cuộc cách mạng internet, thì lại chưa thể làm thật được, vẫn còn bị trên đe, dưới búa. Cái không khí tôi cảm nhận là như thế. Ngay cả diễn giả, anh Giáp Văn Dương, cũng đề ra vấn đề hết sức là chừng mực, chừng mực. Và vẫn chưa có người nào gọi tên được « con vi trùng » là cái gì ?

RFI : Trong bài « ghi chép » ông thực hiện về hội thảo này, đăng tải trên trang Văn Việt, ông có cho biết « thế hệ ông » đã thoát Trung từ lâu. Vậy xin ông cho biết cụ thể.

Phạm Toàn : Bọn tôi thoát Hán từ lâu rồi. Từ những năm 1950, chúng tôi đã có những chuyện tiếu lâm, chuyện thật, nhưng kể thành tiếu lâm, ví dụ như tính giáo điều của những ông chuyên gia, cố vấn Trung Quốc… Chúng tôi giễu nhiều lắm. Mới đầu khi thoát Trung, thì hơi ngả về Nga. Nhưng từ khi ông Khruchtchep ông ấy thể hiện sự ngu dốt, khi đả kích các nhà văn hóa, vẽ như Picasso, thà lấy đuôi ngựa nhúng vào thùng màu quật lên toan… thì có thể có được bức tranh trừu tượng… Cuối những năm 1950, chúng tôi đã thoát Trung, cuối những năm 1960, chúng tôi đã thoát Xô Viết, để còn lại là những người tư duy tự do, và buồn. Vào những năm 1970, chúng tôi đã truyền nhau một câu : « chủ nghĩa xã hội ở đâu ? c’est partout et nulle part ». Và từ khi chúng tôi đã truyền tay nhau những bài viết của tạp chí « Les Lettres françaises », bị đình bản, các bài viết của ông Aragon « J’ai gâché ma vie »… Chúng tôi đã truyền tay nhau những bài ấy.

Chúng tôi đã biết rằng mình phải thoát. Chỉ còn lại là, mình phải độc lập, mình phải tự do. Nhưng mà sức mỏng, lực thì lại yếu, và cũng ba bốn năm lần, một chân ở trong cùm rồi… Thoát Trung, thoát Xô Viết, thoát cùm, ba cái thoát chúng tôi đều đã thoát cả rồi. Phải nói rằng, tôi là người lạc quan, và tôi là người tự do. Bây giờ, tôi tổ chức các em soạn lại bộ sách (bộ sách giáo khoa phổ thông của nhóm “Cánh buồm” – ndr). Để làm gì, vì muốn thoát gì, suy cho cùng cũng phải chấn hưng nền văn hóa, phải làm những việc có ích, việc có thật, việc đúng đắn. Chính những cái đó bảo vệ cho mình, bảo vệ cho danh dự, cho sinh mệnh của mình, và mình có nhiều người thông cảm, người cùng làm việc. Đấy là ý của tôi.

RFI : Như vậy, ông được cả hai đường. Thế còn những ai phải mạo hiểm cuộc sống… để làm những việc mà họ cho là đúng ?

Phạm Toàn : Tất cả các con đường đều đáng tôn trọng, tất cả các cách làm việc đều phải tôn trọng. Có những cái tích cực theo phương thức này, hoặc theo phương thức kia. Cái nguy cơ đặt ra với Việt Nam bây giờ là phong trào dân sự chưa có tổ chức… Hiện nay, thế lực mà có khả năng tổ chức là thế lực toàn trị. Thế lực ấy không đồng tình lắm với các cuộc hội thảo thoát Trung. Bởi vì thoát Trung chính là thoát cả cái toàn trị ấy.

RFI xin cảm ơn nhà giáo Phạm Toàn.

Tuyên truyền, sự thật và lòng can đảm

Lã Việt Dũng (Dân Luận) – Một cuộc hội thảo hội tụ khá nhiều những cây đa cây đề của giới trí thức Hà Nội, những người đã ký bản yêu cầu sửa đổi hiến pháp, còn gọi là nhóm 72.


Chiều 5/6/2014, một hội thảo “Làm sao để thoát Trung” diễn ra ở Hà Nội.

Mặc dù đã có những phát biểu đanh thép, nhưng sự thú vị lại không đến từ những học giả, mà đến từ câu hỏi của các bạn trẻ:

– Đồng ý là chúng ta cần thoát Trung, vì chúng ta đang ở bờ vực. Nhưng chúng ta thoát rất giỏi, thoát từ bờ vực này sang cái vực khác còn sâu hơn, thì sao?

– Các bác nói phải liên minh với nước khác để thoát Trung, vậy nhỡ đến lúc nước đó có vấn đề với Việt Nam, thì lại tìm nước khác nữa liên minh để thoát à?

– Các bác phát biểu rất hay, nhưng đề tài này không mới. TV nói, báo nói, vỉa hè cũng nói. Nhưng sau nói là làm gì? Các bác phất cờ đi?

Những câu hỏi đó được sự vỗ tay nhiệt liệt, nhưng câu trả lời là: im lặng!

Người cộng sản rất giỏi tuyên truyền, và họ có cả bộ máy để làm việc đó. Chỉ cần quăng những câu hỏi không có đáp án vào sinh viên, vào công chức, vào dư luận viên là mọi nỗ lực thoát Trung, mọi nỗ lực thay đổi sẽ rơi vào bế tắc.

Nếu đưa những câu hỏi trên thoát ra khỏi không gian chật hẹp của buổi hội thảo, vào thế giới tự do, không khó để có câu trả lời. Trong phạm vi của buổi hội thảo, của cái xã hội tù túng, đó không phải là các câu hỏi “không có đáp án”, mà là những câu hỏi “không dám có đáp án”. Để trả lời các câu hỏi đó, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, chứ không phải “một nửa sự thật” như tinh thần của buổi hội thảo.

Vì chỉ dám tiếp cận “một nửa sự thật”, nên ngay từ đầu, chủ toạ – bác Chu Hảo – đã đặt ra một loạt rào cản. Không quá khích (cái dạo này hay được dùng, có vẻ cứ muốn né tránh là người ta đổ cho quá khích), không bức xúc, không đả kích, có quyền dừng những câu hỏi nhạy cảm… đã làm phần hội nhiều hơn phần thảo, nên dù cũng có nhiều phát biểu mạnh mẽ, nhưng né tránh và không giải pháp.

“Một nửa sự thật” đó thể hiện rõ nét trong bài “Làm sao để thoát Trung” của anh Giáp Văn Dương, diễn giả chính của chương trình. Ngay từ đầu, anh đã đặt rào cản bằng cách giải thích sự khác biệt của từ “làm sao”“làm thế nào”. Theo đó, bài của anh chỉ nêu vấn đề “làm sao” mang tính lý thuyết, còn “làm thế nào” là việc của chính phủ.

Bài của anh có thể tóm tắt làm ba phần như sau:

1. Thoát Trung

– Thoát đi đâu: thoát đi ra phần còn lại của thế giới

– Thoát cái gì: thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc

– Thoát thế nào: muốn thoát khỏi Trung Quốc, cần phát triển hơn Trung Quốc. Vậy nên trả lời câu hỏi thoát thế nào đồng nghĩa với trả lời câu hỏi phát triển thế nào.

2. Làm sao để phát triển: phát triển 7 trụ cột

– Con người tự do
– Giáo dục khai phóng
– Xã hội dân sự
– Hành chính phục vụ
– Thể chế dân chủ
– Kinh tế thị trường
– Nhà nước pháp quyền

Anh nêu cả 7 trụ cột, nói kỹ về giáo dục nhưng không chỉ ra được trong hoàn cảnh hiện nay phải ưu tiên cái gì.

3. Chúng ta (cá nhân, không đề cập đến chính phủ) có thể làm gì?

– Nâng cao năng suất lao động (tự khai sáng, tự cứu mình, đẩy mạnh khởi nghiệp, sáng tạo, đổi mới, làm việc chăm chỉ…)

Nghe bài của anh, mọi người hiểu: Muốn thoát Trung, phải phát triển, muốn phát triển, phải lao động, việc khác có chính phủ lo! (dạo này chính phủ đang có uy tín, nên nhiều người hay dùng từ “chính phủ lo” thay cho “đảng và nhà nước lo”)

Đó là một lập luận logic và hợp lý, rất hợp lý nếu chúng ta đang ở … Mexico, và vấn đề không phải thoát Trung, mà là thoát Mỹ – chỉ cần phát triển hơn Mỹ là thoát. Nhưng ở nơi ấy, trong thế giới tự do, câu hỏi “làm sao để thoát Mỹ” chắc chắn là một câu hỏi ngớ ngẩn. Chính người Mỹ có lẽ đang phải đặt câu hỏi: “làm sao để thoát Mexico”.

Vậy đâu là sự thật? Theo tôi, một nửa sự thật còn lại nằm ở câu hỏi: “Tại sao phải thoát Trung?” mà không hiểu vô tình hay cố ý đã bị né tránh (mình đứng lên định hỏi thì bị chặn). Bao đời cha ông ta muốn thoát Trung (cả người Nhật, người Hàn), đến nay chúng ta lại tiếp tục phải thoát Trung. Chúng ta chắc chắn không muốn thoát một nước Trung Hoa dân chủ, vì nó công bằng và đem lại nhiều cơ hội. Chúng ta muốn, và cần phải thoát khỏi một nước Trung Hoa Cộng Sản, như cha ông ta muốn thoát một nước Trung Hoa phong kiến, vì chỉ những nước độc tài toàn trị, độc tài phong kiến mới sẵn sàng chà đạp nhân dân mình, chà đạp nhân dân dân tộc khác để bảo vệ quyền lực của thiểu số, bảo vệ lợi ích của thiểu số và duy trì ý thức hệ của thiểu số.

Sự thật rõ ràng nhưng trần trụi. Chúng ta thoát ý thức hệ của Trung Cộng thế nào, nếu đó cũng là ý thức hệ của chúng ta? Liệu chúng ta có dám thoát nổi mình? Trả lời thẳng thắn câu hỏi đó là điều không thể với bác Chu Hảo, với anh Giáp Văn Dương và những cuộc hội thảo nằm trong toà nhà của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Nhưng khi không thể thì đừng nên nói, đừng nên hội thảo chỉ để nói một nửa sự thật, vì một nửa sự thật vẫn là giả dối, và sự giả dối lại giúp ích đắc lực cho bộ máy tuyên truyền.

“Muốn thoát Trung, phải thoát Cộng. Muốn thoát Cộng, phải dân chủ, đa đảng”. Để nói ra điều đó cần một sự can đảm như một cậu bé (có lẽ vì trẻ và ngây thơ) dám hét lên “Hoàng đế cởi truồng!” trong truyện cổ, và để thực hiện nó còn cần sự can đảm gấp nhiều lần. Hi vọng những thành viên trong câu lạc bộ Phan Chu Trinh, những người tổ chức cuộc hội thảo này có thể một lần lên tiếng, một lần thực hiện, một lần can đảm đáp lại lời trách cứ bi ai của cụ:

“Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.”

Cuối cùng, xin mạo muội trả lời ý kiến của các bạn trẻ, khi đã mạnh dạn tiếp cận sự thật:

1. Chúng ta đang ở trên bờ vực, đó là bờ vực làm nô lệ cho chủ nghĩa đại hán bá quyền Bắc Kinh, bờ vực của sự độc tài toàn trị, không có một bờ vực nào lớn hơn. Vì vậy, khi thế giới văn minh chìa tay cho chúng ta, hãy mạnh dạn nắm lấy và đi cùng họ. Tất nhiên, trong tiến trình dân chủ, chúng ta sẽ có sai lầm, sẽ có va vấp, nhưng hãy tin vào chính mình. Với sự tự do lựa chọn, tự do bầu cử, tự do quyết định, chúng ta sẽ đủ minh mẫn để tìm ra giải pháp cho mình, chắc chắn tốt hơn giải pháp của những người tự cho là đỉnh cao trí tuệ nhưng khư khư ôm lấy cái học thuyết đã thất bại mấy trăm năm.

2. Có thể chúng ta không liên minh với nước này chống nước kia, nhưng chúng ta buộc phải liên minh với nước khác để bảo vệ chủ quyền. Sự liên minh này không phải là sự ràng buộc ý thức hệ, mà là liên minh theo tiêu chuẩn tự do, dân chủ, nhân quyền. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó, nhưng cái giá phải trả bao giờ cũng rẻ hơn việc mất tất cả vào tay Trung Quốc.

3. Thoát Trung và thay đổi quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề phức tạp, nằm ngoài khả năng của một cá nhân, một cuộc hội thảo, của các tổ chức XHDS và nằm ngoài cả khả năng của ĐCS do những ràng buộc và nợ nần hiện tại. Cần phải có những giải pháp chính trị từ những tổ chức chính trị chuyên nghiệp.

Trên đây là những gì mình thu hoạch được sau buổi hội thảo, mong mọi người chỉ giáo!

Comments
  1. […] Thoát Trung xuandienhannom.blogspot.com.au/2014/06/tuong-thuat-truc-tiep-toa-am-lam-sao-e.html nhatvanguyet.wordpress.com/2014/06/08/hoi-thao-lam-the-nao-de-thoat-trung/ – Bằng chứng mật vụ CS truy sát chị Trần Thị Nga hôm 25/5 […]

  2. […] nhatvanguyet.wordpress.com/2014/06/08/hoi-thao-lam-the-nao-de-thoat-trung/ […]

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.